Tranh quyền phát biểu, đùng đùng bỏ họp, phái đoàn Trung Quốc làm náo loạn diễn dàn Thái Bình Dương

Thứ năm, 06/09/2018, 11:20
Hành động giành quyền phát biểu trong một cuộc họp tại Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương (PIF) của đại diện tới từ Trung Quốc bị Tổng thống nước chủ nhà Nauru chỉ trích là tỏ rõ hành vi bắt nạt.

Cộng hoà Nauru, đảo quốc tại Nam Thái Bình Dương là chủ nhà diễn đàn PIF 2018 với sự tham gia của 18 nước thành viên và các đại diện tới từ Trung Quốc và Mỹ.

Tuy nhiên, diễn đàn khai mạc hôm 4/9 gây ồn ào trên truyền thông bởi những tranh cãi qua lại giữa nước chủ nhà và phái đoàn Trung Quốc.

Tổng thống Nauru Baron Waqa. (Ảnh: Reuters)

Trong một tuyên bố mới đây, Tổng thống Nauru Baron Waqa chỉ trích đại diện tới từ Bắc Kinh là Đại sứ Trung Quốc tại Fiji, ông Du Qiwen đã có hành động "tỏ rõ hành vi bắt nạt" khi đòi phát biểu trước Thủ tướng Nauru. Theo quy định, đại diện của các nước không phải là thành viên của PIF sẽ phát biểu sau khi các lãnh đạo các nước thành viên hoàn thành xong bài phát biểu của mình.

"Đại diện tới từ Trung Quốc yêu cầu được nói trước khi Thủ tướng chuẩn bị nói. Ông ta cứ khăng khăng theo ý mình và tỏ ra hết sức xấc xược khiến cho cuộc họp trở nên ồn ào và gián đoạn trong nhiều phút. Có lẽ ông ta tới từ một đất nước lớn nên muốn bắt nạt chúng tôi", Tổng thống Waqa tỏ ra giận dữ khi nói trong cuộc họp báo muộn tối 4/9.

Một video ghi lại một phần vụ việc sau đó đã được đăng tải lên trang Facebook của tạp chí Fijian Islands Islands Business cho thấy đại điện tới từ Trung Quốc đã đùng đùng rời khỏi diễn đàn sau khi yêu cầu của họ không được chấp thuận.

Nauru và Tuvalu là 2 trong số 6 quốc gia Thái Bình Dương không có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, nhưng lại thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Trước những chỉ trích của Tổng thống Waqa, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh nói rằng những tuyên bố của Cộng hoà Nauru cho thấy sự nghèo nàn trong ứng xử.

"Nauru với tư cách là chủ nhà của diễn đàn đã vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế cũng như các quy tắc của diễn đàn khiến sự kiện này trở thành một trò hề vụng về", bà Hoa nhấn mạnh.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nói thêm rằng Nauru ban đầu đã yêu cầu các đại diện Trung Quốc phải sử dụng hộ chiếu thường nhưng sau đó phải cấp hộ chiếu ngoại giao sau khi nhận được phản ứng gay gắt từ các quốc gia khác.

Về hành động rời khỏi phòng họp của đặc phái viên Trung Quốc Du Qiwen, bà Hoa khẳng định nhiều đại diện của các nước khác cũng làm vậy để bày tỏ phản đối và bày tỏ sự không hài lòng với nước chủ nhà.

Theo VTC

Các tin cũ hơn