|
Ông Sergei Skripal mua đồ tại một cửa hàng ở Salisbury vài ngày trước khi nghi bị tấn công (Ảnh: AFP) |
“Mỹ đồng tình với nhận định của Anh rằng Nga phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công liều lĩnh bằng chất độc thần kinh nhằm vào một công dân Anh cùng con gái của ông này, và chúng tôi ủng hộ quyết định của Anh khi trục xuất các nhà ngoại giao Nga để đáp trả”, Sputnik dẫn thông cáo của Nhà Trắng ngày 14/3 cho biết.
Thông cáo của Nhà Trắng được đưa ra sau khi Thủ tướng Anh Theresa May công bố các lệnh trừng phạt gồm trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga, đồng thời đình chỉ các cuộc hội đàm song phương và đóng băng các tài sản công của Nga ở Anh. Trước đó, Anh ra “tối hậu thư” buộc Nga phải phản hồi về vụ cựu đại tá tình báo Nga Sergei Skripal và con gái Yulia nghi bị đầu độc tại thành phố Salisbury của Anh hôm 4/3.
“Động thái mới nhất của Nga cho thấy cách hành xử coi thường trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc, làm suy yếu chủ quyền và an ninh của các quốc gia trên toàn thế giới, nhằm phá hoại và bôi nhọ các thể chế cũng như tiến trình dân chủ của phương Tây”, thông cáo cho biết thêm.
Nhà Trắng khẳng định “Mỹ đang phối hợp với các đồng minh và đối tác để đảm bảo rằng nhưng vụ tấn công tương tự sẽ không xảy ra một lần nữa”.
Theo AFP, phát biểu tại phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an hôm 14/3, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cũng tuyên bố Nga phải chịu trách nhiệm về việc nghi sử dụng chất độc thần kinh để hạ độc cha con cựu điệp viên Nga ở Anh. Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Raj Shan nhận định Nga “dường như” đứng sau vụ tấn công, trong khi Tổng thống Donald Trump hối thúc Nga đưa ra câu trả lời, song không nói rõ Moscow có liên quan trực tiếp tới vụ việc này.
|
Đại sứ Nikki Haley tại phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an do Anh triệu tập về vụ tấn công cựu điệp viên Nga (Ảnh: AFP) |
Về phần mình, Nga liên tiếp bác bỏ các cáo buộc của Mỹ và Anh. Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia nhiều lần phủ nhận sự liên quan của Moscow trong vụ tấn công cựu điệp viên tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đồng thời cho rằng đây có thể là hành động khiêu khích nhằm bôi nhọ hình ảnh của Nga trước thềm bầu cử và giải bóng đá thế giới World Cup - sự kiện thể thao do Nga đăng cai năm nay.
Nga cũng yêu cầu Anh trao các mẫu chất độc thần kinh để Moscow phân tích và cho rằng nếu Anh có thể nhận dạng loại chất hóa học này, London cũng hoàn toàn có khả năng sản xuất chúng. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres khẳng định việc sử dụng chất độc hóa học là “không thể chấp nhận được” và kêu gọi điều tra kỹ lưỡng vụ việc.
Sergei Skripal từng là đại tá phục vụ trong Cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU). Ông này bị bắt vào năm 2004 và kết án 13 năm tù vào năm 2006 vì tội hoạt động gián điệp cho Anh. Theo truyền thông Nga, Skripal đã nhận của tình báo Anh 100.000 USD để đổi lấy thông tin về các điệp viên của GRU đang hoạt động ở các quốc gia châu Âu thời kỳ đó.
Ông Skripal sau đó được phóng thích và được phép tị nạn ở Anh sau cuộc trao đổi gián điệp lớn nhất trong lịch sử giữa Nga và Mỹ vào năm 2010. Ông Skripal (66 tuổi) và con gái Yulia (33 tuổi) bị phát hiện bất tỉnh nhân sự trên ghế băng ở bên ngoài trung tâm mua sắm tại thành phố Salisbury. Giới chức Anh nghi ngờ, cha con ông Skripal là mục tiêu của một vụ sát hại có chủ đích.
Theo Dân Trí