Điên cuồng dẫn link báo tiếng Mường gán vào chữ PGS Bùi Hiền: Nhà văn hoá Chu Thơm bức xúc

Thứ năm, 06/09/2018, 13:42
Trước việc dân mạng dẫn link báo tiếng Mường gán vào chữ của PGS Bùi Hiền, Thạc sĩ văn hóa dân gian, Nhà viết kịch Chu Thơm - Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật không giấu được bức xúc.

Gần đây cộng đồng mạng share link các bài báo bằng tiếng Mường của báo Hòa Bình và khẳng định đó là ngôn ngữ do PGS Bùi Hiền nghiên cứu rồi ra sức chỉ trích. Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi có biết thông tin trên và cảm thấy rất buồn cười. Người Mường chỉ có ngôn ngữ nói, chưa có chữ viết. Chữ viết của người Mường được Tỉnh úy Hòa Bình phối hợp với các nhà nghiên cứu của Viện Ngôn ngữ học sáng tạo ra. Đây là cách để người Mường có thể lưu lại nền văn hóa của mình, cũng như để thuận lợi hơn cho việc giúp họ tiếp cận với thông tin bên ngoài.

Còn công trình của PGS Bùi Hiền hoàn toàn khác. Nếu không phải là một người làm công tác nghiên cứu, chỉ là một người bình thường, đọc qua hai bộ chữ trên cũng dễ dàng có thể nhận ra sự khác biệt rất lớn.

Vậy nhưng người ta vẫn có sự nhầm lẫn. Tôi cho rằng, sự nhầm lẫn của cộng đồng mạng chỉ xuất phát từ sự thiếu hiểu biết. Những người đó, chưa chắc đã đọc hết bài báo bằng tiếng Mường, càng chưa tiếp cận với công trình của PGS Bùi Hiển. Họ chỉ thấy hai bộ chữ đó khác với ngôn ngữ tiếng Việt mà họ đang sử dụng và lập tức quy chụp nó là một rồi ra sức chỉ trích, thậm chí dùng những từ có tính chất mạt sát để nói về người khác.

Tôi không phải là nhà ngôn ngữ học nên không thể đánh giá về bộ chữ của người Mường và bộ chữ cái cải tiến của PGS Bùi Hiền, cũng khoan nói tới việc chúng ta nên ủng hộ hay phản đối những ngôn ngữ trên, ở đây chúng ta hãy thử phân tích, cách phản ứng của cộng đồng mạng như thế là đúng hay chưa.

Tôi đồng ý với quan điểm cho rằng, ở xã hội hiện đại, việc phản biện đóng một vai trò quan trọng. Ai cũng có quyền nói lên quan điểm, suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, phản biện phải dựa trên chứng cứ lập luận khoa học và dựa trên những dẫn chứng, chứng cớ đúng. Chúng ta không thể nhầm cái A với cái B rồi ra sức chỉ trích.

Không những thế, cộng đồng mạng dường như lại không chỉ trích bộ chữ, mà lại chĩa mũi nhọn vào người sáng tạo ra chúng, thậm chí dùng những từ tục tĩu, thiếu văn hóa để nói về họ. Đó là cách ứng xử không chấp nhận được.

Chữ viết dành cho dân tộc Mường bị cộng đồng mạng nhầm với tiếng Việt cải tiến của PGS Bùi Hiền.

Từ ngày có các mạng xã hội, mọi người dường như dễ dàng hơn trong việc bày tỏ quan điểm của mình?

Chưa khi nào người ta dễ dàng hại nhau như từ khi có mạng xã hội.

Tôi có nói vui, từ ngày có mạng xã hội, ai cũng có thể thành chuyên gia, nhà nghiên cứu và nhà đạo đức học. Việc đánh giá, bình luận một ai đó, một sự việc nào đó trở nên rất dễ dàng.

Chưa khi nào người ta dễ dàng hại nhau như từ khi có mạng xã hội. Ghét ai, chỉ cần đăng một cái status chửi rủa. Thù ai, cố tình đăng một thông tin thất thiệt là "nó" lĩnh đủ hậu quả.

Vừa rồi, tôi có sang Mỹ và gặp gỡ một vài người bạn ở đây. Có người buột miệng đưa ra một so sánh mà khiến tôi suy nghĩ mãi.

