Việt Nam và Nhật Bản hợp tác về công nghệ 4.0

Thứ năm, 30/08/2018, 09:34
Sự thiếu hụt cùng nhu cầu tăng cao về nguồn nhân lực về nhân lực công nghệ mới mở ra cơ hội hợp tác lớn cho doanh nghiệp hai nước.

Ngày CNTT Nhật Bản (Japan ICT Day) lần thứ 12, diễn ra vào 29/8 tại Hà Nội, là một trong các hoạt động kỷ niệm 45 năm hợp tác quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Nhân lực được đánh giá là thế mạnh của Việt Nam trong lĩnh vực CNTT. Hiện có 290 trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam cung cấp đào tạo CNTT và khoảng 55.000 sinh viên CNTT theo học hàng năm. Theo đánh giá của HackerRank (Mỹ), Việt Nam xếp thứ nhất ở Đông Nam Á và thứ 23 thế giới về năng lực lập trình viên.

Trong khi đó, theo điều tra năm 2017 của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, việc ứng dụng AI tại các doanh nghiệp Nhật mới chỉ có 1,9%, nhưng nhu cầu về các công nghệ mới nổi như IoT, AI, Robotics, xe tự hành... đang tăng lên rất nhanh. Về nhân lực CNTT nói chung, Nhật đang thiếu khoảng 171.000 kỹ sư và dự báo thiếu 369.000 kỹ sư, trong đó có 48.000 kỹ sư trong các mảng công nghệ mới, vào năm 2020.

Ông Nguyễn Đoàn Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản (VJC), nhận định: "Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những xu hướng công nghệ mới như IoT, AI, Big Data, chuyển đổi số, sự thay đổi trong mô hình kinh doanh hợp tác và nguồn nhân lực dồi dào của Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội hợp tác lớn, có thể nói là tương lai của hợp tác CNTT giữa doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản. Theo khảo sát của VINASA và VJC, số lượng các dự án hợp tác sử dụng công nghệ mới đang tăng lên nhanh chóng. Nhiều doanh nghiệp nhỏ đang đầu tư xây dựng năng lực các mảng công nghệ mới này và đã có nhiều dự án hợp tác thành công".

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng đề án chuyển đổi số, đưa Việt Nam bắt kịp cách mạng 4.0

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho biết Nhật Bản đã trở thành đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư hàng đầu của Việt Nam. "Ở lĩnh vực phần mềm, Nhật Bản là thị trường lớn của các doanh nghiệp Việt Nam. Hầu hết các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đều có doanh thu tăng mạnh khi tham gia vào các hoạt động gia công, xuất khẩu phần mềm sang thị trường Nhật Bản", Thứ trưởng chia sẻ. Bộ cũng đang xây dựng đề án chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu đưa Việt Nam bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cũng trong khuôn khổ Japan ICT Day 2018, cuộc thi Hackathon Việt Nam, do VINASA và VJC lần đầu tổ chức, đã diễn ra trong hai ngày 27-28/8 tại Hà Nội với sự tham gia của 19 đội thi đến từ các trường đại học và công ty CNTT trên cả nước.

Cuộc thi năm nay có chủ đề Thành phố thông minh (Smart City), khuyến khích các thí sinh dùng công cụ lập trình để giải các bài toán thực tiễn gắn với việc xây dựng và quản lý đô thị thông minh để có thể đưa ra nhiều ứng dụng phong phú... Kết quả, giải Nhất Hackathon Việt Nam 2018 đã được trao cho đội Little Bin của Đại học FPT Hà Nội, giải Nhì được trao cho TVLab của Công ty Tinh Vân, và hai giải Ba thuộc về đội Surrounding của Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và đội 2048 của Đại học kỹ thuật Lê Quý Đôn.

"Tôi thực sự rất bất ngờ về trình độ và năng lực lập trình của các sinh viên và kỹ sư của Việt Nam. Các em không chỉ có kiến thức và năng lực tốt mà còn biết kết hợp được cả các kiến thức về cơ khí, điện tử trong các sản phẩm phát triển tại cuộc thi này", ông Shingo Sato, Chủ tịch của OADC, cho biết.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích