Khi bước chân ra ngoài ngày 10/9/2017, Sarah Piotrowski (Mỹ) không hề nghĩ rằng mình sẽ chẳng về nhà được nữa. Buổi tối ra ngoài xem phim bỗng chốc trở thành cơn ác mộng. Người phụ nữ trẻ nhận tin căn hộ nằm ở tầng 9 khu Egdehill Drive của mình chìm trong biển lửa.
Ngay lập tức, Sarah cùng bạn trai Scott D'Antimo chạy về nhà. Đội ngũ cứu hỏa nhanh chóng có mặt song chỉ cứu được hai con mèo và một con thỏ của cặp đôi. Hầu hết tài sản cháy thành tro.
"Thật đau lòng khi mất mọi thứ bạn cất công xây dựng suốt ba năm", Sarah nghẹn ngào kể với Barrie Today. Từ chỗ sở hữu vỏn vẹn một chiếc tivi, một chiếc bàn và một chiếc giường, cô đã cố gắng làm việc để tự xây dựng tổ ấm, "một chốn yên ổn cho bản thân". Giờ đây, tất cả đều tan biến.
Đám cháy thiêu rụi căn hộ của Sarah và làm hư hỏng hai nhà khác, tổng thiệt hại khoảng 75.000 USD. Không ai bị thương nhưng nỗi đau tinh thần thì kéo dài đến tận ngày nay.
"Chúng ta thường nghĩ rằng thật may mắn khi không có thương vong mà không nhận ra hỏa hoạn dù nhỏ cũng kéo theo quãng thời gian đầy khó khăn", Samantha Hoffmann, sĩ quan từ Sở Cứu hỏa Barrie nhận định. Trên thực tế, cháy nhà là trải nghiệm cực kỳ khủng khiếp. Nạn nhân trở nên sợ hãi, sốc, hoài nghi, đau buồn, giận dữ, tuyệt vọng, chán nản.
Họ đối mặt với sự kiệt quệ về cả thể chất lẫn tinh thần nên khó tập trung, dễ cãi vã, khó ăn và khó ngủ. Các vấn đề về trí nhớ, lo âu, trầm cảm dễ dàng xuất hiện. Chưa kể, loạt công việc sau hỏa hoạn như dọn dẹp, thay đồ đạc, tìm chỗ ở tạm thời, liên hệ bảo hiểm càng khiến nạn nhân mất phương hướng.
"Lực lượng cứu hỏa đưa chúng tôi những món đồ sót lại từ vụ cháy, kể cả thức ăn. Chúng tôi phải tự phân loại và vứt bỏ. Mỗi lần như thế, tôi lại khóc", Sarah chia sẻ. Trải qua nhiều tháng, giờ đây, cô cùng bạn trai vẫn chưa nguôi ngoai. Không tìm được chỗ ở mới, họ còn phải chia tay số thú cưng được cứu từ đám cháy. "Tan nát", Sarah tự mô tả cảm xúc.
Không chỉ ám ảnh nạn nhân, hỏa hoạn còn đeo đuổi những người tham gia chữa cháy. Là lính cứu hỏa kỳ cựu với 30 năm thâm niên, ông Roger Moore phải chịu đựng chuỗi ngày tồi tệ tới mức "chẳng khác nào một chiếc máy tính hết điện".
"Một hôm, tôi đang ngồi uống ở quán bar thì bỗng nhìn thấy khuôn mặt của hàng loạt nạn nhân không may bỏ mạng do hỏa hoạn. Tôi bật khóc nức nở", Roger hồi tưởng. Rơi vào tình trạng lo hãi cực độ, ngay cả tiếng còi xe cũng khiến người lính giật mình nghĩ là tiếng còi chữa cháy, cứu thương. Bất lực và đau lòng, Roger quyết định nghỉ hưu sớm ở tuổi 55. Kết thúc năm tháng điều trị tâm lý, ông mới quay về cuộc sống bình thường trước kia.
Theo ước tính, riêng tại Anh, hàng chục nghìn lính cứu hỏa bỏ việc mỗi năm do stress. "Hơn ai hết, lực lượng cứu hỏa liên tục chứng kiến thương vong, mất mát và tất cả những cái đó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm thần của họ", ông Sean Starbuck, phụ trách đơn vị chăm sóc tâm lý Hiệp hội Cứu hỏa Anh nhận định.
Để vượt qua khủng hoảng sau hỏa hoạn, cả nạn nhân lẫn lính cứu hỏa đều cần được hỗ trợ về mặt tinh thần. Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ (APA), họ cần chấp nhận phản ứng tiêu cực của bản thân, cố gắng duy trì thói quen vốn có và kiên nhẫn, hiểu rằng mọi quá trình hồi phục đều cần thời gian. Ngoài ra, nên thực hiện các điều dưới đây:
- Chăm chỉ tập thể dục, thiền và hít thở sâu nhằm giảm stress.
- Hạn chế tiếp xúc với cảnh tượng, âm thanh gợi nhớ hỏa hoạn, đặc biệt là từ tivi, radio hoặc báo chí.
- Cho phép bản thân khóc và giải tỏa cảm xúc tiêu cực một cách tích cực.
- Cho phép bản thân được vui vẻ, hạnh phúc.
- Đưa ra vài quyết định nhỏ nhằm lấy lại sự kiểm soát trong cuộc sống. Nếu cần thiết và có thể, đưa ra quyết định lớn như chuyển đổi công việc.
- Hạn chế nghĩ về những điều bạn "đáng lẽ ra phải làm".
- Không cô lập bản thân quá nhiều.
- Dành thời gian nói chuyện với bạn bè, gia đình và những người lành mạnh.
- Tập trung vào những gì giúp bạn thấy nhẹ nhõm.
- Tránh xa các chất làm thay đổi tâm trạng như rượu cùng các loại thuốc.
- Nghỉ ngơi đầy đủ và duy trì chu kỳ thức - ngủ vốn có.
- Ăn uống cân bằng, khoa học.
Hầu hết cảm xúc tiêu cực sẽ dần tiêu tan sau vài ngày. Trong trường hợp xuất hiện các dấu hiệu như bùng nổ về cảm xúc (giận dữ, khóc lóc), khó ăn khó ngủ, mất hứng thú, xuất hiện các triệu chứng cơ thể (đau đầu, đau dạ dày, mệt mỏi), cảm giác tội lỗi và tuyệt vọng, lảng tránh gia đình bạn bè, lạm dụng rượu và các chất khác kéo dài từ hai tuần trở lên, cần đến chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ kịp thời.
Đối với trẻ em và thiếu niên, trải nghiệm hỏa hoạn dễ dẫn đến rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ và ác mộng. Khả năng đối phó với cú sốc của một đứa trẻ chịu ảnh hưởng lớn từ bố mẹ và người chăm sóc nên phụ huynh cần cố gắng trở thành hình mẫu tốt để con tìm thấy sự an toàn. Người lớn cần cởi mở chia sẻ suy nghĩ, nỗi lo và ý tưởng với trẻ. Hãy động viên các con quay lại cuộc sống trước đây, bao gồm cả việc giải trí và tuyệt đối đừng bao giờ coi trẻ nhỏ như phương tiện trút căng thẳng, sợ hãi.
Theo VNE