Thủ tướng: "TP.HCM phải so sánh với Hong Kong, Singapore để phát triển"

Thứ bảy, 12/01/2019, 21:29
Người đứng đầu Chính phủ nói rằng trung ương sẽ phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho thành phố để chủ động thực hiện các nhiệm vụ và phát triển.

Chiều 12/1, phát biểu kết luận buổi làm việc kéo dài gần 6 tiếng giữa Trung ương với TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận kết quả mà thành phố đã đạt được trong năm qua, trong đó có thành quả thu ngân sách vượt chỉ tiêu, lên đến gần 380.000 tỷ đồng.

Thủ tướng đánh giá thành phố vẫn còn dư địa để phát triển, do vậy Trung ương, Chính phủ cần tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để thành phố tiếp tục phát triển mạnh hơn, tiếp tục bứt phá với tinh thần "cả nước vì TP.HCM, TP.HCM vì cả nước".

Đối với các kiến nghị của TP.HCM, người đứng đầu Chính phủ cơ bản thống nhất, đồng thời giao cho các bộ ngành cùng thành phố tập trung tổ chức thực hiện có kết quả. Riêng những đề xuất có tính đặc thù mà quy định pháp luật chưa quy định đầy đủ, thành phố cần xây dựng đề án trình Trung ương, Chính phủ xem xét, quyết định để triển khai.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với TP HCM. Ảnh: Trung Sơn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với TP.HCM. Ảnh: Trung Sơn.

Về lo ngại thành phố đang bị tụt lại so với các đô thị lớn trong khu vực về kinh tế, năng lực cạnh tranh và chất lượng sống, người đứng đầu Chính phủ nói rằng Trung ương luôn tin tưởng TP.HCM sáng tạo, vượt khó. Chính phủ sẽ phân cấp, phân quyền mạnh hơn để thành phố chủ động thực hiện các nhiệm vụ kịp thời, có kết quả. "Vì vậy TP.HCM phải so sánh với Thượng Hải, Hong Kong, Singapore để định hướng phát triển, chứ không so với các thành phố trong nước".

Thủ tướng cũng lưu ý TP.HCM tập trung đẩy mạnh đầu tư các dự án trọng điểm vì kéo dài nữa sẽ làm chậm phát triển, giảm niềm tin của người dân; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp; cân nhắc kỹ trong trường hợp dừng chủ trương, thu hồi dự án đầu tư để tránh gây ảnh hưởng môi trường đầu tư, quyền lợi của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài...

Nhìn nhận tình hình tội phạm ở TP.HCM còn diễn biến phức tạp; trộm cắp, cướp của, giết người, tội phạm công nghệ cao, ma túy khiến người dân bất an... Thủ tướng yêu cầu thành phố phải quyết liệt trấn áp, giải quyết căn cơ để giữ bình yên cho người dân.

Đối với vấn đề Thủ Thiêm, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thành phố cần tiếp tục nỗ lực giải quyết rốt ráo, có kết quả, sớm kết thúc việc này để dành công sức lo các việc khác. "Những vấn đề chưa có sự đồng thuận, cần tích cực đối thoại để tìm lối ra, đưa quỹ đạo của TP.HCM vào phát triển mạnh mẽ", Thủ tướng nói.

Trước đó, UBND TP.HCM đã gửi đến Thủ tướng 35 kiến nghị và đề xuất để tháo gỡ các vướng mắc cũng như giải quyết các vấn đề đang gặp khó khăn về: đầu tư, du lịch, xây dựng, giao thông...

Riêng vấn đề Thủ Thiêm thành phố kiến nghị 3 vấn đề: ủy quyền cho Bộ Xây dựng phê duyệt phạm vi, ranh giới, diện tích khu vực 4,3ha (đã được xác định ngoài ranh) để thành phố triển khai các chính sách đền bù, hỗ trợ cho 321 hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong người dân.

Thành phố tiếp tục triển khai dự án khu chức năng 2A tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với quy mô từ 10 lô đất (tổng mức đầu tư 2,1 tỷ USD) giảm xuống quy mô 6 lô đất (tổng mức đầu tư dự kiến 900 triệu USD). Lý do giảm vì các lô đất còn lại đang vướng giải phóng mặt bằng (Dòng Mến Thánh giá và Nhà thờ Thủ Thiêm). Đồng thời, cho thành phố rút gọn từ 7 xuống còn 4 nhà đầu tư thuộc Tập đoàn Lotte thực hiện dự án.

UBND thành phố cũng muốn được đàm phán với nhà đầu tư để không thực hiện thanh toán và mua lại quỹ nhà tại dự án đầu tư xây dựng 1.330 căn hộ khu 38ha phường Bình Khánh, quận 2 (nằm trong Chương trình 12.500 căn hộ tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm). Thay vào đó, thành phố đề xuất để chủ đầu tư tiếp tục phát triển dự án trên khu đất giao mặt bằng với mục tiêu xây dựng nhà ở thương mại, thành phố sẽ xác định giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường, phù hợp mục đích sử dụng đất để thu tiền sử dụng đất đối với khu đất đã giao.

Tham dự buổi làm việc hôm nay còn có ông Trần Quốc Vượng (Thường trực Ban Bí thư), Võ Văn Thưởng (Bí thư trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo), Trương Hòa Bình (Phó Thủ tướng Thường trực) cùng lãnh đạo các bộ, ngành, ủy ban của Quốc hội...

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích