Chủ cửa hàng cố lách luật để biến Nha Trang như 'phố Tàu, nước Nga'

Thứ sáu, 06/04/2018, 08:52
"Từ ngày khách du lịch tới đông, mới làm ăn khấm khá lên. Có cơ hội kiếm tiền thì phải tranh thủ. Tôi không nghĩ xa tới việc mất bản sắc hay ngôn ngữ", anh Khoa Anh nói.

Việc ghi bảng hiệu bằng tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Trung là cách tốt nhất để những người bán hàng tiếp cận được khách hàng của mình, chủ yếu là các du khách. Các chủ cửa hàng có được nghe về luật Quảng cáo và quy định việc biển hiệu phải viết bằng tiếng Việt; tên giao dịch quốc tế, tên, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ hơn tiếng Việt; nhưng tìm cách lách luật.

Chỉ có 2 thứ tiếng: Nga và Trung

Siêu thị nhỏ của chị Tâm (40 tuổi) ở đường Nguyễn Thiện Thuật, chủ yếu bán đồ ăn nhanh, nước uống và đồ dùng cho khách du lịch. Đối tượng phục vụ chính của cửa hàng là người nước ngoài. Giá bán các món ở đây cũng cao hơn các siêu thị bình thường từ 5.000-10.000 đồng.

"Phục vụ khách Nga, Trung nên biển hiệu phải ghi tiếng nước họ. Không ghi vậy, họ không hiểu, không vào mua", chị Tâm giải thích đơn giản lý do vì sao không có tiếng Việt trên bảng hiệu của cửa hàng mình.

"Người Nga mua nhanh, lịch sự, không quậy. Người Trung Quốc nói nhiều, soi xét hàng hóa kỹ hơn, thường vào xem rồi đi ra", chị bán hàng này kết luận bằng 2 câu ngắn gọn.

Chu cua hang co lach luat de bien Nha Trang nhu 'pho Tau, nuoc Nga' hinh anh 2
Cửa ra vào một cửa hàng trên đường Nguyễn Thiện Thuật ghi chi chít tiếng Nga. Ảnh: Ngân Giang.

Có suy nghĩ như chị Tâm, ông Tiến, bán hoa quả trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, nói rằng không chỉ riêng các nhà hàng, khách sạn, công ty du lịch, ngay cả những quán ăn ven đường nếu muốn bán được hàng cũng phải ghi biển hiệu bằng tiếng nước ngoài.

"Hàng hủ tiếu, nem nướng, cà phê, hay cả sạp hoa quả của tôi,... đều có biển hiệu ghi 2 thứ tiếng: Nga và Trung. Khách có nhu cầu mình phải phục vụ ngay. Chưa kể mình không biết tiếng, ghi vậy để họ rõ giá, rõ món, chỉ cần 'ngôn ngữ hình thể' là bán được hàng", ông Tiến chỉ ra.

Thi nhau học tiếng Nga và Trung

Bốn năm về trước, "làn sóng Nga" bắt đầu ồ ạt đến theo những tuyến bay thẳng đổ vào Nha Trang - Khánh Hòa. Thời gian sau, khách Trung Quốc đến Nha Trang cũng tăng đột biến. Cơ hội mở ra cho những người biết 2 thứ ngôn ngữ này.

Ban đầu, ngoài những hướng dẫn viên du lịch theo các công ty lữ hành từ Hà Nội, Sài Gòn tới, không nhiều người dân địa phương có thể giao tiếp với người Nga, khách Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ thời gian ngắn sau, nhiều người nhận thấy cần thông thạo hai ngoại ngữ giúp "hái ra tiền", nên họ chủ động đi học, hoặc hướng cho con cái theo học hai thứ tiếng này.

Các trung tâm ngoại ngữ dạy tiếng Nga, tiếng Trung mọc lên, khai giảng liên tục các lớp mới. "Chỉ 3 tháng là có thể giao tiếp cơ bản, 6 tháng nói chuyện được, còn lại khi tiếp xúc nhiều, khả năng ngôn ngữ của mình cũng khá lên nhanh", Huyền (25 tuổi), nhân viên nhà hàng Little India nói về việc học tiếng Nga của mình.

Chu cua hang co lach luat de bien Nha Trang nhu 'pho Tau, nuoc Nga' hinh anh 3
Không chỉ cửa hàng lớn, mà cả các quán ăn ven đường cũng làm biển hiệu tiếng Nga, tiếng Trung. Ảnh: Ngân Giang.

Trừ những người đến từ các nước nói tiếng Anh, một đặc điểm của du khách tới Nha Trang là họ không giỏi tiếng Anh, hoặc có thì nói rất khó nghe. Đó cũng là lý do vì sao người bán hàng ở đây chọn đi học tiếng Nga, Trung thay vì giao tiếp bằng tiếng Anh.

"Người Trung Quốc đến đây phần lớn đã nhiều tuổi, họ không nói được tiếng Anh. Còn người Nga nói tiếng Anh rất khó nghe. Bằng C tiếng Anh của tôi vô dụng", Hòa (28 tuổi) cười nói. Anh học thêm tiếng Trung tại một lớp trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Trước đó, biển hiệu cửa hàng ăn nhà anh phải nhờ người viết hộ. Sau vài buổi học, anh phát hiện những chữ này viết sai và cho người đi làm lại. "Xấu hổ lắm", anh Hòa giải thích.

Cơ hội làm ăn hay giữ gìn bản sắc?

Theo luật Quảng cáo, biển hiệu phải viết bằng tiếng Việt; trường hợp muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, tên, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ hơn tiếng Việt.

Vài chủ cửa hàng tại khu phố "Tây" Nha Trang có biết điều này, nhưng phần lớn thì không. Tuy nhiên, kể cả có biết, họ cũng tìm cách lách luật.

"Lâu lâu mới có người tới kiểm tra. Thấy ai đến thì mình cất biển hiệu đi. Làm lại tốn kém lắm, không cần thiết", chủ một quán ăn trong hẻm 120 Nguyễn Thiện Thuật cho hay.

Nhiều cửa hàng tìm cách lách luật. Biển hiệu của họ có tên tiếng Việt là cửa hàng, nhà hàng và các chữ còn lại hoàn toàn bằng tiếng Nga và Trung.

Chu cua hang co lach luat de bien Nha Trang nhu 'pho Tau, nuoc Nga' hinh anh 4
Một cửa hàng lách luật Quảng cáo bằng cách viết chữ "Cửa hàng" thật to bằng tiếng Việt và các chữ còn lại hoàn toàn bằng tiếng Nga. Ảnh: Ngân Giang.

Phần lớn người bán hàng không quan tâm nhiều tới việc có ghi tiếng Việt trên biển hiệu không vì họ không phục vụ đối tượng khách này. Khi được hỏi có nghĩ đến việc đánh mất "bản sắc văn hóa, ngôn ngữ" hay không, phần lớn nói rằng họ không nghĩ xa tới vậy.

"Trước đây phố này chủ yếu buôn bán nhỏ lẻ, từ ngày khách du lịch tới đông, từ hàng to, hàng nhỏ mới làm ăn khấm khá lên. Có cơ hội nào kiếm tiền thì phải tranh thủ. Tôi không nghĩ xa tới vậy", anh Khoa Anh, chủ cửa hàng đá quý trên đường Nguyễn Thiện Thuật nói.

Cửa hàng của anh Khoa Anh tên Kachiusa, một cái tên rất Nga, dù anh chưa từng đặt chân tới con phố này, nhưng "đặt như vậy họ mới thấy gần gũi, mới vào mua hàng", Khoa Anh nói.

Sau bài "Đến Nha Trang mà ngỡ như đang ở phố Tàu, nước Nga" trên Zing.vn, ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó chủ tịch UBND TP.Nha Trang, tỏ ra bất ngờ trước tình trạng thành phố này ngập biển hiệu tiếng nước ngoài. "Tôi đã trực tiếp xem thông tin Zing.vn đăng tải. Tôi cũng không hiểu tại sao lại như vậy, vì thành phố kiểm tra liên tục. Báo nêu làm tôi cũng sốt ruột...”, ông Khánh nói.

Theo Zing

Các tin cũ hơn