Ngày 28/4/1984, quân Trung Quốc sau một thời gian củng cố lực lượng sau thất bại tại cuộc chiến tranh 17/2/1979, đã lại tràn sang địa phận tỉnh Hà Giang, khốc liệt nhất diễn ra ở địa phận biên giới huyện Vị Xuyên. Bộ đội ta, đa số là lính trẻ, đã anh dũng chiến đấu với một tinh thần quyết tử bảo vệ phên dậu Tổ quốc, khiến quân địch phải chùn bước khiếp sợ. Cuối năm 1989, Trung Quốc chính thức rút quân ra khỏi các cao điểm tranh chấp ở biên giới Hà Giang.
Nhắc lại cuộc chiến, bên cạnh tinh thần chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ bộ binh, chiến sĩ vận tải, thông tin… không thể không nhắc đến vai trò to lớn của pháo binh. Mặc dù còn thiếu thốn trăm bề, gian lao khổ ải, nhưng lực lượng pháo binh Việt Nam luôn là nỗi khiếp đảm thường trực của những kẻ xâm lược.
Nói đến câu chuyện đấu pháo trong cuộc chiến 1984-1989 ở Vị Xuyên, Hà Giang, Đại tá Nguyễn Kim Chung, nguyên Chỉ huy Phó Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang tâm sự, hồi đấy khi chiếm được những điểm cao, quân Trung Quốc đã làm đường vào tận nơi, đưa một lực lượng pháo rất mạnh vào bảo vệ các vị trí chiếm đóng trái phép trên lãnh thổ Việt Nam. Trong chiến đấu, ta bắn một thì chúng bắn mười, pháo kích nhả đạn sáng rực trời đêm, cày xới từng mét đất, từng trận địa của ta. Chúng bắn kiểu nhà giàu không tiếc của.
Cựu binh Đặng Việt Châu, nguyên sĩ quan cao cấp của Sư đoàn 356 trong Mặt trận Vị Xuyên chia sẻ, dù pháo Trung Quốc bắn sang trận địa mình với một lượng đạn pháo khổng lổ, nhưng hiệu quả thì không bằng pháo binh Việt Nam. Những trận địa pháo của ta đã trở nên kinh hoàng đối với giặc, bởi khả năng bắn cực kỳ chính xác và độ sát thương cao.
Cựu binh Đặng Việt Châu |
Mới đây nhất, chúng tôi đã nhận được hồi ký của Thượng tá Nguyễn Hữu Hoạch, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 4, Đài trưởng Đài chỉ huy Tiểu đoàn 11, Trung đoàn pháo binh 457 trong cuộc chiến tại Hà Giang 1984-1989. Ông Hoạch vẫn còn tại ngũ, và trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, ông không bao giờ quên cuộc đấu pháo tại điểm cao A6B hồi giữa năm 1985.
Theo ông Hoạch, cuộc chiến trên A6B là cuộc đụng độ quyết liệt và cam go nhất trong cuộc chiến tại Mặt trận Vị Xuyên thời điểm đó. Một bên cố sống, cố chết xông lên hòng tái chiếm, một bên bằng mọi giá giữ từng mét đất thiêng liêng của Tổ quốc đã thu hồi lại được. Và cuối cùng sau 13 ngày giằng co ác liệt, chiến thắng đã thuộc về chính nghĩa.
Ký ức A6B là một lát cắt, không phản ánh được đầy đủ hoàn toàn về câu chuyện đấu pháo ở Mặt trận Vị Xuyên, tuy nhiên, nó cũng cho thấy được tinh thần chiến đấu dũng cảm, lối đánh đầy linh hoạt và mưu trí của các chiến sỹ thuộc lực lượng pháo binh Việt Nam trong chiến tranh biên giới phía bắc. Chúng tôi xin trích đăng lại hồi ký của Thượng tá Nguyễn Hữu Hoạch:
Một ngày cuối tháng 5/1985, đơn vị tôi nhận nhiệm vụ: Sẵn sàng chi viện hỏa lực cho Trung đoàn bộ binh 982 tiến công địch trên điểm cao có ký hiệu là A6B. Ngày giờ tiến công, mục tiêu đảm nhiệm, cấp trên sẽ thông báo sau để đảm bảo tuyệt đối bí mật.
Điểm cao A6B là một trong 2 mỏm của điểm cao có ký hiệu mặt trận là A6. Trong đó A6A do ta phòng ngự , A6B địch đã lấn chiếm và tổ chức một đơn vị đóng giữ ở đó.
Điểm cao A6 nằm ở phía Đông dãy 400. Cách khoảng 300 mét, phía trước theo hướng Bắc là điểm cao A5 do địch chiếm đóng. Chếch về phía Đông là Đồi Đài do ta phòng ngự. Phía Tây A6A tiếp giáp là A6B, từ A6A xa về hướng Tây, trên sườn Đông của dãy 400 là một số điểm cao khác như đồi Cây Khô, phía sau là đồi Cây Si, đồi Cây Gạo… Do đã ở lâu trên khu vực này, lại bắn nhiều trong những trận đánh trước, chúng tôi đã nắm rất chắc địa hình.
Chỉ ít phút nữa là đến giờ nổ súng, lúc này trên khu vực tác chiến, các mục tiêu bắn, khu 400 đã dần hiện ra. Cả tổ đài căng mắt quan sát tín hiệu của trận đánh.
Cựu binh Kiều Hữu Hoạch |
Rồi cái thời khắc quan trọng cũng đến. Cả một vùng từ Đông sông Lô sang Tây sông Lô, những ánh chớp của pháo sáng rực một góc trời, tiếng đạn rít veo véo qua đầu cứ như đàn ong vỡ tổ. Pháo binh Việt Nam đồng loạt bắn cấp tập vào những mục tiêu đã định, những quả đạn ĐKZ, B41 đỏ rực, liên miên kéo dài lao lên mỏm A6B.
Chỉ chưa đầy 20 phút sau, cả phía Đông chân điểm cao 400 mịt mù chìm trong khói đạn. Một chiến sỹ thông báo: đơn vị bạn đã làm chủ trận địa, pháo binh tạm ngừng sẵn sàng đánh địch phản kích.
Cùng lúc đó, các trận địa bắn thẳng của quân Trung Quốc bên sườn điểm cao 1250, trên A5 bắn ác liệt vào điểm cao A6, Đồi Đài, 673, 812, ngã ba Thanh Thủy… Chẳng còn phân biệt đâu là đạn ta đâu là đạn địch. Bỗng một trinh sát pháo binh gọi lớn: “Anh ơi, cấp trên yêu cầu “Treo phong lan Bắc Cây Khô”. Đây là một mật lệnh về cách đánh của lực lượng pháo.
Chúng tôi quay máy quan sát về phía Bắc đồi Cây Khô, căng mắt cũng chỉ thấy một màu xanh của rừng cây rậm rạp. Lát sau một tràng lửa đạn dài từ trên A6A ụp thẳng xuống khu vực cây xanh rậm rạp đó.
Những thân cây đổ gục, cả khu vực bị phát quang dần, lộ rõ những giao thông hào bí mật mà trước đến giờ quân địch vẫn dùng để cơ động quân ra các chốt phía trước của chúng. Những xác địch bị đền tội nằm la liệt đổ gục bên thành hào. Cái hào này trông thế nhưng rất nông, chỉ bằng nửa thân người và chủ yếu được xếp bằng các bao tải đất. Có lẽ quân Trung Quốc khá chủ quan khi nghĩ rằng sẽ được ngụy trang và che chở bởi rừng cây rậm rạp. Ai ngờ chỉ mỗi 1 loạt pháo chính xác bắn thẳng vào mục tiêu, tất cả đã phơi bày.
Có tiếng của liên lạc viên vang lên: “Cấp trên ra lệnh tạm ngừng, đây là cổng chính, khi nào thấy khách đến thăm thì tiếp tục đón tiếp”.
Cả một vùng lòng chảo ở Vị Xuyên bỗng im ắng lạ thường, không một tiếng súng bộ binh, không một tiếng pháo. Chúng tôi biết rằng đây là trường hợp lạ báo hiệu một cuộc chiến đấu ác liệt sắp bắt đầu.
Cầm thanh lương khô, tự nhiên dạ dày đã sôi lên ùng ục. Tôi vừa ăn vừa nhìn về phía sườn Bắc A6, mới đấy thôi, qua mấy loạt pháo của cả 2 bên mà đã trắng như vôi, không biết cái sườn này đã hứng bao nhiêu viên đạn bắn thẳng và các loại đạn pháo, cối các cỡ? Không biết trên cái mỏm này ta còn làm chủ không?
Tôi quay sang bảo với cậu liên lạc tên Hân: “Ông mở máy dò sóng đơn vị của ta trên A6 xem thế nào”. Mở máy dò một lúc, Hân bỏ tai nghe ra và bảo: “Vẫn còn bác ạ!”.
Nghe vậy tôi thở phào nhẹ nhõm, thật kính phục các đồng đội, đơn vị bạn đã làm nên chiến thắng có ý nghĩa rất lớn trên mặt trận lúc bấy giờ. Rồi bỗng từ đâu hơn hai chục con quạ đen bỗng bay vút lên bầu trời, kêu chí chóe. Loài quạ này lần đầu tiên tôi được nhìn thấy, còn trên sách vở thì đã được biết từ hồi còn đi học.
Đang miên man suy nghĩ thì lão Luân trinh sát giật mạnh vào vạt áo, bảo vào hầm ngay, trận địa H12 của quân Trung Quốc phía bên kia đã khai hỏa. Trận địa này chúng tôi đã trị nó nhiều lần mà sao nó vẫn còn hoạt động được nhỉ?
Chiến địa xưa giờ núi rừng đã phủ xanh. |
Tôi vừa vào hầm, thì mấy giây sau đã có hàng loạt tiếng nổ ở các đỉnh. Lòng chảo Thanh Thủy lại ầm ầm trong tiếng nổ của các loại đạn pháo, đạn cối của địch. Lần này chúng không bắn vào đài quan sát nữa mà dồn tất cả mọi tức tối vào các trận địa pháo Việt Nam, trong đó có trận địa của chúng tôi.
Pháo địch đã chuyển làn, khu A6 vẫn mịt mù trong khói đạn, bụi đá, đã có tiếng súng bộ binh vang lên. Tôi lệnh cho các đồng đội quan sát, nạp đạn: “Trận địa pháo chờ lệnh”.
Khói dần tan đi. Kia rồi! thấp thoáng bóng những tên địch di chuyển ẩn hiện theo 2 hướng: từ điểm cao A5 sang và từ đồi Cây Khô xuống. Riêng đồi Cây Khô đã bị pháo của ta dọn quang từ trước, ngổn ngang cây đổ, không còn rậm rạp. Tôi nhanh chóng nhận ra chúng đã thay đổi chiến thuật, không dám dùng lực lượng đông để tiến công lên A6B theo kiểu “lấy thịt đè người” nữa, mà dùng từng tổ nhỏ liên tục đánh lên. Có lẽ, chúng đã quá khiếp hãi khả năng bắn chính xác gần như tuyệt đối của pháo binh Việt Nam.
Điểm cao A5 nằm cách A6 khoảng 300 mét về hướng Bắc, cách nhau một khe núi có một khoảng trống khá bằng phẳng. Quân Trung Quốc rất sợ khi phải vượt qua khoảng trống này để đánh lên A6. Theo hướng pháo bắn của chúng tôi, điểm A6B hơi chếch về phía trái và cao hơn một tý, nếu bắn chặn trước A5, đạn sẽ tản mát rơi vào Đồi Đài và A6, nơi có bộ đội ta, vì vậy mà chúng tôi không dám bắn vào đó. Chúng tôi bắn đều đặn, nhịp nhàng tạo thành bức tường lửa vô hình chặn đứng địch ở khe núi giữa đồi Cây Khô và 400.
Phía bên kia, pháo của Tiểu đoàn 10 (Trung đoàn pháo binh 457) đã phối hợp lên tiếng, từng loạt đạn chính xác rót xuống điểm A5. Chỉ một lát, tiếng súng bộ binh thưa thớt rồi im lặng dần, thỉnh thoảng mới có tiếng lựu đạn nổ, pháo địch cũng ngừng bắn. Có thể thấy, một đợt tiến công nữa của quân Trung Quốc lên điểm cao A6B đã thất bại thảm hại.
Thời gian trôi qua thật nhanh, mới đấy mà trời đã nhá nhem tối. Lệnh cho cả tổ đài quan sát rút xuống khu vực ngủ nghỉ để ăn cơm, còn lại mỗi minh tôi ở vị trí trực chiến. Từ sáng sớm đến giờ mới có được giây phút thảnh thơi. Nhìn xuống thấy lòng chảo chỉ còn mờ mờ, đâu đó thỉnh thoáng có tiếng AK vọng về.
Những đồng đội khác đã ăn tối xong, mò mẫm theo các khe đá đi lên thay thế. Tôi đang lọ mọ tìm đường để xuống nơi ngủ nghỉ, qua võng của Tham mưu trưởng tên Điều thì ông gọi giật lại dặn dò:
“Vừa nhận được thông báo của cấp trên, đơn vị bạn tiến công A6B giành thắng lợi giòn giã, đây là chiến thắng rất có ý nghĩa với mặt trận, các đồng đội đang giải quyết hậu quả sau trận đánh. Trận thua đau này, theo nhận định, sẽ khiến quân Trung Quốc bằng mọi giá phản kích hòng chiếm lại, cho nên chưa kết thúc đâu, còn kéo dài. Cậu phải luôn túc trực tại đài quan sát, khi có tín hiệu hợp đồng hoặc phát hiện được địch phải chủ động nổ súng không cần báo cáo…”.
Gùi nước lên trận địa (Ảnh tư liệu) |
Tôi tiếp tục xỏ giày, lên chỗ ở của Sở chỉ huy Lữ pháo binh 168, ở đó đã có mấy bác cao tuổi ngồi sẵn, gồm cả Lữ trưởng và các tiểu đoàn trưởng, chủ nhiệm trinh sát, chắc là vừa họp rút kinh nghiệm trận đánh xong. Hai đơn vị pháo của mặt trận ngồi hàn huyên, quyết tâm chặn địch để bảo vệ điểm cao A6B vừa mới thu hồi lại được.
Mấy anh em nhanh chóng vận động theo các khe đá quan sát để lên vị trí chỉ huy, đến nơi thì đã nghe báo cáo: “Có tiếng AK, lựu đạn nổ và cối loại nhỏ bắn vào khu 6B”. Chúng tôi nhận định, có thể quân Trung Quốc mò ra lấy xác đồng bọn, hoặc bọn trinh sát của chúng tiến sang điều tra quân ta, sau một ngày bị bão lửa kinh hoàng dội thẳng xuống đầu.
Tôi bảo với cậu Hân liên lạc tiếp tục dò sóng trên 6B xem đơn vị của bạn đang như thế nào. Lúc sau, Hân đưa tai nghe, tôi nghe hai “ông tướng” bên kia đang nói chuyện, lại còn hát cho nhau nghe nữa chứ!. Như vậy, quân Trung Quốc không tiến công vào giữa đêm bởi vì lính thông tin trên đó vẫn nói chuyện bình thường.
Nơi chúng tôi đặt đài được chia làm 2 khu, một khu vực để nấu ăn và những ai không phải trực thì xuống nghỉ ngơi. Đây là khu các tổ đài thường lợi dụng các hang đá nhỏ, các hốc, vách đá phía sau để sinh hoạt hàng ngày. Còn vị trí quan sát được đặt ở phía trước, đối mặt với khu Tây sông Lô và điểm cao 1250. Đơn vị của chúng tôi ngày đó có 3 đài quan sát, đài tôi là đài chính, còn gọi là đài chỉ huy. Bên trái trên đỉnh 1013 có một đài bổ trợ do bác Tuyên trợ lý tham mưu tiểu đoàn quê ở Thanh Lãng (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) làm đài trưởng. Bên phải đảm nhiệm khu điểm cao 1030 do bác Tuân, Đại đội 4, quê Tiên Sơn, Hà Bắc làm đài trưởng.
Thông thường trong chiến đấu, chúng tôi đã có kế hoạch hỏa lực trong tay, và tùy theo tình hình thực tế để “hỏi thăm sức khỏe bọn xâm lược”. Đài tôi gần đài chỉ huy của Lữ pháo binh 168, cách nhau chưa đầy 30 mét. Ngồi trên thành công sự quan sát đến gần nửa đêm, biết địch đang giải quyết hậu quả chưa thể tiến công được, tôi quay sang đài quan sát Lữ 168 bảo tầm gần sáng thì gọi anh em dậy, rồi chìm vào trong giấc ngủ sau một ngày quá mệt mỏi.
Đơn vị pháo 105 ly của Trung đoàn 457, Sư đoàn 313 trên chiến trường Vị Xuyên. (Ảnh tư liệu ) |
Vừa chợp mắt chưa được bao lâu, thì bỗng có tiếng máy liên lạc hữu tuyến đổ dồn, và bên ngoài, ánh chớp đầu nòng lại chằng chịt trên bầu trời. Chúng tôi vừa vào vị trí quan sát thì tiếng nổ của các loại đạn pháo, đạn cối đã lại bao trùm lên A6B và các điểm cao phụ cận.
Khu 400 bụi bay mù mịt, bụi quẩn là là mặt đất, bên Lữ pháo binh 168 đã lên tiếng, họ đang thực hành áp chế các trận địa pháo Trung Quốc bằng từng loạt đạn bắn cực kỳ chính xác.
Pháo địch tiếp tục chuyển làn bắn vào Đồi Đài, dãy Đá Pháp, chân điểm cao 1013, Pha Hán và các khu vực phía sau. Đến lượt trận địa Đại đội 5 của đơn vị chúng tôi lên tiếng, tiếng đạn rít lên veo véo trên đầu, rồi những chớp đạn như ánh lân tinh nở rộ trên đồi Cây Khô.
Lần tiến công này lên A6b, quân Trung Quốc tiếp tục thay đổi chiến thuật, không từ điểm cao A5 và đồi Cây Khô đánh lên nữa, mà dùng từng tốp, từng tốp men theo khe núi giữa 400 và Cây Khô để đánh xuống, kết hợp với hỏa lực đại liên, B41 bên A5 bắn sang, và mấy khẩu pháo bắn thẳng ở sườn 1250 nhằm khống chế Đồi Đài và A6b. Mặc dù đường vận động của chúng ở Cây Khô sang A6B đã bị pháo của ta cơ bản phát quang từ mấy hôm trước, nhưng chúng lợi dụng những giao thông hào cũ, gia cố thêm bằng những bao dứa xanh, những vách đá, những cây đổ. Trong ống kính quan sát của pháo binh, quân xâm lược vẫn thoắt ẩn, thoắt hiện liều chết vận động ra đồi Cây Khô.
Theo suy nghĩ của tôi lúc đó, nếu không có đồi Cây Khô đó thì quân Trung Quốc không có vị trí nào để có thể tập kết binh linh và tấn công lên A6B được. Vừa quan sát, tôi vừa lẩm bẩm: “chúng mày không sợ chết hay sao mà cứ lối này mò lên? Ông cho chúng mày vào rọ tất!”.
Các cựu binh Trung đoàn pháo 457 tập trung ôn lại những kỷ niệm của trận đánh |
Tôi ra lệnh cứ để một khẩu bắn cầm canh vào khe núi đồi Cây Khô, còn một loạt khẩu khác cứ đợi, nếu chúng tiến công bằng lực lượng lớn, sẽ tức khắc lên tiếng.
Cũng chỉ được một lát, phía đồi Cây Khô đã trở nên im bặt tiếng súng sau những loạt đạn của pháo binh Việt Nam. Cứ mỗi quả đạn pháo rơi xuống, cả một khu vực đã được dọn dẹp sạch sẽ, không còn thấy bóng quân thù ẩn hiện nữa.
Tiếng súng nổ vẫn vang lên trên điểm cao A6 và Đồi Đài, chúng tôi biết được địch đang bắn cối cấp tập từ phía đồi Mâm Xôi. Ngọn đồi này là điểm cao, đỉnh to, tròn như mâm xôi cúng lễ, nó không có tên trên bản đồ nên mới đặt tên cho nó như thế. Nó là núi đất, nằm kẹp giữa dãy 226 và đồn công an của chúng, có thể nhận định đây là sở chỉ huy cấp trung đoàn của bọn xâm lược trên hướng này.
Lần này là nhiệm vụ của Đại đội 6 (Trung đoàn pháo binh 457, Sư đoàn 313) căn chỉnh hướng bắn và nhả đạn. Sau khi “cảnh cáo” chính xác mỗi trận địa cối của quân Trung Quốc vài loạt te tua, cũng là lúc ở khu 400, tiếng súng bộ binh đã trở nên im ắng, đơn vị tôi cũng ngừng bắn. Đợt tiến công lần này của địch quân lên điểm cao A6B đã thất bại thảm hại, A6B được giữ vững.
Có thể thấy, quân Trung Quốc đã mấy lần cố sống, cố chết xông lên hòng tái chiếm điểm cao A6B sau khi đã bị bộ đội Việt Nam thu hồi , lúc chúng lấn chiếm thời gian trước. Tuy nhiên sau 13 ngày giằng co ác liệt, chiến thắng đã thuộc về chính nghĩa. Việc đánh tan quân xâm lược ở điểm cao A6B có ý nghĩa hết sức lớn lao vào thời điểm bây giờ. Nó cổ vũ, khích lệ các chiến sỹ toàn Mặt trận Vị Xuyên, là bài học rút ra về sự phối hợp chặt chẽ giữa hỏa lực và xung lực.
Chiến thắng đã củng cố tinh thần quyết chiến quyết thẳng của bộ đội Việt Nam ở mảnh đất “phên dậu” của Tổ quốc. Và chúng ta luôn đề cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù, bảo vệ vững chắc biên cương trước sự xâm lăng của quân bành trướng phương Bắc.
(Trích từ hồi ký "Sấm sét trên điểm cao A6B" của Thượng tá Nguyễn Hữu Hoạch)
Theo VTC