Bi hài cuộc chiến chống Ama Kông giả: Nguồn gốc bài thuốc bí truyền nổi tiếng

Thứ hai, 11/03/2019, 11:51
Chưa có bài thuốc gia truyền nào bị làm giả, làm nhái tràn lan như bài thuốc tráng dương bổ thận, tăng cường sinh lực của “Vua voi Ama Kông”. Không chỉ Tây Nguyên, mà trên cả nước loại thuốc giả này nhiều năm qua vẫn được công khai bày bán khắp nơi khiến nhiều người mua rơi vào thảm cảnh tiền mất, tật mang...

Khăm Phết trong vườn cây thuốc tự trồng

Năm 1992, đại ngàn rộng lớn phía Tây tỉnh Đắk Lắk được Nhà nước khoanh vùng, thành lập Vườn quốc gia Yok Đôn có diện tích lớn nhất trong các khu rừng đặc dụng tại Việt Nam. Đây là nơi còn voi rừng nhiều nhất nước, cũng là nơi duy nhất ở nước ta có quần thể bản làng đa sắc tộc nhiều thế hệ giỏi nghề săn bắt, thuần dưỡng voi, từng mua bán voi khắp Đông Nam Á.

Bảo vật của gia tộc Vua Voi

Chỉ “Xứ Voi” mới có “Vua Voi”! Vị vua không ngai vàng nhưng rất giàu, có công xây dựng vùng Buôn Đôn trù phú bên sông Sêrêpôk là ông Y Thu Knul. Ông từng săn bắt tới hơn 400 con voi rừng, tặng bạch tượng cho Vua Thái Lan và được Vua Thái ban tước hiệu KhunJuNop, nghĩa là Vua (săn) Voi. Trong cuộc đời dài tới 110 năm, rong ruổi khắp Đông Dương để săn bắt, mua bán voi, KhunJuNop Y Thu Knul sưu tập được cả kho tri thức về cách sử dụng các loại dược liệu làm thuốc quý.

Khi “Vua Voi” Y Thu Knul từ trần vào năm 1939, đại thượng thọ 110 tuổi, người kế tục danh hiệu KhunJuNop của ông là cậu con rể Y Prung Êban, tên thường gọi Ama Kông. Sinh năm 1910, Ama Kông xứng danh “Vua Voi” với chiến tích săn bắt được 298 con voi rừng. Vì thành tích tham gia kháng chiến, tặng voi cho cán bộ chở lương thực và thương binh, Ama Kông đã được chính quyền cách mạng tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.

Vườn quốc gia Yok Đôn được thành lập, đồng nghĩa với việc đồng bào Buôn Đôn phải từ bỏ nghề săn bắt voi rừng. Năm đó Ama Kông 82 tuổi, sinh lực dồi dào, sức vóc tráng kiện đã vô cùng buồn bã vì không được vào rừng săn voi nữa, trong khi vợ đầu mất sớm, 2 vợ kế đã lần lượt tiễn chồng tay trắng ra khỏi nhà vì ông quá đào hoa.

Giám đốc đầu tiên của Vườn quốc gia Yok Đôn là kỹ sư Hồ Viết Sắc, một trí thức tâm huyết với văn hóa bản địa và gắn bó với cuộc sống buôn làng đã trân trọng mời “Vua Voi” về làm cán bộ, hưởng lương để ngày ngày ngồi trên nhà sàn Vườn quốc gia kể chuyện săn bắt voi. Du khách đến đây ai cũng thích được chụp ảnh với “Vua Voi” gân guốc lừng lững như đại thụ, đứng bên bộ dụng cụ săn bắt voi đã có từ hàng trăm năm.

Đã có lần Ama Kông vén quần lên để tôi chụp ảnh vết sẹo sâu hoắm vắt quanh đùi, dấu tích tai nạn xảy ra thời ông mới ngoài 20 tuổi, do bị dây rừng gạt văng khỏi lưng voi trong một cuộc săn. Từ trên cao, ông rơi thẳng xuống một gốc tre vạt nhọn. Cú xuyên táo đâm gãy xương đùi, vỡ xương chậu được đoàn săn cấp cứu bằng các loại cây lá hái vội, giã nát, vừa đắp cầm máu vừa uống như thuốc kháng sinh giữa rừng sâu. Vậy mà vết thương đã lành lặn, tuyệt nhiên không để lại di chứng gì trong cả quãng đời dài tới tuổi 103 của Ama Kông. Thần dược đại ngàn quả là kỳ diệu!

Từ  “Thần dược” tới“ Thần tửu”

Kỳ thú hơn nữa, là “sự tích thần tửu” mà trong những chuyến lội rừng đưa phóng viên đi thực tế viết bài về cách thức ổn định sinh kế cho cư dân cả vùng đệm lẫn vùng lõi vườn Quốc gia, ông Sắc cùng đội ngũ kiểm lâm viên của vườn đã vui vẻ kể cho tôi nghe.

Làm việc chuyên cần chỉ một thời gian ngắn, năm 1993, Ama Kông bỗng thường trốn việc, biến đi đâu không rõ. Hỏi lý do, ông cười cười không nói. Giám đốc Sắc bí mật cho lính theo dõi, mới khám phá ra chàng Vua Voi 83 tuổi vừa trúng tiếng sét ái tình của một cô sơn nữ xinh đẹp, mang dòng máu lai Êđê-Ma Rốc, chào đời sau Ama Kông tới 58 cái xuân xanh...

Giám đốc Sắc kinh ngạc hỏi thẳng “Vua Voi” tài gì mà quyến rũ nổi cô gái má căng hồng, mắt lá răm lúng liếng kia? Ama Kông thú thật ông có một bài thuốc bổ thận tráng dương cực kỳ hiệu nghiệm, cứ uống vào là yêu không biết mệt, “thử” cô nào là cô đó theo luôn (!) Được Vua Voi mời nếm “thần tửu”, cả chục cán bộ vườn trầm trồ “quá vui, quá hay”. Giám đốc Sắc bèn khuyến khích Vua Voi biến bài thuốc thành sản phẩm hàng hóa để quảng bá du lịch cho vườn, đặt luôn tên là thuốc bổ thận tráng dương của Vua Voi Ama Kông. Tiền bán thuốc thu bao nhiêu, Ama Kông thoải mái “chăm nuôi em út”.

Rủng rỉnh tiền, Ama Kông thuê nhiều nhóm người vào rừng hái thuốc. Mỗi nhóm ông chỉ hướng dẫn cách lấy một vài loại cây lá khác nhau, đem về để ông tự tay pha trộn, ngâm tẩm, bào chế. Tiếng lành đồn xa, thần dược càng ngày càng đắt hàng. Tuy nhiên, sau đó Ama Kông bỏ Vườn Quốc gia về buôn Trí A tự dựng nhà sàn, tự đưa người yêu nhí lên chức Vợ Tư. Lý do: Giám đốc Vườn Quốc gia không chịu đứng ra tổ chức lễ cưới cho “Vua Voi”. Tôi hỏi vì sao? Giám đốc Sắc phá ra cười: Ama Kông yêu ai là quyền ông ấy. Nhưng bảo Vườn Quốc gia làm chủ hôn cho cặp đôi lệch nhau tới 58 tuổi thì coi sao được?

Buôn Đôn du khách ngày càng đông. Người ta đến để ngắm rặng si cổ thụ khổng lồ giăng chằng chịt qua chuỗi cầu treo bắc ngang sông Sêrêpôk quanh năm nước cuồn cuộn chảy. Để ngồi trên những bành voi đủng đỉnh bước những con đường mát rợp bóng cây, chỉ cần với tay là hái được bao nhiêu thứ quả chín ngon lành: cóc, ổi, bưởi, xoài, me, vú sữa. Để vào ngôi “nhà sàn tranh hai trái tim vàng” của vợ chồng Vua Voi. Chỉ cần ngắm cô vợ trẻ lúng liếng nhìn ông chồng già say đắm, ai cũng hào hứng mua thuốc “thần dược” của ông để về ngâm rượu thành “thần tửu”, mong uống vào cũng “yêu không biết mệt” như Ama Kông ...

Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận cho nhãn hiệu và hình trên bài thuốc Ama Kông

UBND tỉnh Đắk Lắk từng đặt hàng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk phối hợp trường Đại học Y Huế triển khai đề tài khoa học chuyên ngành y dược mã số KX 03-07/DL2002, nghiên cứu về các loại cây thuốc bản địa. Hơn ba năm sau, đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ xếp loại tốt. Trong đó, một số mẫu cây thuốc đặc biệt quý hiếm có trong bài thuốc gia truyền Ama Kông được chú ý phân tích kỹ nhất với kết luận dược tính rất giá trị. Người con trai kế thừa bài thuốc này của Ama Kông là thầy thuốc Khăm Phết Lào đã dày công xây dựng mẫu mã, công thức ổn định cho bài thuốc, và di thực được nhiều loài cây thuốc quý về trồng trong các khu vườn bí mật của gia đình. Tuy nhiên tình trạng “loạn Ama Kông” giả đã nổi lên ...

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn