Trung Nam lý giải dùng thép Trung Quốc tại dự án chống ngập 10.000 tỷ

Thứ sáu, 14/09/2018, 11:42
Liên danh tư vấn giám sát hợp đồng viện dẫn giá thép Nhật Bản rẻ hơn thép Trung Quốc nhưng không xét đến lượng thép Trung Quốc dùng ít hơn, giảm chi phí nhân công ca máy, thiết bị.

Trao đổi với báo chí vào chiều 13/9, ông Nguyễn Tâm Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam (Trung Nam Group), cho rằng Liên danh tư vấn giám sát hợp đồng cáo buộc chủ đầu tư thay thép Nhật Bản, G7 thành thép Trung Quốc là sai bản chất.

Bởi, trong hợp đồng xây dựng công trình chống ngập Trung Nam Group ký với UBND TP.HCM không ràng buộc phải sử dụng thép các nước G7 hay Nhật Bản. UBND TP.HCM yêu cầu thép xây dựng phải đáp ứng các tiêu chuẩn cơ khí, hóa tính.

Thép Trung Quốc đắt hơn thép Nhật

Lý giải về chênh lệch giá khi dùng thép Trung Quốc so với thép Nhật, Trung Nam Group cho rằng nếu công trình sử dụng thép SUS304 (từ Nhật Bản) thì cần 375 tấn, dùng thép SUS323L (từ Trung Quốc) thì cần 315 tấn. Tổng chi phí nếu dùng SUS304 là 53,72 tỷ đồng và dùng thép SUS323L là 66,41 tỷ đồng. Giá thép Trung Quốc tăng 12,69 tỷ đồng nhưng độ an toàn, độ bền và tuổi thọ công trình cao hơn thép Nhật Bản.

Liên danh tư vấn giám sát hợp đồng viện dẫn giá thép Nhật Bản rẻ hơn thép Trung Quốc nhưng không xét đến lượng thép Trung Quốc dùng ít hơn, giảm chi phí nhân công ca máy và thiết bị nâng đỡ cửa van, kết cấu bê tông.

“Nhập thép Trung Quốc về xây dựng, người dân hay có tâm lý lo lắng thép này kém chất lượng. Trước khi nhập thép về, chúng tôi đã thí nghiệm, kiểm tra, và đạt được chất lượng mới mua. Trong hợp đồng, chúng tôi bảo hành thép Trung Quốc trong vòng 3 năm”, ông Nguyễn Tâm Tiến nói.

Công nhân đang thi công các hạng mục cho công trình ngăn triều. Ảnh: Trung Nam Group.

Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, trong hồ sơ thiết kế cơ sở các cống Phú Xuân, Tân Thuận, Cây Khô, Bến Nghé… làm bằng thép không gỉ SUS304 (từ Nhật Bản) nhưng qua tính toán thép này dày và lớn, nếu chiều ngang 40m và chiều cao 12m khi kéo lên khỏi mặt nước sẽ như một tấm kính để ngoài sông. Như vậy, phương tiện giao thông thủy đi lại sẽ bị phản sáng vào ban ngày và phản đèn vào ban đêm. Chủ đầu tư đã chọn sang loại thép SUS323L (còn gọi là thép đen, của Trung Quốc).

Trung Nam Group khẳng định thép đen có tính chịu lực cao gấp đôi thép không gỉ SUS304 (của Nhật Bản), giá lại rẻ hơn khi xét về khối lượng. Việc thay đổi này chủ đầu tư cho biết đây là điều chỉnh thực tế thi công ngoài hiện trường, sau đó tập hợp lại và báo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phê duyệt.

Trung Nam Group cho biết trong phân công ngành dọc của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được quản lý về thủy lợi. Tại văn bản 1947, Thủ tướng Chính phủ ký năm 2015 chấp thuận cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý cho TP.HCM thẩm định thiết kế cơ sở, bản vẽ thi công và dự toán.

Sau đó, TP.HCM đã ủy quyền và giao nhiệm vụ lại cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định dự án. Như vậy, Trung Nam Group phải trình mọi thiết kế và vấn đề phát sinh dự án qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đúng theo phân công chức năng của Chính phủ, văn bản pháp lý và hợp đồng. Trung Nam Group nói việc Liên danh tư vấn giám sát hợp đồng cho rằng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không có thẩm quyền trong các quyết định thay đổi vật tư là thiếu cơ sở.

Tiềm ẩn hiểm họa khi dừng dự án

Trung Nam Group lý giải dự án ngưng hoạt động từ tháng 4 không phải do doanh nghiệp sử dụng thép Trung Quốc. Nguyên nhân do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Sài Gòn đã dừng giải ngân cho dự án. Đồng thời, dự án ngưng do Liên danh tư vấn giám sát của dự án tự xác nhận giá trị hoàn thành nhưng trong văn bản xác nhận thường kèm theo các ý kiến và khuyến cáo thiếu cơ sở.

“Khi UBND TP.HCM dừng giải ngân, chúng tôi cũng có văn bản báo cáo UBND TP.HCM tạm dừng dự án để chờ thành phố giải quyết”, ông Nguyễn Tâm Tiến nói.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ nếu dừng sai thời điểm có thể gây sạt lở. Ảnh: Trung Nam Group.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm chống ngập nước thành phố, cho biết các dự án BT thì không áp đặt, chỉ định nhà sản xuất dùng thép loại nào. Thép sử dụng thi công phải đảm bảo đúng chỉ tiêu công trình, phù hợp các yêu cầu trong bảng hồ sơ thiết kế. Việc dự án chậm tiến độ cũng khiến cuộc sống người dân ở các vùng thấp trũng đang bị ảnh hưởng triều cường nặng nề.

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Long, Chủ nhiệm thiết kế dự án chống ngập 10.000 tỷ, cho biết không có chuyện đổi thép từ G7 sang Trung Quốc. Trong hồ sơ thiết kế bản vẻ thi công công trình vốn Nhà nước không được ghi xuất xứ vật liệu thép mà chỉ cần thép đáp ứng đúng tiêu chuẩn vật lý, cơ khí, hóa tính là sử dụng.

Theo ông Long, dự án này là công trình thủy lợi lớn nhất ở Việt Nam xây dựng trên nền đất yếu, chống thủy triều ngập. Cho nên dự án dừng thi công cũng phải có điểm dừng hợp lý. Nếu đào móng dưới nước để lâu không đổ bê tông có thể gây sạt lở.

“Cống Phú Định đang dừng hoạt động, công trình này đã đào móng nhưng chưa hoàn thành việc được đổ bê tông; vì vậy nó có nguy cơ sập móng. Nếu sập, sẽ ảnh hưởng người dân ở khu vực trên rất lớn. Nếu sửa lại thì tốn kinh phí rất nhiều, khó khăn”, ông Long cảnh báo.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích