|
Bán đảo Crimea từ trên cao nhìn xuống (Ảnh: Tass) |
Ngày 12/9, Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin cho biết nước ngọt của Ukraine sẽ không bao giờ chảy đến “vùng lãnh thổ bị chiếm đóng” dưới hợp đồng cung cấp mà đối tác của Kiev là “Crimea thuộc Nga”.
Hiện thời, Ukraine đang tạm dừng cung cấp nước cho bán đảo Crimea. Trước đó, Phó Chủ tịch Hội đồng tối cao Crimea Alexei Chernyak cho biết vùng bán đảo này đã không sử dụng nguồn nước từ Kiev trong 4 năm qua.
Theo Unian, phát ngôn của ông Klimkin được đưa ra trong bối cảnh Thứ trưởng phụ trách các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời Ukraine Yuri Grymchak trước đó nói rằng Kiev có thể cung cấp lại nước ngọt lại cho bán đảo này với điều kiện Nga phải công nhận Crimea là “vùng lãnh thổ chiếm đóng”.
Đáp trả lại phát ngôn từ Ukraine, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 13/9 cho rằng bất cứ mối đe dọa nào từ phía Ukraine có liên quan tới cơ sở hạ tầng dân sự của người dân Crimea đều được coi là hành động “khủng bố quốc tế” theo luật của châu Âu.
Bà Zakharova cáo buộc Kiev dường như đã nỗ lực trong việc ngăn chặn cung cấp năng lượng cho Crimea trong nhiều năm qua nhằm khiến cho một số hoạt động liên quan tới cơ sở hạ tầng dân sự của Crimea bị đình trệ.
Phát ngôn viên của Nga nhấn mạnh Moscow đang làm hết sức có thể để có thể cung cấp điện năng và nước ngọt tới vùng bán đảo, đồng thời kêu gọi Ukraine dừng các hoạt động có thể gây ảnh hưởng tới Crimea.
Căng thẳng giữa Nga với Ukraine và phương Tây bùng phát từ sự kiện năm 2014 khi Crimea tuyên bố ly khai Kiev, sáp nhập với Nga. Dù Ukraine nhiều lần cáo buộc Nga “chiếm đóng” vùng bán đảo, tuy nhiên Moscow khẳng định quyết định trở về Nga dựa trên cuộc trưng cầu ý dân của chính người Crimea và hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.
Dù bị lệnh trừng phạt của phương Tây “bủa vây” từ đó tới nay, nhưng lãnh đạo Crimea Sergei Aksyonov khẳng định hồi tháng 6 rằng các lệnh trừng phạt không ảnh hưởng tới sự phát triển xã hội và kinh tế của khu vực này.
Theo Dân Trí