|
Khám xét nhà ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) tại Đà Nẵng hôm 21.12 |
Không nên để “gờn gợn”
Cả năm nay tôi đã nghe dư luận râm ran về chuyện Vũ "nhôm", nào là anh ta chi phối, kinh doanh tài sản, vào nhà một số quan to dễ dàng... Như vậy, rõ ràng cơ quan chức năng khi nắm tình hình về an ninh trật tự, kinh tế - xã hội cũng phải nắm được. Tiền lệ vụ việc này đã được đánh động qua việc truy nã Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy; rồi trước đó là vụ truy nã Dương Chí Dũng.
Vũ "nhôm" là người tai tiếng như thế, đặc biệt sau nhiều sự vụ xảy ra tại Đà Nẵng và đặt trong bối cảnh chung về chống tội phạm tham nhũng, tội phạm kinh tế thì rõ ràng Vũ “nhôm” đã nằm trong tầm ngắm của cơ quan chức năng từ lâu. Tuy nhiên, Vũ “nhôm” đã kịp bán tài sản mà sao không ai biết, rồi lại bỏ trốn trước khi bị khởi tố mà chưa có cách nào ngăn chặn được? Theo tôi, rõ ràng câu chuyện chống tham nhũng đang có vấn đề trong thực tiễn; trách nhiệm này ở đâu, mức nào cũng cần phải làm rõ...
Hậu quả của chuyện Vũ “nhôm” bỏ trốn , theo tôi, là chưa ổn trong bối cảnh quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta đang có những thành tựu lớn và người dân phấn khởi, đồng lòng hậu thuẫn. Không thể để người dân thất vọng hay gờn gợn, chưa an tâm trong riêng vụ việc này...
Ông Trần Quốc Thuận (Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội)
Chia sẻ với PV Thanh Niên, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho hay đây là vấn đề khó khăn, phức tạp liên quan đến án tham nhũng, đặc biệt là chuyện quản lý xuất, nhập cảnh. “Ở đây có nghịch lý là trong những trường hợp đó, làm sao để chúng ta vừa phải bảo vệ quyền con người, quyền công dân; vừa phải hành xử sao cho nghi can không thể đi lọt mất”, ông Nghĩa nói.
Điều 79 của bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 hiện đang có hiệu lực quy định là chỉ được áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với các bị can, bị cáo. Do đó, cũng gây khó khăn trong công tác điều tra, xử lý vụ án. Việc cơ quan chức năng chưa áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với các đối tượng nêu trên là thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Sau khi đã có một số đối tượng bỏ trốn, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung truy bắt bằng được các đối tượng để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, điều 110 đã bổ sung quy định về giữ người trong trường hợp khẩn cấp; điều 124 đã bổ sung về “ tạm hoãn xuất cảnh” đối với các trường hợp sau khi thực hiện hành vi phạm tội, trong quá trình xác minh, điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành án thì người phạm tội đã lợi dụng việc xuất cảnh để trốn ra nước ngoài, gây cản trở cho việc xử lý vụ án và thi hành hình phạt. Các điểm mới nêu trên trong bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2018.
|
Theo Thanh Niên