Liên quan đến vụ công trình xây dựng không phép trong vùng lõi của Khu di sản thế giới Tràng An (Ninh Bình), ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết, đơn vị này vẫn chưa nhận được báo cáo chính thức của vụ việc này và chỉ mới nắm được thông tin qua các phương tiện truyền thông, báo chí.
Ngay khi biết sự việc trên, đại diện UNESCO tại Việt Nam đã trao đổi với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) để nắm thêm tình hình. Đai diện UNESCO tại Việt Nam ghi nhận sự vào cuộc nhanh chóng của Bộ VH-TT&DL và đã có những phản ứng mạnh mẽ về vấn đề này.
Ông Michael Croft cho biết, với các danh thắng đã được UNESCO công nhận thì việc phát triển và xây dựng như nào phải có sự tính toán thận trọng, được sự đồng ý của các cơ quan chức năng liên quan chứ UNESCO không nói trong khu vực di sản không được xây bất cứ cái gì.
Tuy nhiên, ở trường hợp như Tràng An mà báo chí phản ánh, ông Michael Croft khẳng định việc xây dựng như vậy là vi phạm các quy định của UNESCO.
Không chỉ những bậc, lan can cầu thang, doanh nghiệp còn làm một chiếc cầu kiên cố bắc từ đỉnh núi này qua đỉnh núi khác để làm đường đi cho khách. Bước đầu đưa vào khai thác, Công ty CP Du lịch Tràng An vẫn chưa thu vé nên lượng người đổ về đây như trảy hội, có ngày lượng khách lên đến gần 20.000 người. Người dân chen chúc nhau trên đường lên núi, ai dám chắc tai nạn không xảy ra? Khi đó ai sẽ là người chịu trách nhiệm? |
Từ sự việc trên, ông Michael Croft đã bày tỏ sự tiếc nuối khi một di sản thế giới bị xâm hại nghiêm trọng. Theo ông Michael Croft, với di sản thế giới có 3 điều quan trọng đó là: Giá trị nổi bật toàn cầu, điểm đặc biệt của di sản đó và sự quản lý của chính phủ với di sản. Việc quản lý di sản ở địa phương là vô cùng quan trọng, vì đó là cấp chính quyền gần gũi nhất với di sản.
Cùng quan điểm với ông Michael Croft, ông Phạm Xuân Phúc – Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL cho biết: “Đây là một công trình xây dựng không phép trong vùng lõi của di sản Tràng An, rõ ràng trách nhiệm chính trước hết thuộc về UBND huyện Hoa Lư – Ninh Bình. Còn Sở Du lịch được tỉnh Ninh Bình giao quản lý về mặt nhà nước thì đã kiểm tra, phát hiện sai phạm và căn cứ vào nhiệm vụ được giao đã có tới 4 văn bản gửi đề nghị UBND huyện Hoa Lư ngăn chặn, xử lý, nhưng huyện Hoa Lư không có văn bản nào phản hồi.
Có thể nói, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình đã làm hết trách nhiệm của mình, ngay cả Bộ VH-TT&DL chứ chưa nói đến Sở cũng không có thẩm quyền cưỡng chế được, việc này thuộc về chính quyền của UBND các cấp”.
PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó chủ tịch Hội di sản văn hóa Việt Nam đánh sự việc như nói ở trên là rất nghiêm trọng.
“Tôi không hiểu, các cơ quan quản lý địa phương nhất là cấp xã, cấp huyện ở đâu, có vai trò như thế nào khi để cho một hiện tượng vi phạm di sản thế giới rất nặng nề và kéo dài trong một thời gian dài như thế mà không có động thái xử lý cho đến khi báo chí vào cuộc” - PGS.TS Đặng Văn Bài thắc mắc.
Trước đó, PV đã đăng tải loạt bài viết phản ánh về công trình “khủng” không phép nằm trong vùng lõi của Di sản Tràng An (Ninh Bình). Sau đó, cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình và lãnh đạo Bộ VH-TT&DL đã vào cuộc điều tra, làm rõ các vấn đề liên quan.
Qua kết quả làm việc, ông Phạm Xuân Phúc – Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL nhận định, việc Công ty Du lịch Tràng An do ông Nguyễn Văn Son làm Giám đốc tự ý xây dựng dựng công trình đường lên núi Cái Hạ với chiều dài hơn 1km, gồm cổng và hơn 2.000 bậc lên xuống là vi phạm hết sức nghiêm trọng điều 13 của Luật Di sản.
Ông Phạm Xuân Phúc trả lời báo chí về công trình vi phạm ở Khu di sản Tràng An. |
Ngoài việc xây dựng trái phép công trình đường lên núi Cái Hạ ở vùng lõi Di sản Tràng An, Công ty Du lịch Tràng An còn vi phạm nhiều lỗi khác.
"Căn cứ quy định của pháp luật, chúng tôi yêu cầu Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình được UBND Ninh Bình giao quản lý Quần thể danh thắng Tràng An khẩn trương báo cáo rồi phối hợp với các đơn vị liên quan, có biện pháp tháo dỡ khẩn trương công trình trái phép này để trả lại nguyên trạng vùng lõi di tích vì đây là Di sản thế giới,..." - ông Phúc thông tin.
Theo Dân Trí