Sự thật về hệ thống camera giám sát người dân của Trung Quốc

Thứ ba, 17/07/2018, 16:50
Công nghệ giám sát "Big Brother" của Trung Quốc đầy ấn tượng và đáng sợ. Nhưng nó vẫn chưa thật sự "thần thánh" như cách truyền thông nước này hù dọa người dân.

Chính phủ Trung Quốc đang vận hành một hệ thống giám sát công dân dựa vào công nghệ nhận diện gương mặt và trí thông minh nhân tạo. Ngoài ra họ cũng đang xây dựng một mạng lưới toàn diện biến quốc gia này thành nơi giám sát mọi người bằng camera lớn nhất thế giới.

Theo ước tính từ công ty IHS Markit, chính phủ Trung quốc đã chi 6,4 tỷ USD trong năm 2016 cho dự án này. Hiện Trung Quốc có đến 170 triệu camera an ninh được sử dụng cho hệ thống giám sát Skynet. Con số này sẽ tăng lên 400 triệu camera trong những năm tới.

Công nghệ nhận diện gương mặt đang được Trung Quốc phát triển cho việc theo dõi người dân. Ảnh: Reuters.

Tháng 9/2017, trong cuộc phỏng vấn với China Daily, cảnh sát thành phố Thanh Đảo cho biết họ đã bắt được 25 tên tội phạm nhờ công nghệ giám sát này.

Vào tháng 3/2017, cảnh sát Bắc Kinh bắt đầu sử dụng nhận dạng khuôn mặt và những chiếc kính được hỗ trợ bởi AI để bắt bọn tội phạm. Chỉ vài tháng sau, cảnh sát ở Hà Nam và Trịnh Châu bắt đầu áp dụng loại kính này ở các ga xe lửa.

Ở Tương Dương, một màn hình khổng lồ được thiết lập tại các giao lộ để hiển thị tên và khuôn mặt của người đi bộ. Vào tháng 12/2017, Trung Quốc đã chứng minh hệ thống "Skynet" tinh vi của mình bằng cách theo dõi phóng viên BBC chỉ trong 7 phút.

Nhưng tất cả những thành tựu này không thể hiện hệ thống giám sát của Trung Quốc thật sự "thần thánh" như những gì phương tiện truyền thông nước này đang thể hiện.

Nhận diện gương mặt chưa thực sự hiệu quả

Phóng viên Business Insider đã có chuyến thăm văn phòng của Megvii, một công ty khởi nghiệp đứng đầu về trí tuệ nhân tạo và là một trong những nhà phân phối chính đằng sau công nghệ nhận diện khuôn mặt được cảnh sát Trung Quốc sử dụng. Phóng viên đã có cuộc nói chuyện với Xie Yinan, Phó chủ tịch của công ty.

Kính thông minh đang được cảnh sát Trung Quốc sử dụng để theo dõi người phạm tội.

Theo Xia, mặc dù nhiều người cho rằng khả năng nhận diện khuôn mặt của cảnh sát Trung Quốc có thể theo dõi bất cứ ai, ở bất cứ đâu, nhưng điều đó không hề đơn giản như cách mọi người nghĩ.

Ông Xia nói rằng nền tảng Face ++ của Megvii đã từng giúp nhiều cảnh sát ở Trung Quốc bắt giữ 4.000 người từ năm 2016 nhưng nó cũng có những hạn chế nghiêm trọng về công nghệ.

Ví dụ, ngay cả khi Trung Quốc có quét khuôn mặt của mỗi một công dân để tải lên hệ thống của họ, nó vẫn sẽ không thể xác định tất cả mọi người đi qua trước một máy ảnh được liên kết với Face ++. Trong khi thuật toán Face ++ có tính hính xác hơn 97%, nhưng nó chỉ có thể tìm kiếm một số lượng giới hạn các khuôn mặt tại cùng một thời điểm.

Để có thể vận hành hệ thống, cảnh sát sẽ phải tải lên các khuôn mặt họ muốn theo dõi đến một máy chủ địa phương nơi có ga xe lửa hoặc trung tâm chỉ huy mà họ dự định sẽ theo dõi. Face ++ sau đó sẽ sử dụng thuật toán để đối chiếu với những khuôn mặt mà nó gặp phải trong thế giới thực.

Việc theo dõi người dân nhờ công nghệ nhận diện gương mặt vẫn chưa thật sự có tác dụng. Ảnh: Business Insider.

Theo Xie, điều này chỉ khả thi khi hệ thống tìm kiếm khoảng 1.000 khuôn mặt cùng một lúc. Một tác vụ lớn hơn sẽ đòi hỏi dữ liệu và sức mạnh xử lý của một siêu máy tính. Thêm vào đó, Xie nói lúc này họ không thể chạy hệ thống trên 24/7. Điều này buộc cảnh sát phải tự lựa chọn thời điểm thích hợp để thực hiện giám sát.

Mặc dù hệ thống có thể được kết nối với một siêu máy tính trên đám mây để khuếch đại sức mạnh tính toán, nhưng nó sẽ quá nguy hiểm về vấn đề bảo mật. Hệ thống này phải ở chế độ ngoại tuyến và cục bộ để đảm bảo an toàn thông tin.

Khi được hỏi liệu Xie hay công ty có bất kỳ mối lo ngại nào về việc cảnh sát có thể lạm dụng nền tảng Face ++ hay không? Xie cho biết về cơ bản, chính phủ Trung Quốc đã có khung pháp lý về thời gian và cách thức thực thi pháp luật rất cụ thể.

"Chúng tôi không có quyền truy cập vào dữ liệu. Những gì chúng tôi làm là bán cho họ một máy chủ được cài đặt Face ++, thế thôi", Xie cho biết.

Sự hồ nghi sẽ giúp người dân tuân thủ luật

Nhận diện khuôn mặt không phải là tính năng duy nhất mà truyền thông Trung Quốc khuếch đại lên. Tại một giao lộ ở Tương Dương, tình trạng tắc nghẽn giao thông đã xảy ra khi cảnh sát buộc mọi người phải di chuyển chậm để tìm ra một người phạm tội.

Cán bộ địa phương nói với tờ New York Times rằng cảnh sát sẽ phải theo dõi hình ảnh người đi bộ thủ công qua một màn hình lớn tại giao lộ và đối chiếu với gương mặt của người phạm tội muốn tìm.

Trong khi đó, kính thông minh mà cảnh sát đang sử dụng ở Bắc Kinh và Trịnh Châu chỉ làm việc nếu một mục tiêu đứng yên trong vài giây. Vì vậy chúng thường được dùng để xác minh danh tính của khách du lịch hơn là phát hiện tội phạm.

Nhưng theo một cách khác, các phương tiện truyền thông nhà nước đã đi trước một bước. Họ khiến người dân tin vào khả năng mà các sản phẩm công nghệ này có thể thực hiện.

Theo The Times, ở Trịnh Châu, một kẻ buôn lậu heroin đã đầu thú sau khi cảnh sát cho hắn xem hình ảnh trên kính thông minh và nói rằng nó có thể buộc tội anh ta.

"Vấn đề ở đây là việc mọi người không biết liệu họ có bị theo dõi hay không và sự hồ nghi đó khiến người dân tuân thủ hơn", Martin Chorzempa, nhân viên tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nói với tờ The Times.

Sự hồ nghi việc mình có bị theo dõi không khiến người dân tuân thủ luật hơn.

Thế nhưng việc công nghệ giám sát công dân của Trung Quốc sẽ trở nên tiên tiến hơn chỉ là vấn đề thời gian. Chính phủ nước này và các nhà đầu tư công nghệ đã đổ tiền vào tính năng nhận diện gương mặt rất nhiều.

Tháng 11/2017, công ty Megvii đã huy động được 460 triệu USD, phần lớn trong số đó đến từ một quỹ liên doanh của nhà nước. Mặc dù việc định giá vẫn chưa được tiết lộ, nhưng có khả năng công ty này hiện xấp xỉ 2 tỷ USD. Hai công ty Trung Quốc nhỏ hơn bao gồm DeepGlint, và Yitu Technology, đã huy động được 380 triệu USD cũng trong năm 2017.

Theo Zing

Các tin cũ hơn