Philippines bất ngờ muốn bỏ hiệp ước đồng minh với Mỹ

Thứ sáu, 11/01/2019, 17:02
Philippines vừa bất ngờ kêu gọi đánh giá lại Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) năm 1951 – nền tảng cho mối quan hệ đồng minh chiến lược Mỹ - Philippines. Giới quan sát cho rằng hiệp ước này nếu bị loại bỏ sẽ có tác động rất lớn đến tình hình khu vực, trong đó có tranh chấp trên Biển Đông.

Binh lính Mỹ và Philippines trong một đợt tập trận chung. (Ảnh: Reuters)

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, một cựu tùy viên quốc phòng Philippines ở Mỹ, đang đi đầu trong nỗ lực kêu gọi đánh giá lại hiệp ước tạo nên quan hệ đồng minh lâu nhất ở châu Á giữa Mỹ và Philippines.

Thông tin bất ngờ này được thông báo không lâu sau khi bộ chuông Balangiga mà quân Mỹ mang về như một chiến lợi phẩm cách đây hơn 1 thế kỷ được trả lại cho Philippines. Hành động này được cho là có ý nghĩa biểu tượng nhằm chuộc lại những tội ác mà Mỹ gây ra trong thời kỳ chiếm Philipines làm thuộc địa.

Theo các nhà phân tích, hành động mang ý nghĩa biểu tượng này sẽ giúp quan hệ Mỹ - Philippines được củng cố sau một thời gian khá dài trục trặc dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte.

Tuy nhiên, ông Lorenzana vừa công khai chỉ trích Mỹ là “vòng vo” trong hiệp ước này.

Trong MDT có đoạn: “Mỗi bên thừa nhận rằng một vụ tấn công vũ trang trên Thái Bình Dương vào bên kia sẽ gây nguy hiểm cho hòa bình và an toàn của bên còn lại, và tuyên bố rằng mỗi bên sẽ hành động để đối phó với những mối đe dọa chung theo cách phù hợp với các quy trình Hiến pháp”.

Điều này có nghĩa là Mỹ phải được Quốc hội nước này chấp thuận nếu có bất kỳ cuộc can thiệp quân sự lớn nào trên danh nghĩa của Philippines. Nhưng câu hỏi lớn hơn được đặt ra là Hiệp ước này được áp dụng trên quy mô như thế nào.

Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, Mỹ nói rằng Hiệp ước đồng minh của họ với Nhật Bản bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản đang tranh chấp với Trung Quốc.

Hiệp ước an ninh 1951 giữa Nhật và Mỹ tuyên bố rằng “Lực lượng mặt đất, trên trời và trên biển của Mỹ...có thể được sử dụng để đóng góp cho việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế ở Viễn Đông và cho an ninh của Nhật Bản trước các cuộc tấn công vũ trang”.

Nhưng Hiệp ước đồng minh Mỹ - Philippines hay các tuyên bố ngoại giao của Washington không khẳng định sự bảo đảm tương tự như vậy cho Philippines.

Khi được hỏi liệu Mỹ cho bảo vệ Philippines nếu nước này xung đột với Trung Quốc trên Biển Đông hay không, ông Obama năm 2014 cảnh báo về sự điên rồ khi đi đến chiến tranh vì “những tảng đá”.

Hai năm trước đó, Washington từ chối can thiệp quân sự khi Philippines và Trung Quốc đối đầu nhau nhiều tháng trời ở bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc đến nay vẫn chiếm đóng trái luật quốc tế.

Một số ý kiến hoài nghi rằng MDT có từ thời Chiến tranh Lạnh này có còn phù hợp với các thực tế địa chính trị hiện tại.

“Khi Hiệp ước được đàm phán, Chiến tranh Lạnh đang diễn ra. Những liệu chúng ta ngày nay có còn Chiến tranh Lạnh? Nó có còn phù hợp với an ninh của chúng ta nữa không? Có thể không”, ông Lorenzana nói tại một cuộc họp báo cuối tháng 12 vừa qua. Ông thậm chí còn nêu ra khả năng hủy bỏ hoàn toàn Hiệp ước nếu nó không còn cần thiết nữa.

Một số nhân vật thân Trung Quốc ở Manila có thể cho rằng diễn biến này cho thấy quan hệ Mỹ - Philippines đi xuống, so với quan hệ Philippines – Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, việc Philippines đòi xem xét lại hoặc hủy bỏ Hiệp ước cũng có thể là cơ hội thúc ép Mỹ tăng thêm nghĩa vụ theo Hiệp ước với Philippines để phù hợp hơn với những thực tế và rủi ro địa chính trị ngày nay, đó là sự trỗi dậy của Trung Quốc và vai trò suy giảm của Mỹ ở khu vực.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích