Trump muốn đồng minh gánh hết chi phí cùng 'tiền hoa hồng' cho lính Mỹ đồn trú

Thứ bảy, 09/03/2019, 11:43
Kế hoạch của Trump có thể khiến các đồng minh trả chi phí gấp 5-6 lần hiện nay để có được sự bảo vệ an ninh của quân đội Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP.)

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang theo đuổi kế hoạch mang tên "Cost Plus 50", yêu cầu các nước đồng minh trả toàn bộ chi phí đồn trú của lực lượng Mỹ, cộng thêm 50% khoản tiền "hoa hồng" cho đặc quyền nhận được "sự bảo vệ quân sự của Washington", Stripes ngày 8/3 đưa tin.

Nhiều quan chức Mỹ giấu tên cho biết ý tưởng này đã được Tổng thống Trump nghiên cứu trong nhiều tháng qua. Nếu kế hoạch được thực hiện, các quốc gia đồng minh như Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể phải trả cho Mỹ chi phí an ninh cao gấp 5-6 lần hiện nay.

Kế hoạch này thậm chí đã được Mỹ đưa ra trong cuộc họp với phía Hàn Quốc về chia sẻ kinh phí duy trì lực lượng đồn trú. "Chúng tôi muốn thực hiện Cost Plus 50", ông chủ Nhà Trắng tuyên bố trong một buổi đàm phán.

Washington sau đó từ bỏ yêu cầu này, nhưng ý tưởng của Trump vẫn có thể được dùng để gây áp lực, buộc các đồng minh của Mỹ tăng ngân sách quốc phòng trong tương lai. "Các cố vấn của Trump đã phản đối kế hoạch này. Tuy nhiên, sự hứng thú của ông với Cost Plus 50 đã gây chấn động Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ", một nguồn tin chính phủ nước này tiết lộ.

Kế hoạch này nhiều khả năng cũng gặp sự phản đối dữ dội của các đồng minh, đặc biệt là Đức, nơi đang có 32.000 binh sĩ Mỹ đồn trú. Trong khi gần 30.000 lính Mỹ ở Hàn Quốc có nhiệm vụ răn đe, ngăn cản cuộc tấn công tiềm tàng từ Triều Tiên, lực lượng triển khai ở Đức không có trách nhiệm bảo đảm an ninh lãnh thổ cho quốc gia này.

Thiết giáp Mỹ tập trận tại Đức hồi năm 2018. (Ảnh: Stripes.)

Dư luận Đức cho rằng các căn cứ Mỹ chỉ phục vụ lợi ích quốc gia của Washington, không có nhiều đóng góp cho Berlin, điển hình là căn cứ không quân Ramstein là nơi tập kết lực lượng quan trọng cho chiến dịch quân sự của Mỹ ở Iraq và Libya, vốn là các hoạt động mà Đức phản đối hoặc không tham gia.

Lực lượng phản ứng nhanh của thủy quân lục chiến Mỹ tại Tây Ban Nha và Italy cũng có nhiệm vụ bảo vệ các cơ sở ngoại giao và lợi ích của Washington ở châu Phi, không có chức năng phòng thủ châu Âu. Điều này khiến Italy và Tây Ban Nha có thể bác bỏ yêu cầu chi trả thêm tiền do Mỹ đưa ra.

Tuy nhiên, Hàn Quốc hôm qua đã ký một thỏa thuận chính thức với Mỹ nhất trí gia tăng đóng góp tài chính cho lực lượng Mỹ đồn trú ở nước này. Mức tăng này không được các bên liên quan tiết lộ.

Theo VNE

Các tin cũ hơn