Tin nhắn, cuộc gọi rác lại "dội bom" người dùng

Thứ năm, 30/08/2018, 09:12
Sau hơn 1 năm các nhà mạng cùng bắt tay ngăn chặn, không chỉ tin nhắn rác mà cuộc gọi rác vẫn 'dội bom' người dùng. 

Tin nhắn và cuộc gọi rác vẫn khủng bố người dùng cả ngày lẫn đêm

Đáng nói là tin nhắn rác từ nhà mạng đã gia tăng mạnh mẽ.

“Bom” tin nhắn từ nhà mạng

Lượng tin nhắn rác mà người dùng điện thoại di động nhận được gần đây vẫn không hề giảm so với trước kia. Sự thay đổi lớn nhất là ngoài tin nhắn rác từ số các công ty dịch vụ bên ngoài thì giờ đây, nhà mạng là một trong những nơi “dội bom” tin nhắn rác nhiệt tình nhất.

Anh Văn (Q.Thủ Đức, TP.HCM), chủ thuê bao 09137..., liệt kê hàng loạt tin nhắn quảng cáo, khuyến mãi mà anh nhận được mỗi ngày. Chìa chiếc điện thoại trước mắt chúng tôi sáng qua 29.8, anh Văn chỉ một dãy liên tiếp 4 tin nhắn quảng bá các dịch vụ khác nhau, trong đó hầu hết tin nhắn từ nhà mạng quảng cáo dịch vụ 3G/4G, cơ hội trúng thẻ cào, khuyến mãi dịch vụ data và các dịch vụ khác như trung tâm Anh ngữ, truy cập ứng dụng gọi điện miễn phí...

Anh Văn chia sẻ, ngày nào ít nhất cũng nhận 2 - 3 tin, ngày nhiều có khi lên đến 10 tin từ các nơi đổ về. Đáng chú ý, số lượng tin nhắn từ tổng đài của chính nhà mạng Vinaphone gửi đến điện thoại anh Văn chiếm phần lớn như đầu số 9188, 1525, 1544, 906...

"Lạ là nhà mạng tự động gửi quảng cáo cho khách hàng nhưng vì sao vẫn thêm câu: Từ chối QC, soạn TC gửi...? Tôi đã bị phiền hà, mất thời gian rồi lại tốn thêm tiền nếu muốn từ chối, dù đã trả cước phí sử dụng đầy đủ hằng tháng cho nhà mạng rồi. Thật không có dịch vụ nào mà vô lý như vậy".

Anh Thanh (Q.3, TP.HCM)

Người dùng điện thoại các nhà mạng khác như Viettel, MobiFone, Vietnammobile cũng bị nhận tin nhắn rác với mức độ ít nhiều khác nhau.

Chị Yến (Q.1, TP.HCM), chủ thuê bao 09037..., thử liệt kê, trong ngày hôm qua chị nhận liên tiếp 3 tin nhắn quảng cáo từ tổng đài 999 về dịch vụ xem phim, data và cày view cho ca sĩ thần tượng. Ngày trước đó tổng đài này cũng gửi 3 tin nhắn quảng cáo với nội dung gần như được lặp lại.

Ngoài ra, còn có hàng loạt tin nhắn từ các dịch vụ, đầu số định danh các công ty tài chính, ngân hàng, bất động sản và từ các số di động thông thường. Ngay cả nhà mạng Viettel vốn luôn khẳng định đã nỗ lực ngăn chặn thành công lượng tin nhắn rác trong thời gian qua nhưng với khách hàng, số tin quảng cáo khuyến mãi dội vào điện thoại liên tục cũng không hề kém cạnh.

Anh Thanh (Q.3, TP.HCM), chủ thuê bao 01676..., cho biết đây chỉ là số điện thoại phụ của anh và ít nhận được tin nhắn quảng cáo từ các dịch vụ khác. Thế nhưng đối tượng “dội bom” nhiều nhất chính là nhà mạng qua các đầu số dịch vụ như CSKHViettel, Viettel-DV, Viettel-QC, Viettel-KM, Chuyentien, ViettelPay...

Hiện nay số tin nhắn từ nhà mạng gửi cho khách hàng càng nhiều hơn các tin nhắn dịch vụ khác. Lạ là nhà mạng tự động gửi quảng cáo cho khách hàng nhưng vì sao vẫn thêm câu: Từ chối QC, soạn TC gửi...? Tôi đã bị phiền hà, mất thời gian rồi lại tốn thêm tiền nếu muốn từ chối, dù đã trả cước phí sử dụng đầy đủ hằng tháng cho nhà mạng rồi. Thật không có dịch vụ nào mà vô lý như vậy”, anh Thanh bức xúc nói.

Cuộc gọi rác khủng bố

Không những tin nhắn tra tấn người dùng, thời gian gần đây cuộc gọi rác cũng đang bùng phát. Chia sẻ về vấn đề này, chị Yến, chủ thuê bao 09037..., cho biết hầu như ít nhất mỗi ngày chị phải nghe khoảng 4 - 5 cuộc gọi điện thoại chào mời tham gia các dịch vụ, nhiều nhất vẫn là mua bảo hiểm, mở thẻ tín dụng và rao bán nhà đất. “Lúc rảnh mình cũng lịch sự từ chối. Nhưng lúc đang có việc gấp, cuộc gọi với các thông tin khuyến mãi khiến người nghe rất khó chịu. Vậy mà có lúc mình phản ứng vì cùng một công ty bảo hiểm gọi đến nhiều lần thì người gọi còn cho là mình bất lịch sự”, chị Yến nói. Thậm chí nhiều cuộc gọi có nội dung “không giống ai” khiến người nghe chỉ lắc đầu. Mới đây, anh Tùng, chủ thuê bao 0989..., đã công khai số điện thoại thông báo anh lọt vào danh sách nhận được chuyến du lịch châu Âu dành cho hai người. Tuy nhiên khi anh Tùng cắt ngang hỏi lại có biết tên anh không thì người gọi trả lời không biết!

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico, cho rằng “cuộc gọi rác mới kinh khủng nhất” vì có thể gọi đến bất cứ lúc nào. Đang ngủ, đang họp, đang làm... đều phải nghe các cuộc gọi này. “Có lần vừa nghe giới thiệu em bên công ty X, Y, Z là mình nói ngay, anh không có nhu cầu. Thế là bị người gọi vặn vẹo lại ngay, kiểu sao chưa nghe nói nội dung gì anh đã từ chối?”, luật sư Đức kể.

Hầu hết người dùng đều bức xúc khi bị cuộc gọi rác khủng bố, mệt mỏi hơn nhiều so với tin nhắn. Bởi hầu hết cuộc gọi đều xuất phát từ các số di động 10 số của các nhà mạng chứ không phải là sim “rác” nên cũng không thể biết được quen hay lạ để từ chối ngay. Nhiều khách hàng cũng cố gắng đưa số quảng cáo vào danh sách chặn cuộc gọi nhưng cũng không hết vì chặn số này thì lại xuất hiện số khác. Đáng nói là sau khi những cuộc gọi trực tiếp bị khách hàng phản ứng gay gắt thì đã xuất hiện rầm rộ các cuộc gọi tự động. Nhiều công ty chuyển sang hình thức cuộc gọi tự động khi cài đặt sẵn nội dung quảng cáo và phát ra khi người nghe chấp nhận.

Vì lợi, nhà mạng không quyết liệt chặn "rác"

Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Công ty Bkav, dù không có số liệu thống kê chính xác nhưng lượng tin nhắn rác gửi về điện thoại cho cá nhân ông và nhiều người khác không giảm nhiều. Thay vì tin nhắn từ những đầu số gọi là sim “rác” trước đây thì nay chuyển sang hình thức từ các đầu số định danh và tổng đài của nhà mạng. Người dùng cũng có thể sử dụng phần mềm để chặn nhưng không thể thực hiện hết vì không ai biết được hết có bao nhiêu đầu số dịch vụ.

“Định nghĩa tin nhắn rác của nhà mạng và người dùng có vẻ không giống nhau. Bởi ở góc độ người dùng không quan tâm đến đầu số đó có đăng ký hay không mà chủ yếu là họ không cần nội dung đó. Tin nhắn quấy rối họ và thậm chí lỡ tay bấm nhầm vào các link gửi kèm thì hậu quả còn lớn hơn. Hiện vẫn chưa có giải pháp nào khả thi khi quyền lợi của nhà mạng và khách hàng đang đối nghịch nhau”, ông Sơn phân tích thêm.

Đồng quan điểm, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena, cũng khẳng định việc chặn tin nhắn rác phải được thực hiện từ nhà mạng. Không phải mọi người dân đều sử dụng điện thoại thông minh để cài được phần mềm ngăn số lạ và việc này cũng không áp dụng cho số nhiều được. Hơn nữa, các đầu số dịch vụ cũng chỉ đăng ký với nhà mạng và người dùng có quyền từ chối vì không mang lại lợi ích cho họ. Nhưng nhà mạng lại ép khách hàng muốn từ chối nhận phải gửi tin nhắn đăng ký là quá phi lý.

"Chúng ta phải chấp nhận sống chung, trừ khi có quy định với chế tài mạnh hơn nữa từ cơ quan quản lý cho việc này. Hoặc đợi đến khi nào nhiều khách hàng tiến đến sử dụng sim dữ liệu thay cho sim điện thoại thông thường thì mới tránh được bị bỏ bom tin rác", ông Thắng ngán ngẩm.

Theo thống kê từ Cục Viễn thông (Bộ Thông tin - Truyền thông), ước tính trong cả năm 2017 các nhà mạng đã khóa tài khoản và thu hồi 24 triệu sim thuê bao di động được kích hoạt trước hay còn gọi là sim “rác” với mục tiêu hạn chế tin nhắn và cuộc gọi rác.

Thống kê cũng cho thấy từ tháng 5.2017 đến tháng 3.2018, số tin nhắn rác giảm đi đáng kể, được chặn trên toàn mạng là khoảng 260 triệu tin. Hiện Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính được giao quản lý đầu số 456 là nơi tiếp nhận, thống kê tin nhắn rác do người dân gửi đến. Tuy nhiên cuộc gọi rác thì không thuộc phạm vi quản lý, tiếp nhận của đơn vị này.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích