Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đe dọa ngành công nghiệp bán dẫn

Thứ ba, 17/07/2018, 15:45
Những tiến bộ công nghệ thông tin đang cho thấy chu kỳ tăng trưởng dài hạn của ngành, nhưng các chuỗi cung ứng liên kết lại dễ bị ảnh hưởng bởi các mối đe dọa xuất khẩu.
Các nhà điều hành lo sợ ngành công nghiệp bán dẫn sẽ bị sử dụng như một "con chip" trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Ngay cả khi công nghệ mới đưa ra lời hứa về một sự tăng trưởng chưa từng có trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn toàn cầu, các nhà điều hành vẫn lo sợ rằng ngành này sẽ bị sử dụng như một con chip trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Nikkei trích báo cáo do SEMI, một hiệp hội phục vụ chuỗi cung ứng sản xuất cho ngành công nghiệp điện tử, công bố tuần trước cho biết, các lô hàng thiết bị bán dẫn toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 10,8% trong năm nay và 7,7% trong năm 2019. Dự báo được đưa ra trong hội chợ thương mại Semicon West, một sự kiện kéo dài ba ngày dành cho thiết bị sản xuất chất bán dẫn tại San Francisco (Mỹ) vừa kết thúc hôm 12.7.

Các số liệu thống kê khác cho thấy giá trị doanh số bán chip toàn cầu sẽ tăng 12,4% trong năm 2018 và 4,4% vào năm tới, tạo ra bốn năm tăng trưởng liên tục. Lần cuối cùng thị trường tận hưởng khoảng thời gian như vậy với sáu năm tăng trưởng bắt đầu vào năm 2002.

Theo ông Gary Dickerson, giám đốc điều hành Applied Materials, công ty vật liệu ứng dụng của Mỹ và cũng là nhà làm ra thiết bị sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới, hiện nay máy móc đang tạo ra nhiều dữ liệu hơn so với những gì con người đã làm. Đây là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi lớn trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Sự ra đời của các công nghệ hỗ trợ cho “Internet vạn vật” (Internet of Things) và việc áp dụng rộng rãi hơn trí tuệ nhân tạo đã báo trước tăng trưởng khổng lồ của ngành, đặc biệt để đáp ứng nhu cầu của các trung tâm dữ liệu. Những nhà sản xuất thiết bị bán dẫn như Applied Materials, ASML của Hà Lan và Tokyo Electron của Nhật Bản đã mang lại lợi ích to lớn cho các hãng cung cấp linh kiện dùng để tạo ra thiết bị của họ. J&J Machine, công ty sản xuất các bộ phận chính xác của Mỹ, đã rất bận rộn trong năm qua với nhiều đơn hàng xuất sắc, ông Tim Frank, giám đốc điều hành công ty, cho biết tại hội chợ thương mại Semicon West.

Tuy nhiên, giai điệu ăn mừng này đang bị đe dọa bởi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngay cả một công ty chuyên sản xuất thiết bị kiểm tra quang học của Mỹ như Nanotronics cũng cảm nhận được sự nguy hiểm. Hãng này chỉ sản xuất tại Mỹ, nên sẽ tránh được những tác động tức thì của cuộc chiến thương mại. Nhưng họ cũng có khách hàng Trung Quốc, đo đó lo ngại nhu cầu sẽ giảm sút là điều dễ hiểu.

Việc Mỹ áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc khiến chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu thiệt hại khoảng từ 20 triệu USD đến 30 triệu USD, chủ yếu là do chi phí mua các bộ phận như vòng bi và xi lanh cao hơn, theo SEMI.

Thuế quan có khả năng sẽ được mở rộng sang chip nhớ. Nếu điều này xảy ra, nó sẽ làm tăng tổn thất vượt quá 500 triệu USD, ông Jay Chittooran, người quản lý chính sách công tại SEMI, nhận định.

Hiện mối lo ngại lớn nhất của ngành công nghiệp bán dẫn là chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể sẽ hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn và các thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc, ông Robert Maire, chủ tịch công ty tư vấn Semiconductor Advisors, cho biết.

Các nhà sản xuất Mỹ chiếm 60% thị phần toàn cầu đối với thiết bị sản xuất chất bán dẫn.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn