|
Một người đàn ông đi qua tấm biển tại hội nghị Vành đai và Con đường ở Hong Kong, Trung Quốc vào tháng 5/2016. Ảnh: Reuters. |
Nhằm đẩy lùi những chỉ trích từ quốc tế cho rằng mô hình kinh tế của Bắc Kinh đang đe dọa và bóp nghẹt các quốc gia khác bằng những khoản nợ mà họ không thể chi trả, truyền thông nhà nước cũng như giới chức Trung Quốc gần đây liên tục đề cao ý nghĩa địa chính trị mà sáng kiến "Vành đai, Con đường" mang lại, thay vì nhấn mạnh mục tiêu phát triển bền vững và tạo ra việc làm, theo South China Morning Post.
Tuy nhiên Ray Washburne, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Công ty Đầu tư Tư nhân Nước ngoài (OPIC) của Mỹ, hôm qua cho rằng Trung Quốc dường như không có ý định thay đổi mục tiêu mà họ đặt ra từ đầu. OPIC là một cơ quan liên chính phủ thu hút vốn tư nhân Mỹ đổ vào những dự án phát triển ở nước ngoài dưới hình thức các khoản vay hay đầu tư.
"Tôi chưa nhìn thấy sự thay đổi", Washburne nói. "Trung Quốc không tham gia để giúp đỡ nước khác mà chỉ muốn nắm giữ tài sản của họ".
Washburne đưa ra bình luận trên trong buổi nói chuyện với phóng viên tại trụ sở OPIC ở Washington, gần 5 năm sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố sáng kiên "Vành đai, Con đường" với mục tiêu xây dựng liên kết kinh tế, chính trị và văn hóa trong và ngoài châu Á thông qua đầu tư chính phủ.
Chủ tịch OPIC cảnh báo Trung Quốc thực chất muốn biến các quốc gia rót tiền đầu tư thành con nợ, sau đó yêu cầu những nước này thế chấp "các mỏ khoáng sản quý, tài nguyên hiếm hay những tài sản tương tự" làm "vật đảm bảo".
Theo giới quan sát, thực trạng trên bắt đầu được chú ý tới hồi tháng 12 năm ngoái, sau khi Trung Quốc lấy một cảng quan trọng của Sri Lanka vì họ không thể trả các khoản nợ Bắc Kinh cho vay để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Theo VNE