|
Bến cóc số 391 đường Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh) mà nhiều người gọi là “bến xe Miền Đông 2” (chụp chiều 20/3) |
Xe dù bớt “nóng”
Sau các đợt cao điểm truy quét của Thanh tra giao thông (TTGT), nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM trước đây nhức nhối nạn xe dù, xe trá hình giờ đã thưa vắng hẳn. Tuy nhiên, nhiều bến cóc trên địa bàn TP.HCM vẫn tồn tại và hoạt động khá rầm rộ.
Tuyến đường Lê Lai (P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM) lâu nay là “điểm nóng” của tình trạng xe dù, xe trá hình với hàng chục chiếc xe khách (loại từ 42 chỗ trở lên) mang danh xe hợp đồng, lữ hành du lịch thường xuyên dừng đỗ, đón trả khách. Tuy nhiên, sáng 20/3, ghi nhận của PV Báo Giao thông, cả buổi sáng gần như không có bất kỳ xe khách nào hoạt động trên tuyến này, ngoài những xe dưới 9 chỗ được phép dừng đỗ.
Hiện nay, TP.HCM có hơn 2.000 xe ô tô khách chạy tuyến cố định, hơn 300 xe ô tô chạy du lịch lữ hành và tới 49.000 xe ô tô vận chuyển hành khách theo hợp đồng. Theo lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT thành phố, nếu dẹp xe hợp đồng (bằng cách chuyển sang lữ hành du lịch - nếu đủ điều kiện, bằng không thì đưa vào bến hoạt động tuyến cố định) sẽ xử lý được dứt điểm nạn xe dù. |
Tương tự, đường Phạm Ngũ Lão (P.Phạm Ngũ Lão (Q.1), nơi có rất nhiều văn phòng du lịch, nhưng quan sát của PV chỉ có 2 xe du lịch lữ hành (1 xe BKS Campuchia, 1 xe của Hanh Cafe) dừng đỗ đón khách.
Tại đường Vĩnh Viễn (Q.10), “bến lậu” Thành Bưởi đã di dời đi nơi khác, suốt dọc tuyến PV không thấy bất cứ xe khách nào di chuyển hay dừng đỗ.
Hỏi một nhân viên kho hàng của Thành Bưởi thì được biết ở đây chỉ nhận gửi hàng, khách muốn mua vé đi Tây Nguyên liên hệ đặt vé tại 266 Lê Hồng Phong. Đến văn phòng của Thành Bưởi ở Lê Hồng Phong, PV không thấy bóng dáng xe cỡ lớn mà chỉ có xe trung chuyển. Phải mất một hồi lâu, PV ghi nhận chiếc xe trên 42 chỗ của nhà xe này, BKS 51B-191.48 đỗ trên đường Trần Phú (P.4, Q.5 - ngay đối diện số 167). Trên đường Hùng Vương (Q.5), có 2 xe loại 29 chỗ của nhà xe Kim Mạnh Hùng dừng đỗ; đường Trần Nhân Tôn (Q.10) cũng có 2 xe 16 chỗ của nhà xe Vân Chính dừng chờ khách.
Tại đường Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Công Trứ (Q.1), cũng không có bất kỳ xe ôtô khách nào từ 9 chỗ trở lên dừng đỗ đón khách. Các nhà xe chạy tuyến TP.HCM - Vũng Tàu mở văn phòng trên các tuyến đường này như Hoa Mai… đều dùng xe trung chuyển đến trụ sở đón khách.
Phình bến bãi biến tướng
Trái ngược hoạt động của xe dù, xe trá hình, ghi nhận của PV, nhiều bến bãi biến tướng trên địa bàn TP.HCM vẫn tồn tại và hoạt động khá rầm rộ. Đơn cử, tại chân cầu Bình Triệu (QL13, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức), bãi xe của nhà xe Hoàng Long trên danh nghĩa là bãi hậu cần (được cấp phép) nhưng vẫn tổ chức lên - xuống hàng và đón khách. Tương tự, bến cóc ở số 13, đường Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh) thường xuyên có các xe biển số tỉnh Bình Định vào - ra đón trả khách. Ngay trong sáng 20/3, PV chứng kiến nhà xe Thanh Thương (xe trên 42 chỗ ngồi, BKS 77…) lên hàng và chờ khách.
Đáng kể nhất vẫn là 2 bãi trông giữ xe hoạt động trá hình tại số 391 và 397 đường Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh) mà nhiều người gọi là “bến xe Miền Đông 2” ở ngay đối diện với bến xe Miền Đông, hoạt động rất rầm rộ và đang ngày một “phình” ra. Tại bến lậu số 391, PV đếm có hơn 50 xe khách loại lớn (loại trên 40 chỗ) biển số các tỉnh Bình Định, Tây Nguyên... Nhà xe Anh Đức (chạy tuyến TP.HCM - Cư Jút và Phúc Lộc tuyến TP.HCM - Đăc Mil còn dùng cả xe 16 chỗ để trung chuyển khách.
Không chỉ có vậy, bến lậu này còn có sự góp mặt của nhiều nhà xe ở các tỉnh miền Bắc treo biển về bến xe Ngã Tư Ga (Q.12) nhưng lại về đây đón trả khách. “Bến” 397 cũng có hơn 40 xe nằm chờ, nhiều xe bắt khách, lên hàng để chuẩn bị hành trình đi các tỉnh Bình Định, Tây Nguyên…
TTGT tung hết quân số trong cao điểm
Lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT TP.HCM cho biết, việc dẹp các bến cóc từ đầu năm 2017, UBND thành phố đã giao các quận, huyện xử lý. Riêng về bến số 391 và 397 đường Đinh Bộ Lĩnh, Thanh tra Sở cũng đã nhiều lần đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư rút giấy phép nhưng Sở này trả lời không rút được vì không đủ điều kiện. “Chúng tôi chỉ phát hiện và xử phạt các xe vi phạm ở phía ngoài chứ không thể đột nhập vào bên trong 2 bến lậu này”, ông Trần Quốc Khánh, Chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM nói.
Theo Thanh tra Sở GTVT TP HCM, để thực hiện cao điểm xử lý xe dù trước và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, theo chỉ đạo của lãnh đạo Sở, đơn vị đã bố trí tối đa lực lượng ứng trực, tuần tra xử lý tình trạng xe khách vi phạm 24/24h (trong 20 ngày cao điểm). Cùng đó, là việc duy trì chế độ liên lạc thông tin 24/24h giữa lãnh đạo Thanh tra Sở và ban chỉ huy các đội trực thuộc, các cơ quan, đơn vị liên quan. Thực hiện cao điểm, Thanh tra Sở đã phát hiện, xử lý 48 vụ vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách, phạt tiền gần 131 triệu đồng. Có 71 trường hợp bị tước GPLX, 2 phương tiện bị tạm giữ. Chính vì vậy, tình trạng xe dù, xe trá hình lộng hành trước đây đã giảm hẳn.
Ông Lê Hoàng Nam, Đội trưởng Đội TTGT số 5 (Đội 5) cho hay, trên địa bàn Đội 5 đảm trách có tới 5 điểm nóng về xe dù gồm: Tuyến QL13, cây xăng Tam Bình (Q.Thủ Đức), đường Mai Chí Thọ, nút giao An Phú (Q.2) và khu du lịch Suối Tiên. Để xử lý hiệu quả tình trạng xe dù, trong cao điểm vừa qua, Đội 5 đã tập trung 100% quân số, lập các chốt tại 5 điểm nóng trên, ứng trực, tuần tra, xử lý 24/24h. Trước khi thực hiện cao điểm, đội còn mời các DN vận tải hành khách lên cam kết đảm bảo trật tự ATGT... Nhờ đó, tình trạng xe dù trên các tuyến đường Đội 5 đảm trách đã giảm hẳn so với cùng kỳ năm 2017.
Ông Trần Quốc Khánh cho biết thêm: “Dịp cao điểm vừa qua, chúng tôi lên danh sách, khoanh vùng các điểm nóng để tăng cường xử lý; Đồng thời, tập trung kiểm tra, xử phạt các xe khách chở quá số người quy định, lắp thêm ghế, giường “nhồi nhét” hành khách hoặc tháo bớt ghế, giường để vận chuyển hàng hóa. Những trường hợp lập tụ điểm đón, trả khách trái phép và các hành vi vi phạm về trật tự ATGT cũng bị xử lý nghiêm".
Theo Giao Thông