|
Thủ tướng Anh Theresa May (giữa) trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Brussels, Bỉ hồi tháng 3 (Ảnh: AFP) |
Vào buổi tối ngày 22/3, khi các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) tụ họp tại trụ sở mới hào nhoáng để cùng ăn tối kết hợp làm việc, cuộc trò chuyện của họ đã chuyển hướng sang chủ đề về Nga. Trong lúc ăn tối, Thủ tướng Anh Theresa May đã chia sẻ với những người đồng cấp châu Âu rằng, thông tin tình báo cho thấy khả năng cao Nga đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal trên lãnh thổ Anh.
Thông thường, Thủ tướng May thường rơi vào tình thế “lạc lõng” trong các cuộc gặp của EU vì bà đang trong quá trình đưa Anh rời khỏi khối này. Tuy nhiên, cuộc gặp lần này khác so với những lần trước. Vào buổi sáng hôm sau, các nhà lãnh đạo EU nhất trí về việc cần đưa ra một hành động phối hợp. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố tất cả các nhà lãnh đạo sẽ về nước và xem xét phương án trục xuất các nhà ngoại giao Nga.
“Hãy cùng làm việc đó (trục xuất) vào 15h ngày 26/3”, New York Times dẫn lời Tổng thống Macron nói.
Sự phối hợp của EU
|
Các nhà ngoại giao Nga và gia đình rời khỏi Đại sứ quán tại London sau lệnh trục xuất của Anh (Ảnh: Reuters) |
Liên minh châu Âu vốn không phải là hình mẫu của một tổ chức quyết đoán, song vụ trục xuất tập thể các nhà ngoại giao Nga của hơn 20 quốc gia hôm 26/3 là một động thái thực sự quyết liệt và mạnh mẽ. Hành động tập thể này của châu Âu diễn ra đồng thời với quyết định trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga của Mỹ, cho thấy sự đối đầu căng thẳng giữa một bên là Nga và bên còn lại là phương Tây. Đây không chỉ là vụ trục xuất lớn nhất của Mỹ trong hơn 30 năm, mà còn là vụ trục xuất tập thể lớn nhất trong lịch sử ngành tình báo.
“Tôi không thể tưởng tượng rằng từng có trường hợp nào trước đây mà nhiều quốc gia phối hợp với nhau để trục xuất như vậy”, Ian Bond, một nhà ngoại giao về hưu của Anh tại Moscow, nói. Theo ông Bond, đối với nhiều nước nhỏ ở châu Âu, đây là lần đầu tiên từ sau Chiến tranh Lạnh, các nước này trục xuất một nhà ngoại giao Nga.
Đối với EU, Nga luôn là vấn đề gây tranh cãi do tầm quan trọng của Moscow với vai trò là nước cung cấp năng lượng cho châu Âu, cùng với đó là quan điểm chia rẽ trong nội bộ các nhà lãnh đạo của EU về việc nên đối đầu với Tổng thống Vladimir Putin như thế nào.
Tuy nhiên, vụ tấn công nhằm vào cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái Yulia tại thành phố Salisbury, Anh hôm 4/3 đã trở thành “giọt nước tràn ly” đối với EU. Thủ tướng May và giới chức Anh nghi ngờ Nga sử dụng chất độc thần kinh Novichok được sản xuất từ thời Liên Xô để hạ độc cha con ông Skripal. Cáo buộc của Anh đồng nghĩa với việc đây là lần đầu tiên một loại chất độc thần kinh được sử dụng tại châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Lẽ đương nhiên, các quan chức châu Âu không thể nhắm mắt cho qua.
Tại Anh, Thủ tướng May đã ra lệnh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga trong khi các thành viên trong nội các của bà đưa ra những lời chỉ trích nặng nề nhằm vào Tổng thống Putin. Thông tin tình báo do bà May chia sẻ trong cuộc gặp vào tối 22/3 dường như tiếp thêm động lực cho các nhà lãnh đạo EU.
Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức là hai nhà lãnh đạo ủng hộ mạnh mẽ nhất lời kêu gọi trục xuất các nhà ngoại giao Nga của Thủ tướng Anh. Pháp đã vào cuộc hỗ trợ kỹ thuật cho Anh để phân tích mẫu chất độc nghi vấn và đưa ra kết luận tương tự Anh. Một khi “cặp đôi” Pháp - Đức đã nhất trí hành động, các nước châu Âu khác thường có xu hướng ngả theo, mặc dù không hoàn toàn vui vẻ.
Sự kiên nhẫn của phương Tây lên đỉnh điểm
|
Cựu điệp viên Sergei Skripal (Ảnh: BBC) |
Cây bút Steven Erlanger của New York Times nhận định quyết định trục xuất tập thể các nhà ngoại giao Nga là kết quả “đáng hài lòng” của EU, vì thậm chí ngay cả Hungary, quốc gia có mối quan hệ nồng ấm với Tổng thống Putin, cũng nhất trí trục xuất một nhà ngoại giao Nga. Theo một số quan chức châu Âu, vụ trục xuất tập thể là bằng chứng cho thấy sự đoàn kết của châu Âu có thể được tăng cường dù Anh đã quyết định rời khỏi EU. Trong khi đó, nhiều ý kiến khác cho rằng vụ trục xuất tập thể này là một “thắng lợi chính trị” đáng kể của Thủ tướng May.
Mặc dù Anh ban đầu có thể kỳ vọng các đồng minh thân cận nhất sẽ đi theo sự dẫn dắt của nước này trong vụ cựu điệp viên Nga, song London có lẽ không tưởng tượng được rằng ngay cả những nước không phải là thành viên của Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như Phần Lan hay các nước không phải là một phần của EU như Albania, thậm chí cả những nước có mối quan hệ rất gần gũi với Nga như Hungary cũng tham gia vụ trục xuất tập thể này. Sự thành công của Anh trong việc tập hợp được một liên minh chống Nga mạnh mẽ xuất phát từ nhiều yếu tố.
Theo nhà phân tích Shashank Joshi, bản chất khác biệt của vụ việc lần này được xem là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nước châu Âu quyết định đi theo Anh trong vụ trục xuất tập thể các nhà ngoại giao Nga. Họ hành động với nhận thức rằng đây là lần đầu tiên vũ khí hóa học được sử dụng tại châu Âu từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Trước đó, các nhà lãnh đạo phương Tây cũng từng bất mãn với Nga do nghi ngờ Moscow cố tình che giấu việc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc đối đầu với phiến quân.
Liên quan tới vụ Skripal, các nhà điều tra Anh liên tục đưa ra những lập luận mạnh mẽ khiến ngay cả những nước lưỡng lự nhất cũng bị thuyết phục rằng, chính Nga đã đứng sau vụ tấn công này. Để tăng độ tin cậy, chính phủ Anh còn mời Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) tới Anh để điều tra. Đây cũng là lý do khiến nhiều nước chọn đứng về phía Anh trong vụ việc này.
Tuy nhiên, Anh thành công trong việc “tập hợp lực lượng” không chỉ bởi nỗi sợ hãi về vũ khí hóa học trong lòng châu Âu hay việc các nước châu Âu được thuyết phục về năng lực điều tra của Anh, mà còn bởi sự kiên nhẫn của phương Tây đối với Nga đã lên đến đỉnh điểm, tới mức phải bùng nổ.
Khi thông báo trục xuất các nhà ngoại giao Nga, Đức không chỉ viện dẫn lý do về vụ Skripal mà còn lấy thêm cớ rằng Moscow đã xâm nhập vào mạng lưới dữ liệu an ninh của chính phủ Đức. Trong khi đó, Australia viện dẫn những hành động hung hăng và liều lĩnh của Nga để giải thích cho lý do trục xuất, bao gồm cáo buộc Nga bắn rơi máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines trên bầu trời Ukraine cũng như nghi vấn Moscow can thiệp vào các cuộc bầu cử tại phương Tây. Estonia, nước trục xuất tùy viên quốc phòng Nga, từng nói rằng Séc, Đức, Thụy Điển và một số nước khác đã phát hiện “mức độ ngày càng tăng của các hoạt động tình báo Nga”.
4 năm trước, Nga từng hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine. Tới nay, cuộc khủng hoảng ngoại giao tiếp tục đẩy Nga vào thế bị cô lập và có lẽ sẽ phải rất nhiều năm nữa Moscow mới có thể lấy lại được những gì đã mất, bao gồm việc nới lỏng lệnh trừng phạt, tái gia nhập nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và cải thiện mối quan hệ với châu Âu.
Theo Dân Trí