TP.HCM sẽ là đại đô thị tầm cỡ thế giới

Thứ năm, 07/02/2019, 10:48
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), đã nhận định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên vào đầu năm 2019

Cần những cải cách đột phá

Thưa ông, với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP.HCM năm 2018 đạt mức tăng trưởng 8,3% so với năm trước (tương đương hơn 1,33 triệu tỉ đồng). Là nhà nghiên cứu kinh tế, ông có bình luận gì?

- TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG: Trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh khu vực và quốc tế diễn biến vẫn phức tạp, khó lường mà kinh tế trong nước tiếp tục tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới, khu vực thông qua những hiệp định đối tác chiến lược đa phương, song phương… thì mức tăng trưởng đó không phải là thấp. Song, mức tăng trưởng của TP.HCM vẫn có thể tốt hơn so với năng lực nội tại của một địa phương vốn là một cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính, khoa học - công nghệ, một "nam châm" mạnh có khả năng thu hút nguồn lực đầu tư, nhân lực chất lượng cao...

TP HCM sẽ là đại đô thị tầm cỡ thế giới - Ảnh 1.

TS Nguyễn Đình Cung Ảnh: PHƯƠNG NHUNG

Kỳ vọng về tăng trưởng của TP.HCM, với tư cách đầu tàu kinh tế trong nước, một TP hiện đại, có tầm cỡ trên thế giới, nên đặt ra ở mức 10%. Khi đặt ra mục tiêu lớn, cách nghĩ, cách làm sẽ khác.

Như ông vừa nói, kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, vì thế việc có đạt được mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững hay không còn phụ thuộc các yếu tố bên ngoài?

- Đúng là yếu tố bên ngoài có tác động không nhỏ nhưng là trong ngắn hạn. Để có được mức tăng trưởng bền vững 9%-10% trong dài hạn thì phải do yếu tố nội tại quyết định. Muốn vậy, cần có những cải cách đủ mạnh, đột phá.

Nhìn vào cơ cấu tăng trưởng của TP.HCM, có thể thấy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang diễn ra đúng hướng với giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn trong tổng sản phẩm địa phương. Tỉ trọng đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) cũng vượt chỉ tiêu và có xu hướng tăng dần qua từng năm, cho thấy nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư và hiệu quả của các chương trình khuyến khích DN và người dân đổi mới, sáng tạo, đầu tư mua sắm trang thiết bị, công nghệ hiện đại, tăng năng suất lao động… Năng suất lao động có tốc độ tăng cao, từ mức tăng 5,9% năm 2015 lên 6,9% năm 2017; hệ số đầu tư (ICOR) có xu hướng giảm đã củng cố thêm nhận xét này.

Tuy nhiên, nhìn vào "bản đồ" kinh tế của TP.HCM, tôi cho rằng dù các lĩnh vực chủ đạo đã được xác định đúng và trúng song phân bổ nguồn lực lại chưa tương xứng. Khoảng phân nửa nguồn lực đang dồn vào bất động sản, trong khi một tỉ lệ không nhỏ bất động sản vẫn tồn tại dưới dạng tài sản đầu cơ chứ chưa được vốn hóa để biến thành nguồn lực cho đầu tư phát triển. Bảy chương trình đột phá cũng tương tự, đều hết sức cần thiết nhưng phần lớn là để giải quyết những khó khăn trước mắt trong công tác vận hành một đại đô thị. Việc nâng trình độ phát triển của TP lên tầm cao mới về chất chắc chắn vẫn là một thách thức lớn trong những năm tới.

Khơi thông các nguồn lực

Ông có những khuyến nghị gì về giải pháp "đột phá" thực sự cho TP.HCM?

- TP.HCM đã có sẵn những điều kiện tiên quyết để phát triển nhanh và bền vững, trở thành một trong những đô thị tầm cỡ thế giới. Đó là cơ sở hạ tầng tốt, là thị trường hoàn chỉnh nhất, nơi có lực lượng kinh tế tư nhân mạnh mẽ nhất. Bên cạnh đó, khung khổ pháp lý hiện nay cho cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng đã tương đối đầy đủ, thông thoáng. Các thế hệ lãnh đạo của TP.HCM có truyền thống tư duy khoáng đạt, tiên phong trong cải cách. Nhiều bài học thực tiễn của TP.HCM trước đây đã được tổng kết, đúc rút thành kinh nghiệm tốt cho cả nước. TP.HCM hoàn toàn có khả năng xây dựng được một nền kinh tế thị trường lành mạnh, tạo sức lan tỏa cho cả vùng, cả nước.

