Liên quan đến việc Bến xe An Sương nhếch nhác, xuống cấp nghiêm trọng nhiều năm nhưng không được sửa chữa, trả lời PV, ông Trần Hiếu - Giám đốc Bến xe An Sương thông tin về vụ việc.
Ông Hiếu cho biết, việc Bến xe An Sương có nhiều hạng mục xuống cấp nhưng đến nay chưa được sửa chữa vì đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ, đấu thầu dự án để nâng cấp.
Bến xe An Sương (huyện Hóc Môn, TP.HCM) quá tải, xuống cấp nhiều năm nay. |
“Việc nâng cấp, sửa chữa Bến xe An Sương, Thủ tướng, UBND TP.HCM đã có chủ trương. Bến xe An Sương đang chuẩn bị thi công 2 dự án. Dự án thứ nhất là mở rộng thêm 4,8ha và dự án thứ 2 là nâng cấp bến xe trên diện tích hiện hữu.
Hiện, dự án đã có giấy phép xây dựng và đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ đấu thầu thi công và đấu thầu giám sát. Khi hoàn thiện hồ sơ, công ty sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi.
Giai đoạn một với vốn đầu tư 30 tỷ đồng, công ty sẽ chỉnh trang bến xe lại để quy hoạch. Các khu vực nhà chờ, đường dẫn hành khách, đổ khách, khu vực nhà vệ sinh, khu vực cấp nước sẽ được đập bỏ và nâng cấp lại”, ông Hiếu nói.
Lý giải về việc Thủ tướng và UBND TP.HCM đã có văn bản thực hiện dự án từ năm 2014 nhưng đến nay chưa thực hiện, ông Hiếu cho rằng đây là dự án lớn nên liên quan đến vốn đầu tư, hoàn thiện thủ tục hồ sơ mời thầu, đấu thầu.
Mặt khác, việc bàn giao đất, mặt bằng đất để đăng ký sử dụng gặp nhiều khó khăn.
“Chúng tôi đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ để thi công dự án. Quá trình thi công dự án nâng cấp Bến xe An Sương mất khoảng 7 - 9 tháng”, ông Hiếu cho biết.
Nhiều hạng mục bên trong bến xe xuống cấp nghiêm trọng. |
Trước đó, PV phản ánh, nhiều hạng mục trong bến xe An Sương xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí, một số hạng mục bị bỏ hoang.
Các công trình nhà vệ sinh xuống cấp được che chắn bởi những tấm giàn giáo xây dựng, rào sắt rất đơn giản, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm.
Bên trong bến xe, rác thải chất đầy nhưng không có ai thu dọn, mùi hôi thối bốc ra nồng nặc. Thậm chí, nhiều khu vực trong bến trở thành bãi tập kết phế liệu, xe máy hỏng.
Bên cạnh đó, phòng chờ của bến xe chật chội, xuống cấp, trang thiết bị thiếu thốn, nhiều hành khách phải đứng ngoài hành lang chờ.
Công trình vệ sinh xuống cấp không sử dụng được. |
Tháng 4/2013, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông TP.HCM đến năm 2020, trong đó xác định Bến xe An Sương là một trong 11 đầu mối vận tải hành khách công cộng chính, là bến trung chuyển xe buýt tại cửa ngõ Tây - Bắc thành phố và trong tương lai gần sẽ là bến cuối của tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM và tuyến buýt nhanh số 3 (Bến xe An Sương - Bến xe Miền Tây).
Theo UBND thành phố, trong điều kiện ngân sách chưa thể đầu tư xây dựng mới các bến xe, An Sương đang phải đảm nhận chức năng chính là đầu mối vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (chiếm hơn 70% tổng số xe lưu đậu), bên cạnh đó còn cho phép lưu đậu một số xe tải và xe khách liên tỉnh.
Vì vậy, để có cơ sở pháp lý triển khai dự án đầu tư cải tạo mở rộng bến xe An Sương theo quy hoạch, UBND thành phố đã đề nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận cho thành phố được điều chỉnh quy mô dự án từ 1,6 ha lên 4,8 ha và chức năng bến xe này đảm bảo nhiệm vụ là một trong 11 đầu mối vận tải hành khách công cộng chính, đồng thời đảm nhận thêm mô hình hoạt động đa chức năng nhằm giải quyết nhu cầu phát triển giao thông đô thị thành phố.
Theo VTCNews