Người này nói: "Tôi thấy ở đất nước tôi, mọi người lên xe buýt hay tàu điện ngầm thường lấy sách ra đọc hoặc tập trung vào công việc riêng của mình, còn đất nước các ông lại khác". Thì đúng rồi, họ còn mải chĩa cái nhìn soi mói vào người khác. Ồ, thằng kia có cái râu trông đến "ngứa mắt", hay cô kia mặc cái váy không thể chấp nhận được.

Trong xã hội, có không ít người mắc bệnh "thích chửi". Họ nhìn cái gì cũng không vừa mắt, thấy ai làm gì cũng đều sai trái. Khi có mạng xã hội, những người mắc bệnh này càng có cơ hội thể hiện hơn. Họ chửi tất, cái gì cũng chửi, chả cần tìm hiểu, càng không biết cái mà họ đang chửi là đúng hay sai. Cứ chửi cho sướng miệng.

Việc thoải mái được chỉ trích trên mạng xã hội, theo ông gây ra ảnh hưởng gì?

Có những người phải dùng từ rất hèn, nếu trong cuộc sống đời thường, chưa chắc họ dám lên tiếng thể hiện quan điểm riêng, càng không dám trực tiếp tranh luận về những cái mà họ cho là không đúng, nhưng lại rất mạnh miệng trên mạng xã hội.

Thay vì phải trao đổi trực tiếp, phải nhìn vào mắt nhau và phải chịu trách nhiệm về những quan điểm mà họ đưa ra thì họ chỉ cần ngồi gõ bàn phím. Họ ném ra các nhận định của mình một cách dễ dàng. Nếu đúng thì tốt mà không đúng cũng chẳng sao, cùng lắm nếu thấy mình sai quá thì họ xóa status, thế là xong..

Thậm chí, họ thoải mái tung ra những thông tin thất thiệt mà chả cần một giây suy nghĩ xem hậu quả mình gây ra là gì. Mới đây thôi, thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) xả lũ nhưng có người lại tung tin trên mạng là bị vỡ, khiến cho người dân hoảng sợ, bỏ chạy lên núi lánh nạn.

Hay vào giữa năm 2017, một số người đăng ảnh hai nữ sinh lên mạng kèm thông tin họ hiếp dâm một nam thanh niên tới chết. Thông tin bịa đặt trên khiến cuộc sống của hai nữ sinh bị đảo lộn. Họ hoang mang, sợ hãi và thậm chí có người còn bị mất kiểm soát về tâm lý và có ý định tự tử.

Trừ những người tung tin đồn thất thiệt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng mới bị xử lý, còn đa phần những người khác không phải chịu bất cứ hậu quả gì. Chỉ có điều, những người bị ảnh hưởng bởi những tin đồn thất thiệt hay những chỉ trích mang tính chất mạt sát trước khi được minh oan thì cũng đã phải điêu đứng, khổ sở rồi.

Những bài báo tiếng Mường của báo Hòa Bình.

Việc bày tỏ quan điểm xã hội là tự do nhưng theo ông có cần phải theo những nguyên tắc nhất định?

Như tôi nói ở trên, ai cũng có quyền thể hiện quan điểm của mình. Nhưng trước tiên phải tìm hiểu rõ vấn đề. Tôi lấy ví dụ cụ thể từ sự việc trên, mọi người có quyền đồng tình hoặc không đồng tình với bộ tiếng Việt cải tiến của PGS Bùi Hiền.

Nhưng khi nói lên chính kiến của mình thì phải dựa trên những dẫn chứng đúng. Không thể lấy bài báo bằng tiếng Mường của báo Hòa Bình để nói về tiếng Việt cải tiến của PGS Bùi Hiền.

Và nếu có chỉ trích thì hãy tập trung vào công trình nghiên cứu, vào bộ chữ chứ không được mạt sát người sáng tạo ra nó. Bác Hồ từng dạy: "Phê bình việc chứ không phê bình người". Không thể tùy tiện xúc phạm người khác một cách công khai như hiện nay.

Người tung thông tin, hay share link một bài viết nào đó phải chịu trách nhiệm với cái mình đã làm. Còn người khác, trước khi đưa ra bình luận có lẽ cũng phải suy nghĩ mình có thực sự hiểu vấn đề này không? Bình luận của mình có ảnh hưởng tới ai không.

Còn phía cơ quan quản lý, tôi nghĩ họ cũng cần phải có những quy định rõ ràng, hình thức xử phạt thích đáng đối với những người cố tình lợi dụng mạng xã hội, tung những tin đồn thất thiệt, gây ảnh hưởng tới người khác.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ trên!

Theo VTC

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích