|
Ông Gaddafi (áo trắng) tiếp đón ông Sarkozy (áo đen) tại Libya năm 2007. Ảnh: AFP. |
Nicolas Sarkozy, cựu Tổng thống Pháp nhiệm kỳ 2007-2012, hôm qua bị cảnh sát tư pháp đưa về đồn ở ngoại ô thủ đô Paris để thẩm vấn về cáo buộc chiến dịch tranh cử của ông năm 2007 nhận 60 triệu USD từ Muammar Gaddafi, nhà lãnh đạo Libya khi đó, theo Reuters.
Ông Sarkozy nhiều lần bác bỏ, gọi đây là những cáo buộc "nực cười". Tuy nhiên, website điều tra Mediapart khẳng định họ có văn bản viết tay của Mussa Kussa, tướng tình báo của ông Gaddafi, đề cập đến khoản hỗ trợ tài chính này. Theo các chuyên gia phân tích, nếu cáo buộc trên được chứng minh là thật, đây chỉ là một phần rất nhỏ trong số tài sản khổng lồ mà chính quyền Gaddafi sở hữu trước khi nhà lãnh đạo này bị lật đổ và sát hại vào năm 2011.
BBC dẫn báo cáo của Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào năm 2011 cho thấy Libya có dự trữ vàng khoảng 4,6 triệu ounce, tương đương hơn 143 tấn, trị giá hơn 6 tỷ USD vào thời điểm đó. Số vàng dự trữ lớn thứ 25 thế giới này được cho là cất trữ trong các kho chứa rải rác khắp đất nước Libya và có thể được chính phủ của Đại tá Gaddafi sử dụng nhằm chống lại các lệnh trừng phạt tài chính quốc tế.
Vào thời kỳ này, Libya là một quốc gia giàu có với trữ lượng dầu mỏ rất lớn. Đến năm 2009, Gaddafi, với tư cách là chủ tịch Liên minh châu Phi, đề xuất các quốc gia trong châu lục sử dụng một đồng tiền mới có tên là "Dinar Vàng" làm phương tiện thanh toán chủ đạo cho dầu mỏ và các nguồn tài nguyên khác, thay cho các đồng tiền phương Tây. Ý tưởng này đã nhận được sự tán dương của lãnh đạo Tunisia và Ai Cập, theo Sputnik.
Tuy nhiên, đúng lúc đó, phong trào nổi dậy chống Gaddafi bùng lên ở Libya. Đến tháng 3/2011, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết số 1973 do Pháp đề xuất về tình hình ở Libya. Nghị quyết này là cơ sở pháp lý để một liên minh quân sự gồm Mỹ, Pháp, Anh… phát động chiến dịch không kích và can thiệp lật đổ Gaddafi để "bảo vệ dân thường và các khu vực đông dân cư".
Ngày 19/3/2011, Tổng thống Pháp lúc đó là Nicolas Sarkozy mời các nước có liên quan tới dự Hội nghị Paris Ủng hộ Người dân Libya với tuyên bố cần phải áp dụng mọi biện pháp để bảo vệ dân thường nước này trước các cuộc tấn công của chính quyền Gaddafi và thiết lập vùng cấm bay ở Libya.
Sau khi gặp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và lãnh đạo các nước khác ở Paris, ông Sarkozy tuyên bố Pháp sẽ tham gia chiến dịch quân sự chống chính quyền Gaddafi. "Chúng tôi làm vậy để bảo vệ người dân khỏi cơn cuồng sát của một chế độ đã đánh mất tính hợp pháp khi giết hại nhân dân của chính mình", tuyên bố của Sarkozy có đoạn. Cùng ngày, chiến dịch can thiệp quân sự của liên minh đa quốc gia vào Libya bắt đầu. Đến tháng 10/2011, Gaddafi bị sát hại, chế độ do ông lãnh đạo suốt nhiều năm ở Libya sụp đổ.
|
Ống cống nơi Gaddafi bị quân nổi dậy phát hiện và sát hại. Ảnh: Reuters. |
Đến tháng 3/2013, một tin tặc đánh cắp nhiều email mà bà Clinton, khi đó đã từ chức Ngoại trưởng Mỹ, nhận được từ cố vấn lâu năm Sidney Blumenthal. Những email này được gửi đến địa chỉ riêng của bà Clinton và có đề cập đến nhiều vấn đề ở Libya, trong đó hé lộ một phần động cơ thúc đẩy Tổng thống Pháp Sarkozy phát động chiến dịch can thiệp quân sự vào quốc gia châu Phi này.
Theo website OpenSourceInvestigations, Blumenthal đã gửi một email cho bà Clinton vào ngày 2/4/2011, chỉ hai tuần trước khi chiến dịch quân sự ở Libya được phát động, trong đó nhấn mạnh vai trò trung tâm của Tổng thống Pháp Sarkozy trong cuộc chiến chống lại Gaddafi.
Trong email, Blumenthal cho biết Đại tá Gaddafi đang nắm giữ một lượng lớn vàng và bạc được tích trữ trong thời gian trước khi nội chiến bùng nổ ở Libya. Cố vấn này cũng nhắc đến kế hoạch thành lập đồng "Dinar Vàng" của Gaddafi nhằm thay thế cho đồng franc (CFA), đồng tiền được các quốc gia thuộc khối Pháp ngữ ở châu Phi sử dụng rộng rãi và được Bộ Tài chính Pháp đảm bảo.
"Theo báo cáo mới nhất mà chúng tôi nhận được, Gaddafi có các nguồn tài chính gần như vô hạn để tiếp tục nắm quyền", email có đoạn. "Chính phủ Gaddafi đang nắm giữ 143 tấn vàng và từng ấy tấn bạc, có thể được dùng để hỗ trợ cho đồng tiền mới sử dụng trên toàn châu Phi nhằm thay thế cho CFA".
Blumenthal dẫn "các nguồn thạo tin" để thông báo cho bà Clinton rằng việc phát hiện ra kế hoạch bí mật thiết lập đồng Dinar Vàng của Gaddafi là một trong những nguyên nhân chính khiến ông Sarkozy quyết định tấn công Libya.
"Tình báo Pháp khám phá ra kế hoạch này ngay sau khi phong trào nổi dậy bùng nổ, đây là một trong những nhân tố tác động đến việc Tổng thống Nicolas Sarkozy quyết định triển khai quân đội Pháp tham gia không kích Libya", email có đoạn.
Các nguồn tin của Blumenthal đánh giá rằng ông Sarkozy có nhiều mục đích khi phát động cuộc chiến ở Libya, như lợi ích dầu mỏ ở nước này, ảnh hưởng chính trị và quân sự ở Bắc Phi, xây dựng hình ảnh trong nước và ngăn chặn ảnh hưởng của Gaddafi đối với các quốc gia thuộc Cộng đồng Pháp ngữ.
Những lời lẽ mà Sarkozy đưa ra trong tuyên bố tham chiến ở Libya trái ngược với mối quan hệ thân tình mà ông đã xây dựng với Gaddafi cách đó 4 năm. Năm 2007, Sarkozy đã đón tiếp nồng hậu Gaddafi tại thủ đô Paris bất chấp sự phản đối của nhiều quan chức trong nước bởi Gaddafi bị coi là nhà lãnh đạo độc tài, tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố và có tham vọng phát triển vũ khí giết người hàng loạt.
Sau khi Gaddafi bị lật đổ, tung tích số vàng 143 tấn của Libya đến nay vẫn là một dấu hỏi lớn. Gaddafi được cho là đã bán 1/5 số vàng này trước khi phong trào nổi dậy nổ ra, dùng số tiền đó đầu tư vào các công ty bí mật và gửi trong nhiều tài khoản nước ngoài nhờ sự hỗ trợ của chánh văn phòng Bashir Saleh Bashir, cánh tay phải đắc lực của nhà lãnh đạo này. Những khoản đầu tư đó bị phanh phui trong Hồ sơ Panama và Bashir đang bị truy nã.
Năm 2012, Abdullah Sanussi, cựu giám đốc cơ quan tình báo Libya, tiết lộ rằng số vàng còn lại được Gaddafi chôn ở sa mạc, nhưng nhà lãnh đạo này không tiết lộ vị trí chính xác. Một cựu bộ trưởng dưới thời Gaddafi sẵn sàng hợp tác để truy tìm số vàng, nhưng ông ta bị ám sát một cách bí ẩn trước khi kịp cung cấp thông tin.
|
Chính quyền Gaddafi nắm giữ hơn 143 tấn vàng trước khi bị lật đổ. Ảnh minh họa: Financial Tribune. |
Suốt nhiều năm sau đó, có nhiều tin đồn cho rằng những thỏi vàng cùng ít nhất 6 triệu carat kim cương và hàng tỷ USD của Gaddafi đang được cất giấu tại 4 nhà băng Nam Phi cũng như nhiều nhà kho, hầm ngầm bí mật ở Pretoria và Johannesburg, theo QZ.
Năm 2013, chính phủ Nam Phi nhất trí hoàn trả cho chính quyền mới ở Libya số tiền gần 780 triệu USD theo quy định của Liên Hợp Quốc, nhưng không đả động gì tới số vàng, kim cương được cho là đang cất giấu tại quốc gia này.
Một báo cáo được các chuyên gia của Liên Hợp Quốc công bố năm ngoái cho thấy số tài sản khổng lồ này của Gaddafi đã được phân tán ở nhiều quốc gia khắp châu Phi như Kenya, Ghana và Burkina Faso. Số vàng bạc, kim cương này đang là mục tiêu săn tìm của nhiều tổ chức quốc tế cũng như các nhóm phiến quân, tạo nên cuộc "săn lùng kho báu lớn nhất thế giới".
Theo VNE