Như đã nói, nguồn lực khổng lồ "ẩn" trong bất động sản tại TP.HCM là rất lớn, cần tìm cách khơi dòng để đưa vào phát triển. Cơ sở hạ tầng xuất nhập khẩu quy mô lớn và hiện đại nhất nước của TP.HCM cần tiếp tục được hoàn thiện, tăng tính kết nối, tối ưu hóa hoạt động để giảm chi phí logistics cho DN. Cần nhớ rằng gần 1/2 lượng hàng hóa của cả nước xuất khẩu qua các cửa khẩu của TP.HCM. Các yếu tố khác giúp hình thành môi trường kinh doanh cần được soát xét, các điều kiện kinh doanh bất hợp lý cần được kiến nghị bãi bỏ. Kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ cần được siết chặt; những ai dung túng, tiếp tay cho sai phạm của các nhóm lợi ích thì phải kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy.

Đặc biệt, với thế mạnh về đội ngũ nhân lực kinh tế số hùng hậu, nhiều người trong số này đang làm việc cho các tập đoàn hàng đầu thế giới, TP.HCM cần tạo ra môi trường tốt nhất cho nghiên cứu đổi mới sáng tạo - một hệ sinh thái thật sự cho kinh tế số.

TP.HCM đã phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án "Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025" cùng với việc thực hiện hoàn thiện xây dựng Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36a của Chính phủ; thí điểm chuỗi Công viên Phần mềm Quang Trung - mô hình liên kết chuỗi công viên phần mềm đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai trong giai đoạn 2016-2020… Đó là những tiền đề rất tốt.

Song, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo hiện nay chủ yếu mới tập trung vào thương mại điện tử, công nghệ thông tin do các lĩnh vực này chi phí đầu tư không lớn, thời gian ươm tạo ngắn, có khả năng thu hồi vốn và thoái vốn nhanh. Trong khi đó, kinh tế số là phạm trù rộng lớn hơn nhiều, "thấm" đến mọi ngõ ngách của nền kinh tế. Kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo còn thiếu đồng bộ, chưa được đầu tư đúng mức. Nếu có được sự liên kết để nhân lên sức mạnh của mạng lưới tổ chức khoa học - công nghệ, các trường đại học… thì sẽ xây dựng được môi trường sinh thái rất tốt cho những ý tưởng ra đời và nhanh chóng đi vào sản xuất - kinh doanh.​

Sự liên kết này, trong nền kinh tế số nói riêng và hầu hết các vấn đề kinh tế - xã hội khác nói chung, không nên bị hạn chế bởi địa giới hành chính. Với thế mạnh là trung tâm công nghệ cao, trung tâm tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, TP.HCM cần làm tốt hơn nữa vai trò "hạt nhân", thu hút và tổ chức các vệ tinh cung cấp sản phẩm hỗ trợ từ các tỉnh, thành trong vùng TP.HCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Như vậy hẳn sẽ có những vấn đề nằm ngoài tầm giải quyết của địa phương?

- TP.HCM đã có 2 công cụ pháp lý rất mạnh: Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 và Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Những vấn đề khác, nếu có, cần phát hiện, kiến nghị ngay để kịp thời giải quyết theo đúng tinh thần kiến tạo của Chính phủ.

Cùng với nỗ lực của chính quyền nhằm tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn, vai trò dẫn dắt thị trường của các DN, doanh nhân có năng lực, có tinh thần dám nghĩ, dám làm cũng là điều kiện không thể thiếu. Tôi nghĩ nếu phối hợp nhịp nhàng được như thế thì mức tăng trưởng 10% đối với TP.HCM là rất khả thi.

Xin cảm ơn ông!

Tăng trưởng của TP.HCM nên đặt ra ở mức 10%. Khi đặt ra mục tiêu lớn, cách nghĩ, cách làm sẽ khác.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích