|
Tài liệu môn vật lý là một trong những tài liệu do Sở GD-ĐT TP.HCM biên soạn cho học sinh địa phương này sử dụng nhiều năm nay |
Năm 2014 Quốc hội (QH) từng ra nghị quyết về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, trong đó có những nội dung cụ thể như “Thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học”; “Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh (HS) và cha mẹ HS theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT”.
Thời điểm để thực hiện lộ trình “một chương trình, nhiều SGK” theo kiểu cuốn chiếu với mỗi cấp học thoạt tiên được ấn định là từ năm học 2018 - 2019. Sau này đến năm 2017 QH đã ban hành một nghị quyết khác sửa đổi thời điểm triển khai thành “chậm nhất từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp đầu cấp của cấp tiểu học...”.
Lúc đó mọi người đánh giá cao tư tưởng “một chương trình, nhiều SGK” dù còn đôi chút lấn cấn về chuyện Bộ GD-ĐT cũng tổ chức biên soạn một bộ SGK vì sợ sau này các trường sẽ sử dụng sách của Bộ, sách của nơi khác biên soạn e rằng không cạnh tranh bình đẳng nổi.
Thế mà trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ QH vào ngày 12.9, khi cho ý kiến về luật Giáo dục sửa đổi, một số đại biểu QH phản đối quy định cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK để sử dụng trong giảng dạy, học tập. Người thì sợ ảnh hưởng đến tính thống nhất của chương trình giáo dục trên toàn quốc; người lo mỗi trường một kiểu sẽ xảy ra bất cập trong giảng dạy chung. Một ý kiến tiêu biểu cho nỗi lo này là: “Không thể có SGK tự chọn được. Không thể trường này muốn học cái này, trường khác thì học cái khác, tỉnh nào có sách của tỉnh đó. Nền giáo dục như vậy không được”.
Đặt trong bối cảnh có tranh luận gay gắt về bộ tài liệu của chương trình thực nghiệm giáo dục, có thể hiểu được các nỗi lo này. Giả thử bây giờ sắp bước vào năm học mới, các trường sẽ quyết định chọn sách của bên công nghệ giáo dục hay sách của chương trình bình thường, có lẽ các trường họp từ sáng đến tối, rồi nghe ý kiến của nhóm phụ huynh này đến ý kiến của nhóm phụ huynh khác đến ngày khai giảng cũng e rằng chưa quyết định được. Trường nào quyết định rồi, e cũng có ý kiến phản đối đòi đổi SGK.
Vậy không lẽ ý tưởng “một chương trình, nhiều SGK” sẽ chết yểu khi chưa triển khai?
Có lẽ đầu tiên QH là nơi ban hành nghị quyết nên khẳng định lại lập trường của mình, không thể có những phát biểu ngược với điều mình bỏ phiếu thông qua. Thứ nữa Bộ GD-ĐT nên có những giải pháp, những tuyên bố về chương trình công nghệ giáo dục để khép lại cuộc tranh luận vì rõ ràng nó ảnh hưởng đến việc triển khai “một chương trình, nhiều SGK” sau này. Thậm chí Hội đồng quốc gia thẩm định SGK nếu có những lấn cấn mới thì yêu cầu bên công nghệ giáo dục sửa chữa, điều chỉnh sách của chương trình theo góp ý của nhiều nhà nghiên cứu.
Trong cạnh tranh, cái khó nhất là các rào cản gia nhập thị trường. Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích các đơn vị, tổ chức và cá nhân tham gia biên soạn SGK bởi chi phí đầu tư ban đầu không phải là nhỏ mà rủi ro bị gạt bỏ, từ chối hay bị đào thải là rất lớn. Một khi xã hội có nhiều chọn lựa, cái tốt sẽ có cơ hội nổi trội. Điều quan trọng là phải có niềm tin vào tập thể “giáo viên, học sinh và cha mẹ HS” ở từng trường; họ sẽ biết chọn điều tốt nhất cho con em mình. Lợi ích nhóm trong vận động sử dụng SGK là có thể xảy ra nhưng rủi ro này là lớn nhất khi quyết định sử dụng sách nào nằm ở cấp quốc gia hay tỉnh thành; khi chuyển quyết định đó cho cơ sở giáo dục như nghị quyết của QH, sự tốn kém trong chi phí “gây ảnh hưởng” đến từng trường sẽ khiến lợi ích nhóm chùn bước.
Giai đoạn đầu khi chấm dứt tình trạng độc quyền SGK có thể sẽ khá lộn xộn, nhiều điều bất cập, nhiều ý kiến tranh cãi… Nhưng nhà nước, QH và Bộ GD-ĐT không thể cứ chọn sách cho nhà trường mãi; phải trao quyền đó lại cho nhà trường, giáo viên, HS và phụ huynh HS.
Theo Thanh Niên