|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tại Canberra ngày 15/3. Ảnh: AFP. |
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ngày 14/3 thăm chính thức Australia và dự Thượng đỉnh ASEAN - Australia tại Sydney đến ngày 18/3. Lãnh đạo Việt Nam dự kiến cùng Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull ký nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược, nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
"Tôi rất mong Việt Nam có thể xuất nhiều hàng hơn nữa sang Australia, nhất là hàng nông sản, khi hai nước bước vào giai đoạn hợp tác mới", anh Nguyễn Lực, một người Việt sống ở Sydney, nói với VnExpress.
Tại các khu chợ và siêu thị của Australia, hiện phần lớn trái cây nhập khẩu đến từ Thái Lan. Anh Lực cho rằng các loại tương tự của Việt Nam như sầu riêng, chôm chôm có chất lượng và hương vị không thua kém. Là người làm việc trong Sở Cảnh sát New South Wales, anh Lực tiết lộ nhiều năm nay anh mặc đồ của Việt Tiến. Anh còn tặng bạn bè là người Australia áo sơ mi của hãng thời trang này và họ rất yêu thích. Vì thế anh Lực đánh giá các hàng may mặc, giày dép của Việt Nam hoàn toàn có thể thâm nhập thị trường Australia. Điều các doanh nghiệp Việt cần lưu ý là phải đảm bảo chất lượng và các quy chuẩn vì thị trường này có tiêu chuẩn rất cao.
"Thị trường Australia tuy không lớn nhưng rất khó tính, nếu các mặt hàng của Việt Nam vào được đây thì sẽ được hầu hết các thị trường khác chấp nhận", anh Vũ Long Thành, một người Việt đang làm cho Chính phủ Australia ở Canberra, đánh giá.
Anh Thành trông đợi có nhiều mặt hàng Made in Vietnam xuất hiện trong các siêu thị của Australia, khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược. Bên cạnh các nông sản như mít, ổi, măng cụt, chôm chôm, anh cũng hy vọng Việt Nam có thể xuất khẩu các sản phẩm phần mềm sang Australia, vì Việt Nam có lợi thế về giá cả. "Thị trường phần mềm là thị trường mở, miễn là Việt Nam có sản phẩm tốt thì có thể xuất được", anh Thành, một chuyên gia về IT, cho biết.
Mới chuyển sang sống ở Melbourne, chị Trần Thị Quỳnh Lan, cho biết Australia có thể nhập các mặt hàng hải sản và đồ khô của Việt Nam như tôm cá, thịt gác bếp, măng khô, bánh đa nem. Nhiều người Việt sống ở Australia mong mua được các đặc sản của Việt Nam nếu như đáp ứng được tiêu chuẩn nhập khẩu.
"Tôi còn muốn hai nước mở thêm nhiều chuyến bay thẳng hơn nữa, giá rẻ hơn để gia đình có thể về thăm Việt Nam thường xuyên hơn", chị Lan chia sẻ.
Với gần 40 năm sống ở Australia, ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia (VBAA), thể hiện kỳ vọng lớn vào tăng trưởng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Australia thời gian tới, khi hai nước nâng cấp quan hệ.
"Tôi tin rằng kim ngạch thương mại song phương sẽ tăng hơn nữa, điều đó khả thi vì thị trường Australia cần rất nhiều hàng hoá từ Việt Nam", ông Phúc nói.
Hiện Australia mới nhập ba loại quả từ Việt Nam là vải, thanh long và xoài. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều hoa quả có thể thâm nhập thị trường này như nhãn, vú sữa, bưởi, các loại gạo và hải sản của Việt Nam cũng có nhiều cơ hội vào Australia. Về phía Australia, nước này có thể xuất khẩu các sản phẩm khoa học công nghệ sang Việt Nam, trong đó có hỗ trợ xây dựng thành phố thông minh.
Ông Phúc còn cho rằng Hiệp định TPP mới, với tên gọi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sẽ đem lại lợi ích cho tất cả 11 nước thành viên, trong đó có Việt Nam và Australia. Ông tin các nước sẽ giữ quyết tâm và đi đến cùng để thực hiện Hiệp định này.
Khi Việt Nam và Australia tăng cường quan hệ, các doanh nghiệp gốc Việt ở Australia cũng mong có nhiều cơ hội đầu tư về nước. Ông Phúc mong các thủ tục đầu tư ở Việt Nam cần đơn giản hoá hơn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp.
"Phần lớn các doanh nghiệp Việt muốn đầu tư ở Việt Nam là tư nhân, nên tôi hy vọng các cơ quan chức năng trong nước tạo thuận lợi cho họ để chính sách thu hút có hiệu quả. Tránh tình trạng quy định ở địa phương này khác địa phương kia, khiến cho doanh nghiệp không yên tâm kinh doanh", ông Phúc nói.
Australia 'có thể giúp Việt Nam một tay' ở Biển Đông
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khi đến Australia cũng sẽ tham dự hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên giữa Australia và ASEAN. Ông Trần Bá Phúc trông đợi chủ đề Biển Đông sẽ được nêu cao trong hội nghị này, vì Australia là nước có lượng lớn hàng hoá giao thương đi qua khu vực.
Khi nâng cấp quan hệ với Việt Nam, Australia cũng có thể nêu lên tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ hơn về tôn trọng tự do đi lại ở Biển Đông, tôn trọng luật biển và chủ trương giải quyết tranh chấp bằng đối thoại của Việt Nam. Ông Phúc cho rằng việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hoá ở Biển Đông khiến không chỉ các nước ASEAN lo ngại, mà nhiều nước liên quan cũng dành mối quan tâm lớn.
"Nếu Australia tăng cường hợp tác với ASEAN, hai bên có thể có những hiệp ước hỗ trợ sâu hơn, vì phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ tự do giao thương trên biển", ông Phúc bày tỏ.
Hiện là nghiên cứu sinh ở Canberra, anh Lục Anh Tuấn, cho hay Australia là nước luôn thể hiện rõ lập trường bảo vệ trật tự khu vực dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là tự do hàng hải ở Biển Đông.
"Việc Australia nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược với Việt Nam cho thấy hai bên có tiền đề vững chắc cho các hợp tác cụ thể sau này, thể hiện sự gắn kết với khu vực Đông Nam Á. Hội nghị đầu tiên với ASEAN thể hiện Australia muốn đóng góp nhiều hơn vào bảo đảm hoà bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, mang lại lợi ích kinh tế và an ninh cho Canberra", anh Tuấn đánh giá.
Tuy nhiên, anh Tuấn cho rằng ít có khả năng Australia và ASEAN sẽ đưa ra thông điệp lên án mạnh mẽ hoạt động xây đảo bất hợp pháp và quân sự hoá của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo anh Nguyễn Lực, Biển Đông là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều người Việt ở Australia. Hồi năm 2014, nhiều người đã xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan vào thềm lục địa của Việt Nam.
"Dù không phải là nước quá cứng rắn, nhưng tôi cho rằng Australia là một trong những nước có thể giúp Việt Nam một tay trong vấn đề Biển Đông. Họ tuyên bố mạnh và có thể can thiệp", anh Lực nói.
Theo VNE