Ngày 26/12, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu tuyên bố Quân đội Nga đã bắt đầu thành lập một lực lượng thường trực tại căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Hmeymim ở Syria.
"Tuần trước, Tổng tư lệnh Bộ tư lệnh tối cao đã thông qua cấu trúc và nhân sự của các căn cứ Tartus và Hmeymim", TASS dẫn báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga.
Sự ra đời của lực lượng thường trực tại căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Hmeymim ở Syria diễn ra sau khi Tổng thống Nga Putin ra lệnh rút quân khỏi nước này vào ngày 11/12.
Ngày 22/12, Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã báo cáo với ông Putin rằng, việc rút quân khỏi căn cứ không quân Hmeymim đã hoàn thành.
Theo các nguồn chính phủ, Nga hiện đang chuyển đổi sự hiện diện quân sự của mình ở Syria để tham gia vào giai đoạn cuối cùng của hoạt động chống khủng bố trong nước.
Lực lượng Nga tại Syria |
Trước đó không lâu, Duma quốc gia Nga đã phê chuẩn một thỏa thuận giữa Moscow và Damacus, cho phép quân đội Nga nâng cấp cơ sở tiếp nhiên liệu hải quân Tartus ở Syria thành một siêu quân cảng, có khả năng chứa tàu chiến hạt nhân.
Quyết định của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga cũng đồng nghĩa với việc Hải quân Nga được phép cận các vùng biển, cảng biển khác nhau của Syria trong tương lai
Hồi tháng 1/2017, Moscow và Damascus đã ký thỏa thuận có hiệu lực thi hành trong 49 năm, cho phép quân đội Nga hiện diện ở cảng Tartus và nâng cấp cơ sở quân sự này. Sau 49 năm, thỏa thuận sẽ được tự động kéo dài thêm 25 năm trừ khi một bên thông báo có bất cứ thay đổi nào với bên kia trước một năm.
Căn cứ hải quân Tartus trước đây chỉ phục vụ cho các mục đích tiếp nhiên liệu và bảo trì đơn giản thì nay sẽ sớm được nâng cấp thành một căn cứ hải quân hoàn chỉnh, có khả năng tiếp nhận 11 tàu chiến cỡ lớn, bao gồm các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Cũng theo thỏa thuận được Duma Quốc gia Nga thông qua, tàu chiến Nga sẽ được phép tiến vào cảng Tartus sau khi cơ quan chức năng Syria được thông báo và không quá 12 giờ xử lý.
Ngoài ra, Nga còn được phép đưa mọi loại "vũ khí, đạn dược, thiết bị và vật liệu" hỗ trợ an ninh cho cơ sở hải quân, thủy thủ đoàn và gia đình họ sinh sống trên lãnh thổ Syria.
Có thể thấy, việc Nga rút quân khỏi Syria sẽ không ảnh hưởng đến vị thế của Nga khỏi đất nước Trung Đông này. Nga vẫn duy trì một lực lượng thường trực tại căn cứ không quân Hmeymim, đặc biệt là quân cảng chiến lược Tartus chứ không rút hết quân như nhiều người tưởng tượng.
Việc Nga chính thức thành lập lực lượng thường trực tại căn cứ không quân Hmeymim và quân cảng chiến lược Tartus đã giáng một đòn sấm sét vào kế hoạch của Mỹ và phương Tây tại Syria.
Chừng nào Nga còn hiện diện tại đất nước Syria thì tương lai của Tổng thống Assad vẫn còn được đảm bảo.
Cuộc chiến chống khủng bố dần đi đến hồi kết, trong khi lực lượng khủng bố mà Mỹ luôn coi là ''đối lập ôn hòa'' cũng đang rơi vào tình trạng ngàn cân treo sợi tóc ở miền bắc Syria. Khả năng lật ngược ván cờ của Mỹ và phương Tây đã không còn.
Liên minh chống khủng bố chỉ còn có thể trông chờ vào lực lượng người Kurd ở miền đông Syria. Tuy nhiên mối quan hệ thân giữa Nga và SDF; mâu thuẫn giữa Thổ và YPG sẽ là những bức tường mà liên minh phải vượt qua trước khi thực hiện âm mưu chia rẽ tại Syria.
Theo Đầt Việt