TS Phạm Văn Long cảnh báo khi dự án chống ngập 10.000 tỷ "chết chìm"

Thứ sáu, 14/09/2018, 09:25
Có thể gây ra hậu quả khôn lường khi dừng thi công dự án, TS Phạm Văn Long, chủ nhiệm thiết kế của dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – giai đoạn 1” cảnh báo tại buổi báo cáo giải trình của Tập đoàn Trung Nam (chủ đầu tư), chiều 13/9.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ngưng thi công gần 5 tháng qua do tư vấn giám sát hợp đồng không ký xác nhận

TS Phạm Văn Long cho biết có 5 đơn vị tư vấn thiết kế của dự án tham gia hầu hết các công trình thủy lợi lớn ở khu vực phía Nam. Khi hợp đồng với nhà đầu tư, một trong những điều kiện đơn vị tư vấn là phải làm việc độc lập.

Ông Long lưu ý chủ đầu tư dự án này là một trong những công trình thủy lợi lớn nhất khu vực phía Nam. Công trình được xây dựng trên nền đất yếu, chế độ bán nhật triều, nếu dừng thi công không đúng thời điểm, chẳng hạn như đã đào hố móng nhưng chưa đổ bê tông tầng đáy thì với áp lực dòng chảy rất lớn có thể gây sạt lở, mất an toàn cho công trình.

“Cống Phú Định, một trong những hạng mục quan trọng của dự án đang có những hố đào rất sâu. Nếu nhà thầu ngưng thi công quá lâu sẽ rất nguy hiểm”, chuyên gia này cảnh báo.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam (Trung Nam Group) thừa nhận: Chúng tôi rất lo việc đó và vừa qua đã cố gắng thi công đổ bê tông tầng đáy trong điều kiện đã ngưng giải ngân để đảm bảo an toàn và không gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Theo ông Tiến, việc tạm dừng thi công dự án quá lâu có thể gây thiệt hại rất lớn cho ngân sách TP.HCM. Cụ thể: Nếu dự án kéo dài qua thời điểm 30/6/2019 thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ đóng chương trình và TP.HCM sẽ không còn cơ hội sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi và phải chuyển sang vay thương mại với lãi suất cao gấp nhiều lần.

Ông Nguyễn Tâm Tiến cho hay lý do dự án tạm dừng thi công là bởi phía ngân hàng không giải ngân xuất phát từ việc TVGSHĐ không ký xác nhận thanh toán với lý do: “Tiêu chuẩn thép không có trong tiêu chuẩn UBND TP.HCM duyệt; Chỉ dẫn kỹ thuật: S355 xuất xứ G7, cơ tính và hóa tính tương đương S355”.

Tại buổi giải trình, Trung Nam Group thừa nhận trong hồ sơ thiết kế, bản Chỉ dẫn kỹ thuật do tư vấn thiết kế lập ban đầu có nội dung này. Tuy nhiên, việc quy định như vậy là trái với Luật Xây dựng nên đơn vị tư vấn thiết kế đã đính chính lại. Ngoài ra, hợp đồng BT do UBND TP.HCM ký với Nhà đầu tư không có điều khoản ràng buộc phải sử dụng thép G7.

Về cáo buộc đã thay đổi thiết kế cơ sở (TKCS) phía Trung Nam Group cho rằng quá trình triển khai dự án, việc thi công hoàn toàn tuân thủ thiết kế bản vẽ thi công (TKBVTC).TKCS chỉ có tính định hướng, đến bước TKBVTC, đơn vị thiết kế khảo sát, đo đạc, tính toán, thí nghiệm nhiều hơn, chi tiết hơn để đưa ra thiết kế chi tiết nhằm đảm bảo kỹ thuật cho công trình đủ điều kiện triển khai thi công và tối ưu hóa chất lượng, hiệu quả khi đưa vào khai thác”, ông Tiến nói.

Trong một văn bản gửi UBND TP.HCM, ông Fernando Requena, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn xây dựng Meinhardt (thuộc Liên danh TVGSHĐ) cho biết, quá trình thi công dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, theo thiết kế cơ sở thì hai cửa van tại cống kiểm soát triều Phú Xuân và Cây Khô dùng thép không gỉ SUS 304 và thép S355 nhưng Tập đoàn Trung Nam (Trung Nam Group) đã sử dụng thép Q345B (tiêu chuẩn Trung Quốc).

Về cáo buộc này, ông Nguyễn Tâm Tiến nói đơn vị thiết kế đã tối ưu hóa TKCS bằng cách thay loại thép SUS 304 bằng loại thép SUS323L có cơ tính và giới hạn chảy cao hơn. Một số cống, nhà thầu thay đổi vật liệu cửa van từ thép SUS304 sang thép đen S355 (tiêu chuẩn Đức) hoặc Q345B (tiêu chuẩn Trung Quốc) hoặc SM490 A-B (tiêu chuẩn Nhật) hoặc A72Gr.50 (tiêu chuẩn Mỹ)...Việc thay thép là do các cửa van có kích thước lớn (cao 10-12 m, ngang 40 m).

Có những cống phải làm từ 2 cửa van đến 4 cửa van. Khi treo cửa van lên cao cho các phương tiện giao thông thủy qua lại, thép SUS304 sẽ như các tấm gương phản chiếu ánh sáng, gây mất an toàn giao thông. Khi dùng thép SUS304, cường độ thấp nên cửa van phải có kết cấu thép rất lớn, mối hàn nhiều, không đảm bảo an toàn. Trong khi đó thép đen không phản chiếu ánh sáng, khả năng chịu lực cao hơn, đảm bảo an toàn hơn.

Làm tăng chi phí dự án
Trong một văn bản gửi UBND TP.HCM, ông Fernando Requena, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn xây dựng Meinhardt (thuộc Liên danh TVGSHĐ) cho biết, quá trình thi công dự án theo thiết kế cơ sở thì hai cửa van tại cống kiểm soát triều Phú Xuân và Cây Khô dùng thép không gỉ SUS 304 và thép S355 nhưng Tập đoàn Trung Nam đã sử dụng thép Q345B (tiêu chuẩn Trung Quốc). Và, việc thay đổi vật liệu thép có khả năng làm tăng chi phí duy tu bảo dưỡng. Ngoài ra, việc thay thế vật liệu thép Trung Quốc có giá rất đắt (thép 304 khoảng 70.000 đồng/kg, trong khi thép 323 giá 140.000 đồng/kg).
Cơ quan chức năng nói gì?
Theo một lãnh đạo Sở Tài chính, việc dừng giải ngân là do TVGSHĐ tuy ký xác nhận giá trị hoàn thành nhưng trong văn bản xác nhận thường kèm theo các ý kiến và khuyến cáo. Do TVGSHĐ không thực hiện đúng chỉ đạo của UBND TP.HCM nên Sở không thể ký xác nhận. Sau khi Sở Tài chính có văn bản số 2903/STC-ĐTSC báo cáo cơ quan có thẩm quyền, TVGSHĐ mới ký lại (ký gộp các đợt) nhưng phía ngân hàng tài trợ vốn không chấp nhận và tạm dừng giải ngân vì xác nhận của TVGSHĐ không theo biểu mẫu 02A để Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho dự án.
Tính đến thời điểm nay Sở NN&PTNT (đơn vị được UBND TP.HCM ủy quyền thẩm định, phê duyệt dự án) đã có ít nhất 2 văn bản khẳng định “đơn vị tư vấn thiết kế và chủ đầu tư sử dụng, thay đổi tiêu chuẩn vật liệu thép chế tạo cửa van các cống giữa giai đoạn thiết kế cơ sở và giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công là phù hợp nhằm tối ưu hoá sản phẩm thiết kế, phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành”, nhưng TVGSHĐ vẫn phớt lờ.
Điều đáng nói, tại thông báo số 125/TB-VP của UBND TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã thống nhất thực hiện theo quan điểm của Tổ đàm phán hợp đồng BT của thành phố, đó là các đơn vị tham gia vào việc triển khai và giám sát dự án phải tuân thủ theo thông báo kết quả thẩm định của Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn”. Tại văn bản 1924/BXD-KTXD, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các đơn vị tham gia triển khai, giám sát dự án phải tuân thủ theo thông báo kết quả thẩm định của Sở Nông Nghiệp và phát triển nông thôn”.

Ngừng thi công dự án vì hết tiền

Dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu– giai đoạn 1” đã hoàn thành 72% khối lượng và tạm dừng thi công từ ngày 27 tháng 4 năm 2018 đến nay. Nguyên nhân tạm dừng là bởi Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – chi nhánh Nam Sài Gòn đã dừng giải ngân cho dự án do UBND TP.HCM chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của Dự án theo biểu Phụ lục 02A tại quyết định số 2240/QĐ-NHNN để thực hiện thủ tục tái cấp vốn.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn