Chiều 20-3, mạng xã hội xuất hiện clip một Việt kiều Đức tranh cãi với một CSGT vì CSGT không chấp nhận bằng lái quốc tế của người vi phạm này.
Qua xác minh, sự việc xảy ra vào chiều 18-3, trên đường Mai Chí Thọ, quận 2 (TP.HCM).
Theo đó, một Việt kiều Đức chạy ôtô quá tốc độ bị tổ chuyên đề thuộc Đội CSGT Cát Lái, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) yêu cầu dừng phương tiện kiểm tra.
|
Tại đây, lực lượng CSGT đã chứng minh hình ảnh vi phạm và yêu cầu tài xế xuất trình giấy tờ.
Người vi phạm đã xuất trình giấy phép lái xe (GPLX) quốc tế nhưng trên đó chỉ in một loại ngôn ngữ chính là tiếng Đức. Lúc này, một cán bộ CSGT căn cứ theo khoản 2, Điều 4 của Thông tư 29 Bộ GTVT nói rõ bằng lái quốc tế phải song ngữ.
Do nghi vấn là bằng lái không hợp lệ tại Việt Nam nên CSGT đã thông báo sẽ tạm giữ phương tiện và bằng lái của người vi phạm để xác minh.
Bức xúc vì cho rằng lực lượng CSGT TP.HCM làm không đúng nên người vi phạm đăng tải đoạn clip trên mạng và cầu cứu luật sư.
Ngày 21-3, một đại diện Phòng PC67 cho biết thời điểm xảy ra sự việc, người vi phạm đã xuất trình một bằng lái quốc gia Đức và một bằng lái quốc tế chỉ có tiếng Đức. Do đó, CSGT tại hiện trường căn cứ theo Thông tư 29 quy định về việc điều chỉnh bằng lái quốc tế thì mẫu bằng lái này phải song ngữ. CSGT đã nhầm lẫn và có phát ngôn không phù hợp, cho rằng đó không phải bằng lái quốc tế.
Khi về lại đơn vị, lãnh đạo Đội đã cho xác minh lại thì Đức nằm trong nhóm nước tham gia công ước về giấy phép lái xe quốc tế năm 1968. Đội CSGT Cát Lái sau đó đã trả lại xe và bằng lái xe cho người vi phạm, chỉ tạm giữ giấy đăng ký xe để xử phạt lỗi vi phạm tốc độ.
Lực lượng chức năng cũng cho biết Việt kiều Đức vi phạm tốc độ là chạy 63 km/h trong khi đoạn đường cho phép 50 km/h.
Khoản 10 Điều 33 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe cơ giới đường bộ có quy định:
Người nước ngoài hoặc người Việt Nam cư trú ở nước ngoài có nhu cầu lái xe ở Việt Nam thực hiện như sau: a) Nếu có giấy phép lái xe quốc gia phải làm thủ tục đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam; b) Trường hợp điều ước quốc tế về giấy phép lái xe mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
Do cả Việt Nam và Đức đều là thành viên Công ước về Giao thông Đường bộ 1968, nên nếu việc người lái xe đó được cơ quan có thẩm quyền nước Đức cấp giấy phép lái xe quốc tế là có giá trị sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam.
|
Theo PLO