Ngày 5/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn Đại biểu cấp cao đã có mặt tại thủ đô Matxcơva theo lời mời chính thức của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo lịch trình, sáng 6/9, Tổng Bí thư sẽ tới thành phố Sochi để tham gia cuộc tọa đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trước thềm cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Nga Vladimir Putin, GS. TS. Vũ Dương Huân, nguyên Tổng lãnh sự vùng Viễn Đông Liên bang Nga, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao đã chia sẻ những nhận định về trọng tâm của cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo, cũng như vị thế của Việt Nam trong chiến lược ngoại giao của Liên bang Nga.
Giáo sư Vũ Dương Huân nhận định, Tổng Bí thư Việt Nam đến thăm Nga trong thời điểm rất đặc biệt, mang nhiều ý nghĩa. Đây là chuyến thăm Liên bang Nga đầu tiên của lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam sau khi Tổng thống Putin nhậm chức nhiệm kỳ thứ 4 vào ngày 7/5/2018. Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm khi hai nước chuẩn bị kỷ niệm 25 năm ký kết Hiệp ước về các nguyên tắc quan hệ hữu nghị (16/6/1994 – 16/6/2019), 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (30/1/1950 – 0/1/2020).
Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. |
Mục tiêu của chuyến thăm, theo giáo sư Vũ Dương Huân, nhằm “làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga, tăng cường sự gắn bó chiến lược, thảo luận các phương hướng lớn và biện pháp để thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực”.
Theo giáo sư, sẽ có nhiều vấn đề quan trọng được đặt lên bàn đàm phán. “Thứ nhất, bàn về các biện pháp củng cố hơn nữa tin cậy chính trị vốn là đặc thù của quan hệ đối tác chiến lược, tăng cường sự phối hợp giữa Việt Nam và Liên bang Nga trên các diễn đàn quốc tế. Thứ hai, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng, kỹ thuật quân sự, an ninh quốc phòng. Du lịch và giáo dục đào tạo cũng là hai lĩnh vực quan trọng có thể sẽ được đưa ra thảo luận trong cuộc gặp này”.
Đặc biệt, giáo sư Vũ Dương Huân nhận định, trong buổi tọa đàm sắp tới hai nhà lãnh đạo cấp cao sẽ bàn luận các biện pháp để thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại vốn còn nhiều hạn chế giữa Nga – Việt. Đơn cử, kim ngạch thương mại song phương năm 2017 đạt 3,55 tỷ USD và trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng 42% so cùng kỳ năm ngoái, mục tiêu đến năm 2020 tăng lên 10 tỷ USD. Ở khía cạnh đầu tư, mặc dù có những thành tựu nhất định, tuy nhiên con số đầu tư còn khá ít ỏi: dự án đầu tư của Liên bang Nga vào Việt Nam chỉ mới đạt gần 1 tỷ USD, Việt Nam đầu tư vào Nga khoảng 3 tỷ USD, so với thế giới con số này chưa đáng kể.
Theo giáo sư Vũ Dương Huân, tốc độ phát triển trong lĩnh vực kinh tế thương mại Nga-Việt còn chậm và nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và mối quan hệ chính trị có độ tin cậy cao giữa hai nước. Vì vậy, đây là vấn đề cấp thiết cần được đưa lên bàn đàm phán để tìm ra phương hướng, các giải pháp đẩy mạnh đầu tư, thúc đẩy nền kinh tế thương mại giữa hai nước.
Giáo sư Vũ Dương Huân nhận định, trong buổi tọa đàm sắp tới hai nhà lãnh đạo sẽ bàn luận các biện pháp để thúc đẩy hợp tác song phương toàn diện. |
Trong bối cảnh đồng rúp của Nga liên tục rớt giá do các lệnh trừng phạt từ Mỹ, việc sử dụng đồng ngoại tệ Mỹ trong trao đổi thương mại, theo giáo sư, đã không còn phù hợp. Giáo sư Vũ Dương Huân cho rằng, sẽ có nhiều thỏa thuận về lĩnh vực hợp tác được ký kết để giảm bớt những rào cản, vướng mắc trong quan hệ kinh tế giữa hai nước, như việc sử dụng đồng nội tệ (đồng rúp hoặc việt nam đồng) trong trao đổi thương mại, hạn chế thanh toán bằng đồng USD.
Giáo sư cho biết, hiện nay dân số ở Liên bang Nga đang giảm, kéo theo sự thiếu hụt về lực lượng lao động, việc thu hút lao động nước ngoài là điều vô cùng cần thiết. Việc ký kết những thỏa thuận về sử dụng lao động giữa hai nước chắc chắn sẽ được hai nhà lãnh đạo đưa ra cân nhắc.
Việt Nam là đối tác chiến lược vô cùng quan trọng của Nga ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Trong buổi đối thoại chiến lược lần thứ 9 (6/2017), Nga nêu ý tưởng kết nối các tiến trình liên kết tại Châu Á – Thái Bình Dương trong khuôn khổ Đối tác Đại Á – Âu với mục tiêu xây dựng khối kinh tế mở, bao trùm cả quan hệ Việt – Nga, ASEAN – Nga và Việt Nam – Liên minh kinh tế Á - Âu. Nga rất coi trọng và mong muốn Việt Nam trở thành đối tác quan trọng trong sáng kiến này.
Trong bối cảnh thế giới với nhiều biến động như hiện nay, Nga cần Việt Nam như một nước bạn truyền thống, đối tác tin cậy, cần sự phối hợp ủng hộ của Việt Nam trên các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, các cơ cấu khu vực, liên khu vực.
Về kinh tế, Việt Nam là đối tác hàng đầu của Nga ở Đông Nam Á với thị trường hơn 90 triệu dân. Nga tiếp tục duy trì, đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng như dầu khí, năng lượng, khai khoáng, đồng thời, mở rộng sang khác lĩnh vực khác vốn là thế mạnh của Nga như xây dựng tàu điện ngầm, hệ thống định vị vệ tinh…
Theo giáo sư Vũ Dương Huân, trên lĩnh vực an ninh quốc phòng, Nga tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí sang Đông Nam Á, trong đó, Việt Nam đứng thứ 3 về số lượng vũ khí nhập khẩu từ Nga (sau Ấn Độ, Trung Quốc). Đồng thời, Học thuyết hàng hải (2016), chính sách chiến lược trong lĩnh vực hải quân Nga đến 2030 xác định: tăng cường hiện diện của hải quân Nga tại các vùng biển có ý nghĩa chiến lược, trong đó có Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, sẽ tạo điều kiện tăng cường hợp tác hải quân Nga – Việt.
Nguyên Tổng lãnh sự vùng Viễn Đông Liên bang Nga Vũ Dương Huân khẳng định, mặc dù giữa Nga và Việt Nam có nhiều khác biệt về kinh tế, chính trị, văn hóa, nhưng dòng chảy chính xuyên suốt chiều dài lịch sử giữa hai nước là dòng chảy hữu nghị. Nga cần Việt Nam như một đối tác chiến lược quan trọng bậc nhất ở Đông Nam Á, cùng hợp tác phát triển toàn diện trong mọi lĩnh vực.
Theo VTC