TP.HCM lo tội phạm, tệ nạn tăng khi áp dụng cơ chế đặc thù

Thứ tư, 27/12/2017, 10:51
Công an TP.HCM dự báo khi áp dụng cơ chế đặc thù, môi trường sống và kinh doanh thuận lợi sẽ kéo theo nguy cơ tăng tội phạm.

Tại Hội thảo Bảo đảm trật tự an toàn xã hội, hướng đến thành phố có chất lượng sống tốt do Viện Nghiên cứu và Phát triển TP. HCM tổ chức ngày 26/12, thượng tá Nguyễn Thế Lâm (Phó phòng Pháp chế Công an TP.HCM) bày tỏ băn khoăn tội phạm có thể gia tăng từ năm 2018.

Lo ngại này xuất phát từ việc thành phố thực hiện chính sách đặc thù để phát triển kinh tế, cải thiện môi trường sống... nên người nhập cư có thể đổ về, kéo theo nguy cơ tăng tội phạm, người nghiện ma túy...

"Ngoài ra, một số quy định pháp luật mới tăng quyền và lợi ích tập thể, cá nhân; hoặc nhiều văn bản có hiệu lực trong năm 2018 chưa hướng dẫn kịp thời, gây lúng túng, vướng mắc cho người thực thi", ông Lâm nêu nguyên nhân khác.

Để ngăn ngừa và kéo giảm tội phạm, thượng tá Lâm đề xuất ngành công an khẩn trương tinh giản bộ máy, cải cách hành chính, đảm bảo hệ thống hoạt động hiệu quả hơn để đối phó với sự phát triển đa dạng, mau lẹ của tội phạm.

"Chúng ta cần tham gia vào hệ thống liên lạc toàn cầu của Interpol, tăng cường cho hệ thống hoạt động và thông tin giữa các tổ chức cảnh sát", ông nói.

Người nghiện chích ma túy công khai ở trung tâm TP.HCM.

Đánh giá về tình hình tội phạm năm qua, ông Lâm cho biết tội phạm đang trẻ hóa, bị tác động bởi văn hóa đồi trụy; thậm chí hình thành nhóm tội phạm bạo lực tập thể từ những thanh thiếu niên thất nghiệp, công nhân nhập cư.

Nhiều băng nhóm lừa đảo, cho vay theo kiểu "tín dụng đen", đòi nợ thuê, bảo kê, tội phạm truy nã... tập trung ở các khu công nghiệp, địa bàn giáp ranh.

Hiện, có hơn 21.000 người nghiện tại TP.HCM. Trong đó, nhiều người lập thành băng nhóm gây án chuyên nghiệp. Sở dĩ có tình trạng này bởi xuất hiện nhiều tổ chức sản xuất ma túy quy mô lớn, cung cấp tại chỗ cho người nghiện. Các đường dây vận chuyển ma túy từ nước ngoài hoạt động chặt chẽ hơn, chuyên nghiệp và khép kín, khiến cảnh sát khó khăn để triệt phá.

Ngoài ra, tội phạm kinh tế nổi lên với hình thức huy động đầu tư tài chính bằng đồng Bitcoin và các loại tiền ảo khác lôi kéo nhiều người tham gia. Hay tình trạng người châu Phi dùng giấy tờ giả nhập cảnh, mở tài khoản ngân hàng để lừa đảo có xu hướng phức tạp.

Việc triệt phá tệ nạn về mại dâm, cờ bạc không hiệu quả do tội phạm chuyển hình thức hoạt động trên mạng, chung chi tiền tinh vi qua hệ thống ngân hàng. Ước tính khoảng 3.500 người bán dâm chuyển hẳn sang hoạt động độc lập để chào hàng, hoặc tham gia đường dây môi giới của các trang mạng nước ngoài.

Theo bà Hà Thị Minh Thi - Phó Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động, thương binh và xã hội), dự báo đến năm 2020 tệ nạn mại dâm tiếp tục phức tạp. Ngành chức năng đã lên danh sách 60 tuyến, địa bàn tập trung nhiều khách sạn hạng sang, nhà nghỉ, khu du lịch, nhà hàng, vũ trường... nhức nhối về mại dâm để chuyển hóa.

Đại biểu đề xuất giải pháp bảo đảm an toàn xã hội ở TP.HCM.

Quá tải dân số - thách thức lớn nhất

TS.Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) nhìn nhận, không chỉ riêng tình hình tội phạm, mà tổng thể trật tự xã hội của TP.HCM có nguy cơ ảnh hưởng như: trật tự giao thông, sản xuất kinh doanh, buôn bán, cư trú, y tế, giáo dục, môi trường, an toàn thực phẩm... Trong đó, yếu tố tác động nhiều nhất là quá tải dân số và mật độ.

"Đang tồn tại nghịch lý các khu đất vàng trong nội thành được xây dựng dày đặc cao ốc, sẽ càng làm tăng dân số và mật độ", ông Nguyên đánh giá và cho rằng TP.HCM không thể giải quyết tội phạm, kẹt xe, ô nhiễm... bằng các biện pháp hành chính ngắn hạn mà cần có tầm nhìn tổng thể phát triển kinh tế, xã hội.

PGS.TS Nguyễn Văn Trình, Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM, đánh giá thành phố như "cái rốn" của tội phạm đổ về hoạt động. Ý kiến đề xuất của các ban ngành, chuyên gia sẽ được Viện ghi nhận để tăng cường giải pháp bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nâng cao ý thức người dân.

Theo VNE

Các tin cũ hơn