Vụ 500 giáo viên sắp mất việc: Do lãnh đạo UBND huyện 'ký bừa'?

Thứ tư, 14/03/2018, 10:01
Dư luận cho rằng, chuyện hàng trăm giáo viên huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) sắp mất việc có nguồn cơn từ việc 3 đời lãnh đạo huyện này đã “ký bừa” hợp đồng với hơn 600 giáo viên, nhân viên giáo dục.

Dư luận cho rằng, chuyện hàng trăm giáo viên huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) sắp mất việc có nguồn cơn từ việc 3 đời lãnh đạo huyện này đã “ký bừa” hợp đồng với hơn 600 giáo viên, nhân viên giáo dục.

Ngày 13/3, UBND huyện Krông Pắk cho biết, đã thông báo cho các giáo viên việc tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng các đời lãnh đạo huyện này đã ký với hàng trăm giáo viên. Nhưng các giáo viên cho biết, họ vẫn chưa yên tâm vì không biết huyện sẽ chấm dứt hợp đồng với họ bất cứ lúc nào.

Phản ánh với PV, nhiều giáo viên nói rằng, họ phải chi hàng trăm triệu đồng để có một suất dạy hợp đồng. “Khi vừa tốt nghiệp vào năm 2012, tôi được người quen giới thiệu đến Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk Nguyễn Sĩ Kỷ để xin việc... Trong hợp đồng cũng nói rằng, khi nào đến kỳ thi xét tuyển viên chức giáo dục của huyện thì tôi sẽ được tham gia thi tuyển. Đột nhiên, vào ngày 9/3 vừa rồi, huyện lại thông báo tôi không được tham gia thi tuyển”, cô T.T.V cho hay.

Trả lời PV câu hỏi có hay không việc tiêu cực khi huyện ký hàng trăm hợp đồng với giáo viên dư thừa, bà Ngô Thị Minh Trinh (Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk) khẳng định, hiện huyện chưa phát hiện dấu hiệu tiêu cực. “Chúng tôi không khẳng định có hay không, nhưng đến nay huyện chưa nhận được bất cứ phản ánh hay đơn thư tố cáo tiêu cực trong vụ việc này. Nếu phát hiện có tiêu cực, nhất định chúng tôi sẽ đề nghị các cơ quan chức năng điều tra xử lý”, bà Trinh nói.

Một lãnh đạo Huyện ủy Krông Pắk cho hay, nguồn cơn của việc tuyển dụng dư hơn 600 giáo viên là do lãnh đạo UBND huyện này đã ký bừa dù họ biết không còn chỉ tiêu. Trước thời điểm năm 2011, việc tuyển dụng, bổ nhiệm đều phải báo cáo lên huyện ủy, phải được sự nhất trí, thông qua của ban thường vụ huyện ủy mới được tuyển. Nhưng về sau này có quy định mới, việc tuyển dụng, bổ nhiệm tại các đơn vị sự nghiệp được giao quyền cho chủ tịch huyện tự quyết.

Không có sự giám sát, nên mới xảy ra việc ông Nguyễn Sĩ Kỷ (Phó ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk, nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk giai đoạn 2011 - 2016) và ông Y Suôn Byă (Chủ tịch UBND huyện đương nhiệm) đã ký tuyển dụng ồ ạt dẫn đến dư thừa hàng trăm giáo viên. Trước đó, ông Trần Ngọc Thanh (Chủ tịch UBND huyện giai đoạn 2005 - 2011) cũng đã ký hợp đồng dư thừa hàng chục giáo viên.

Ngày 13/3, chúng tôi đã điện thoại cho ông Kỷ và ông Y Suôn nhiều lần để hỏi nguyên nhân việc ký hợp đồng dư thừa hàng trăm giáo viên nhưng hai ông này đều không hề nghe máy.

Đang xác minh đơn tố cáo

Theo ông Phan Xuân Lĩnh - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk, việc tuyển thừa giáo viên liên quan đến ba nhiệm kỳ từ 2005 - 2020 của lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk. Trong đó, nhiệm kỳ ông Nguyễn Sỹ Kỷ (nguyên chủ tịch UBND huyện giai đoạn 2011-2016) và ông Y Suôn Byă (Chủ tịch UBND huyện đương nhiệm) chịu trách nhiệm chủ yếu. Tính đến tháng 11/2015, UBND huyện Krông Pắk đã ký hợp đồng với 588 giáo viên và 80 nhân viên trường học.

Vào năm 2017, ông Nguyễn Sỹ Kỷ đã bị Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Đắk Lắk ra quyết định cảnh cáo về mặt Đảng do không thực hiện theo tinh thần kết luận của Thanh tra tỉnh về tuyển dụng dư giáo viên. “Hiện thường vụ tỉnh ủy cũng đã thành lập tổ kiểm tra để xác minh theo đơn tố cáo đối với ông Y Suôn Byă, cả việc ông này liên quan đến tuyển dôi dư giáo viên”, ông Lĩnh cho hay.

Còn theo một lãnh đạo Huyện ủy Krông Pắk, ai làm sai thì người đó phải chịu trách nhiệm.

Chưa tháo dỡ nhà Phó ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk xây trái phép

Ngoài những “di sản” tuyển thừa giáo viên, gia đình ông Nguyễn Sỹ Kỷ còn xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp tại phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Ngày 13/3, ông Phạm Tân - Chủ tịch UBND phường Ea Tam, cho biết: “Phường đang chờ quyết định quy hoạch phân khu của UBND thành phố Buôn Ma Thuột. Nếu nhà của gia đình ông Kỷ nằm trong quy hoạch thì buộc phải tháo dỡ”.

Trước đó, UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã có văn bản về việc xử lý công trình xây dựng trái phép của bà Quách Thị Tuất (vợ của ông Kỷ) tại tổ dân phố 11, phường Ea Tam.

Tuy nhiên, nội dung văn bản rất trúc trắc và khó hiểu: “Nếu tổ chức thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục tình trạng sử dụng đất trước khi vi phạm đối với hộ bà Quách Thị Tuất, sẽ không công bằng đối với tình hình chung trên địa bàn thành phố, cũng như đảm bảo đúng quy định của pháp luật: Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, nếu phù hợp với quy hoạch phân khu. Nhưng để đảm bảo tính công bằng, thì hiện nay UBND thành phố chưa đủ lực lượng để cưỡng chế toàn bộ các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp từ trước năm 2017. UBND thành phố sẽ chỉ đạo tổ chức thực hiện cưỡng chế theo quy định của pháp luật sau khi quy hoạch phân khu được phê duyệt”, trích văn bản số 2131/UBND-QLĐT của UBND thành phố Buôn Ma Thuột.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn