|
Huawei phủ nhận cáo buộc từ ASPI và cho rằng đó là hành vi tìm cách bôi nhọ công ty |
Theo AFR, Viện Nghiên cứu Chính sách chiến lược Úc (ASPI) ghi nhận Huawei có liên quan đến hành vi gửi dữ liệu bí mật từ trụ sở Liên minh châu Phi ở Ethiopia đến Thượng Hải (Trung Quốc) hằng ngày trong suốt 5 năm qua.
Báo cáo lần đầu được đưa ra bởi tạp chí Le Monde cho biết dữ liệu bắt đầu được chuyển từ nửa đêm đến 2 giờ sáng và khi phát hiện ra vi phạm, Liên minh châu Phi đã thay thế một số cơ sở hạ tầng công nghệ của mình. Báo cáo cũng cho biết các thiết bị lỗi nằm trong tòa nhà của trụ sở liên minh ở Addis Ababa.
Điểm đáng chú ý, ASPI cho biết Huawei đã cung cấp một số công nghệ cho tòa nhà theo hợp đồng đã ký vào tháng 1.2012. Cụ thể, Huawei cung cấp máy tính, hệ thống lưu trữ, Wi-Fi và các dịch vụ khác cho trụ sở Liên minh châu Phi với tên gọi “Giải pháp đám mây trên máy tính để bàn”.
Cả Liên minh châu Phi và chính phủ Trung Quốc đều phủ nhận về cáo buộc vi phạm dữ liệu từ ASPI, trong đó Giám đốc Huawei Jeremy Mitchell cho biết: “báo cáo ASPI là một nỗ lực tuyệt vọng để bôi nhọ Huawei, vốn không phải là sự thật và không có bằng chứng”.
Ông Mitchell cũng cho rằng “Những người đóng phí và các nhà tài trợ cho ASPI cần nhận được thông tin rõ về vấn đề an ninh mạng quan trọng chứ không phải là những lời cáo buộc vô căn cứ như là cách để chống lại bất kỳ công ty nào của Trung Quốc”.
“Các sản phẩm và giải pháp của Huawei được triển khai tại hơn 170 quốc gia và khu vực, phục vụ hơn một phần ba dân số thế giới. Chúng tôi có thành tích xuất sắc về an ninh mạng trên toàn thế giới”, Mitchell nói thêm.
Vào thời điểm hợp đồng ký kết với Liên minh châu Phi, Huawei cho biết họ đã hợp tác với cơ quan này để triển khai một hệ thống CNTT mới cho phép số hóa hoạt động truy cập dữ liệu và nâng cao hiệu quả cho 55 quốc gia thành viên.
Mitchell nói thêm: “Là một tổ chức hàng đầu liên quan đến các vấn đề chính trị, kinh tế và quân sự châu Phi, Liên minh châu Phi cần một hệ thống thông tin mạnh mẽ. Vì hầu hết các thông tin này cần bí mật nên các máy tính cũ sẽ rất dễ bị tấn công bởi hacker, lừa đảo, virus và các hình thức tương tự khác”.
Phía ASPI cho biết, trong khi không có bằng chứng nào cho thấy Huawei đã đồng lõa trong hành vi vi phạm dữ liệu nhưng có rất nhiều câu hỏi được đặt ra, đặc biệt khi Huawei đã cung cấp thiết bị và dịch vụ CNTT quan trọng cho tòa nhà Liên minh châu Phi nhưng lại không biết gì về hành vi ăn cắp một lượng lớn dữ liệu trong suốt 5 năm qua.
Với những lo ngại riêng, các cơ quan an ninh Úc đã khuyến cáo loại Huawei khỏi danh sách đấu thầu về hợp đồng 5G, một đề nghị có thể được chấp thuận bởi chính phủ nước này. Bên cạnh đó, công ty cũng phải ngừng tham gia xây dựng tuyến cáp internet băng thông rộng trị giá 200 triệu USD kéo dài từ quần đảo Solomon qua Papua New Guinea đến Úc vào tháng trước.
Hành động trên được đưa ra không lâu sau khi chính phủ Mỹ yêu cầu cấm bán các thiết bị Huawei và ZTE tại các khu vực quân sự nước này.
Theo Thanh Niên