|
Giáo viên hợp đồng trong buổi gặp UBND huyện Krông Pắk |
Sáng 13-3, thiếu tướng Trần Kỳ Rơi - giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã giao các phòng nghiệp vụ lập kế hoạch xác minh thông tin hàng trăm giáo viên tại huyện Krông Pắk phải bỏ tiền để "chạy" hợp đồng.
"Các vụ chạy việc rất tinh vi. Họ không bao giờ viết giấy nhận tiền chạy việc, mà chỉ viết giấy vay mượn dù hai người chẳng hề quen biết..." Đại tá Nguyễn Duy Trường (trưởng Công an huyện Ea Kar, Đắk Lắk) |
Ông Rơi cho biết hiện vụ việc đang được Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên. Sau khi có kết luận, nếu Ủy ban kiểm tra chuyển hồ sơ hoặc có dấu hiệu hình sự thì Công an tỉnh sẽ vào cuộc điều tra.
"Tuy nhiên, nếu các giáo viên có đơn tố cáo trực tiếp thì Công an tỉnh sẽ điều tra ngay", thiếu tướng Rơi thông tin.
Giáo viên nói phải "chạy" mới được dạy
Lãnh đạo một phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết trước tiên đơn vị sẽ nắm bắt thông tin, chính xác sự việc, sau đó sử dụng biện pháp nghiệp vụ để điều tra.
Nhiều giáo viên tâm sự với PV họ phải bỏ tiền "chạy" mới nhận được hợp đồng.
Đơn cử, anh T. (37 tuổi, giáo viên tin học một trường THCS tại xã Vụ Bổn, Krông Pắk) cho biết năm 2010, anh được mách nước phải bỏ 120 triệu đồng "chạy hợp đồng", chờ khi có xét tuyển sẽ được đặc cách vào biên chế. Anh vay ngân hàng và chung chi, được huyện ký quyết định giáo viên dạy hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế.
Cùng thời điểm, chị N. (32 tuổi, sau này là vợ anh) cũng vay mượn 120 triệu đồng và có quyết định tương tự anh T.. Sau 7-8 năm, vợ chồng anh phải xin nghỉ việc không lương đi làm thuê vì lương hai vợ chồng 2 triệu đồng/tháng không đủ nuôi hai con.
"Khi về xin việc, tôi được "ra giá" như vậy, không chung thì hồ sơ mãi bị ngâm. Khi lỡ đưa tiền rồi, đã đi dạy hợp đồng nên cứ le lói hy vọng, mỏi mòn chờ đợi. Thế nhưng nay huyện thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng với chúng tôi", anh T. nói.
Tương tự, anh D. (32 tuổi) được ký hợp đồng giáo viên (trong biên chế) và được phân về dạy môn hóa tại một trường THCS ở xã Krông Búk (Krông Pắk) vào năm 2013. Theo anh D., lúc đó anh được ra giá 120 triệu đồng, trong đó 20 triệu đồng chạy "giấy tiếp nhận" của trường.
Đến tháng 1-2017, do "kinh phí hạn chế", nhà trường giảm lương còn 1 triệu đồng/tháng nên anh D. không chấp nhận. Anh D. và nhiều thầy cô giáo đã kiện nhà trường lên Tòa án nhân dân huyện Krông Pắk.
Xem xét kỷ luật chủ tịch huyện Krông Pắk
|
Những hợp đồng lao động do ông Nguyễn Sỹ Kỷ ký với giáo viên |
Liên quan đến các sai phạm trong việc ký tuyển ồ ạt, bất chấp với hơn 600 giáo viên tại huyện Krông Pắk, sáng 13-3, nguồn tin tại Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy đã có kết luận các sai phạm của đảng viên đối với ông Y Suôn Byă - chủ tịch UBND huyện Krông Pắk.
"Hiện tại, thường vụ đã bỏ phiếu thống nhất sẽ xem xét kỷ luật đối với ông Y Suôn Byă. Tuy nhiên, hiện đang chờ Huyện ủy Krông Pắk tổ chức kiểm điểm, đề xuất mức độ xử lý kỷ luật theo quy trình", nguồn tin này cho biết.
Theo nguồn tin, ngoài các sai phạm trong việc ký khoảng 100 hợp đồng giáo viên, ông Y Suôn Byă còn bị tố cáo có ưu ái nhiều người thân.
Liên quan vụ tuyển giáo viên dôi dư, ông Nguyễn Sỹ Kỷ - phó Ban nội chính Tỉnh ủy, nguyên chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (giai đoạn 2011-2016), bị Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy ra quyết định kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng.
120 triệu 'chạy" vào trường THCS Đại tá Nguyễn Duy Trường - trưởng Công an huyện Ea Kar, Đắk Lắk, cho biết ngày 8-3, trực ban Công an huyện tiếp và nhận đơn của ông Nguyễn Văn Minh (xã Ea K’Mút, Ea Kar). Theo đơn, năm 2016, con gái ông Minh ra trường và ông bỏ ra 140 triệu đồng "chạy" vào một trường THCS. Ông Minh đưa tiền ba lần, tổng cộng 120 triệu đồng, cho người hứa giúp. Đầu năm học 2016-2017, con gái ông Minh được nhận vào trường dạy hợp đồng, lương khoảng 1 triệu đồng/tháng. Lúc tiếp nhận, con gái ông Minh không nhận được quyết định mà chỉ được cho đọc, sau đó "thu lại để kế toán vào lương". Dạy hết năm học 2016-2017, thấy bỏ ra rất nhiều tiền nhưng vẫn chưa được vào biên chế, lương lại quá bèo bọt, ông Minh gặp người này đòi lại tiền. Ngày 28-8-2017, người này viết "giấy hẹn trả nợ" có mượn ông Minh 120 triệu đồng và sẽ trả, nhưng hiện chưa trả. Đại tá Nguyễn Duy Trường cho biết ông Minh chỉ gửi đơn và một số giấy vay tiền, giấy nhận nợ, khất nợ... nên trực ban công an hướng dẫn ông Minh rằng nếu không có chứng cứ khác thì rất khó để đơn vị thụ lý. Đây là vụ việc dân sự, nên ông phải khởi kiện ra tòa để đòi tiền. |
Theo TTO