8 xe cấp cứu chạy như con thoi đưa nạn nhân cháy chung cư vào viện

Thứ sáu, 23/03/2018, 16:01
Trong bóng đêm 23/3, tiếng còi cứu thương lẫn còi cứu hỏa dồn dập, 8 chiếc xe cấp cứu luân phiên nhau sơ cứu nạn nhân cháy chung cư.

1h40 ngày 23/3, điều dưỡng Nguyễn Châu Sơn tại Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM nhận cuộc gọi ứng cứu nạn nhân tại vụ cháy chung cư Carina Plaza, quận 8. Sau khi lập tức điều động một kíp cấp cứu ra hiện trường, điều dưỡng Sơn báo cho bác sĩ trực lãnh đạo Đỗ Ngọc Chánh.

Tin ban đầu có rất nhiều nạn nhân, bác sĩ Chánh quyết định khẩn cấp huy động thêm 5 xe cấp cứu nữa từ các trạm vệ tinh gần nhất gồm Bệnh viện Quận 6, Triều An, Nguyễn Tri Phương, Đa khoa Sài Gòn, Quận 8. Bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM cũng có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ đạo.

Tiếp cận hiện trường lúc 1h55, kíp cấp cứu đầu tiên nhận định có nhiều thương vong, báo về Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM yêu cầu điều động tiếp thêm 2 xe cứu thương nữa. Tại hiện trường đám cháy, các xe y tế được đặt ở "vùng xanh", lùi lại một bước so với các cảnh sát đang làm công tác cứu hộ. Cứ mỗi khi có nạn nhân được đưa ra vòng ngoài, các y bác sĩ lập tức phân loại bệnh, sơ cứu và phân phối lên xe cứu thương đưa về những bệnh viện gần nhất.

Trong đêm tối do khu vực quanh đám cháy bị cúp điện, 8 chiếc xe cấp cứu nối tiếp luân phiên, khi chiếc này vừa chuyển nạn nhân đi thì xe khác lập tức vào thay vị trí. Các kíp y bác sĩ trực không thể nhớ đã sơ cứu cho bao nhiêu nạn nhân, đi cùng xe cứu thương vào viện bao nhiêu lần. Điều dưỡng Võ Văn Viên tham gia ê kíp y tế trên xe cấp cứu đầu tiên đến hiện trường, nói rằng "có lẽ xe của chúng tôi phải chạy đến hơn 20 vòng từ hiện trường đến bệnh viện và ngược lại để đưa nạn nhân đi cấp cứu". 

Cấp cứu nạn nhân tại hiện trường.

Điều dưỡng Viên cho biết: "Nhiều năm tôi làm công tác cấp cứu ngoại viện, hàng ngày đối diện sự sống và cái chết nhưng thảm họa khiến nạn nhân bị thương vong hàng loạt như lần này khiến tôi bị ám ảnh". Bình thường khi cấp cứu nạn nhân ở hiện trường y bác sĩ phải cố gắng giữ bình tĩnh, gạt bỏ cảm xúc. Song khi nhìn thấy những em bé tử vong được đưa ra từ đám khói, tiếng còi cứu thương, cứu hỏa dồn dập, tiếng khóc tiếng gọi nhau tìm nhau của người dân, anh Viên không tránh khỏi sốc.

Các nạn nhân chủ yếu là bị ngạt, bỏng đường hô hấp do hít phải khí nóng vào cơ thể. Các y bác sĩ chủ yếu cho nạn nhân thở oxy rồi chuyển ngay đến các bệnh viện.

Đến sáng khi hoàn tất công tác cấp cứu, các y bác sĩ khác đã về nhà ngủ nghỉ, riêng điều dưỡng Viên vẫn còn ngồi thẫn thờ ở bệnh viện. Anh từ chối ăn nhẹ hay uống sữa, chỉ lặng lẽ trầm tư một mình.

Khu vực xung quanh đám cháy bị cúp điện nên các y bác sĩ phải tiến hành cấp cứu nạn nhân trong bóng đêm.

7h sáng, công tác cứu hộ cơ bản hoàn tất, các y bác sĩ cấp cứu rút khỏi hiện trường, chỉ còn một kíp ở lại phối hợp lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra, bảo vệ hiện trường.

Tại phòng cấp cứu các bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Chợ Rẫy, Nhi đồng 1... các y bác sĩ cũng tất bật trong đêm ứng cứu nạn nhân. 10 người bỏng hô hấp nặng được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy. Từ 2h sáng, các bác sĩ đã liên tiếp nội soi hút khói bụi, giải phóng đường thở cho các nạn nhân. Công tác nội soi kéo dài đến 9h sáng vẫn chưa xong.

Bác sĩ Phạm Thị Vân Thanh, Khoa Nội soi Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bình thường thao tác nội soi hô hấp chỉ khoảng 10 phút. Song riêng với các nạn nhân vụ cháy chung cư, mỗi bệnh nhân phải nội soi kéo dài 1,5 đến 2 giờ vì tình trạng bỏng hô hấp quá nặng, phải rửa từng nhánh phổi nhỏ. "Tôi cầm ống nội soi rất nặng, giữ lâu đến hàng giờ nên nhiều lúc trong thao tác phải buông ra để thở mới có thể tiếp tục thực hiện cho bệnh nhân", bác sĩ Thanh chia sẻ.

Bệnh nhi bị ngạt khí trong đám cháy chung cư được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.

2h sáng 23/3, chung cư Carina Plaza gồm 6 block cao 14-20 tầng ở quận 8 TP.HCM phát cháy từ tầng hầm để xe. 13 người đã chết, hàng chục người bị thương.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích