|
Một động thái "giản dị" song qua đó xem việc tự ý bồi đắp, xây dựng, lập căn cứ quân sự tại đây như là một điều hiển nhiên và hợp pháp, như thể các đảo, đá này thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Và từ đây khỏi ai tố cáo lấn chiếm, bồi đắp, xây dựng, lập căn cứ, quân sự hóa... gì nữa.
Công khai
Bài báo dẫn báo cáo, do Cơ quan dữ liệu và thông tin hải dương của Trung Quốc thực hiện, "đơn giản" giải thích: "Trung Quốc đã tăng cường xây dựng và tăng cường sự hiện diện quân sự của mình trên các hòn đảo và bãi đá ở Nam Hải (tức khu vực Biển Đông của Việt Nam) trong năm qua khi căng thẳng lãnh thổ với các nước láng giềng đang giảm".
Bài báo cũng báo trước rằng "kích thước của một số đảo sẽ còn được tăng thêm nữa trong tương lai", và quả quyết rằng "Trung Quốc đã mở rộng một cách vừa phải khu vực quần đảo Nam Hải để tăng cường khả năng phòng thủ quân sự trong phạm vi có chủ quyền và cải thiện cuộc sống của người dân sống trên đảo".
Theo báo cáo, "khả năng phòng vệ tại các đảo này đã được cải thiện với thêm nhiều binh sĩ chuyên nghiệp đồn trú ở đây" và rằng "từ cuối năm 2016 tới nay, đã có hơn 680 chuyến bay cất cánh từ phi trường Vĩnh Hưng (tức đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam)".
Việc Cơ quan dữ liệu và thông tin hải dương của Trung Quốc nay công bố báo cáo trên và được báo chí nước này đưa lại là một động thái "giản dị" y hệt như việc loan tin về việc thành lập cái gọi là "Tam Sa thị" (thành phố Tam Sa) thuộc tỉnh Hải Nam, có "trụ sở chính quyền" đặt tại đảo Vĩnh Hưng ngày 24-7-2012.
Cái gọi là "chính quyền Tam Sa thị" đó quản lý một khu vực mà nhiều nước đang tranh chấp chủ quyền, bao gồm: quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là quần đảo Tây Sa), quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là quần đảo Nam Sa), bãi Macclesfield và bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là quần đảo Trung Sa) cùng vùng biển xung quanh.
Lộ chân tướng
Thế nhưng, bài báo cũng để lộ chân tướng sự việc qua bình luận sau: "Mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác, như Philippines, đã dịu đi trong mấy năm qua, tạo nên thời cơ bằng vàng cho Trung Quốc".
Cụm từ "thời cơ bằng vàng" đã nói lên tất cả thực chất của hành vi tự ý lấn chiếm, bồi đắp, xây dựng căn cứ quân sự này! Nếu không có "thời cơ bằng vàng" đó, cả trong nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, sẽ bị phản đối quyết liệt hơn như mới cách đây hai năm.
Một lập luận khác trong bài báo cũng cho thấy tính phi pháp của hành động này: "Việc Trung Quốc có thiết bị phòng thủ là một động thái cần thiết đối với Trung Quốc xét đến việc phải đối mặt với những đe dọa từ phía Mỹ cùng các nước do lẽ các máy bay chiến đấu thường xuyên 'thăm viếng' khu vực này và rằng các nước khác thường xuyên tập trận trong khu vực này".
Trước hết, đây không hề là lãnh thổ của Trung Quốc, nhất là các bãi đá được bồi đắp - phán quyết của Tòa La Haye năm ngoái đã tuyên như thế. Kế đến, việc mà phía Trung Quốc gọi là "thăm viếng" đó đều hợp pháp trên cơ sở quyền tự do di chuyển trên biển và bay qua, cũng như việc các nước tập trận là trong chủ quyền của các nước. Và cuối cùng là sự "giấu đầu hở đuôi" khi than rằng "các nước khác thường xuyên tập trận", khác với đoạn đầu tự tin cho rằng tình hình đã im ắng.
Màn một và màn hai đã xong, bao giờ đến màn ba rồi hạ màn, như trong các vở kịch cổ điển?
"Giản dị" "Giản dị" ở chỗ không cần đến bất cứ phán quyết xác định chủ quyền nào của tòa án quốc tế, Trung Quốc chỉ cần ký một văn kiện, rồi đơn phương biến của người thành của mình. Từ "Tam Sa thị" năm 2012, nay công bố "thành tích" mở rộng và quân sự hóa các đảo và bãi đá lấn chiếm, là một nối tiếp "đương nhiên". Tính "đương nhiên" này thể hiện qua việc gọi đây là một sự "mở rộng một cách vừa phải" khi mà diện tích mở rộng lên đến 29ha chỉ riêng trong năm 2017! |
Theo TTO