|
Ams Holdings, hãng cung cấp bản quyền trí tuệ sử dụng trong khoảng 90% bộ xử lý của điện thoại di động trên thế giới, đã quyết định sẽ ngừng công việc kinh doanh với Huawei Technologies.
Điều này không khỏi nhiều người băn khoăn về tương lai u ám của tham vọng của công ty Trung Quốc này trong việc trở thành doanh nghiệp lớn hơn trong ngành bán dẫn.
Arm thuộc sở hữu của tập đoàn SoftBank của Nhật. Arm sản xuất thiết kế của loại chip giữ vai trò cốt tử trong hệ thống bán dẫn của Huawei. Arm cho biết hãng đang tuân thủ với tất cả các quy định luật pháp và điều khoản được chính phủ Mỹ đưa ra.
BBC đưa tin rằng Arm đã nói với nhân viên ngừng mọi hợp đồng đang thi hành, và dừng lại mọi thỏa thuận có thể sẽ ký kết với Huawei nhằm tuân thủ với quy định hạn chế xuất khẩu mà phía Mỹ áp với công ty Trung Quốc nói trên.
Như vậy, quyết định mới nhất của hãng sản xuất chip nói trên không khỏi tạo ra thêm áp lực lên Huawei. Huawei mới đây đã vượt qua Apple đẻ trở thành hãng sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 2 trên thế giới. Ngày một nhiều nhà mạng và nhà cung cấp bên ngoài Mỹ hạn chế bớt công việc kinh doanh với doanh nghiệp Trung Quốc sau khi Washington công bố cấm cung cấp công nghệ Mỹ cho Huawei.
Dù Huawei có công ty sản xuất chip riêng có tên HiSilicon Technologies và đồng thời thiết kế ra bộ xử lý di động Kirin cho điện thoại thông minh của mình, công ty vẫn cần đến Arm để có được thiết kế của những con chip.
Bộ xử lý máy chủ do chính Huawei thiết kế có tên Kunpeng 920 được công bố vào tháng 1/2019 như một sự lựa chọn thay thế cho bộ xử lý của Intel, nhưng ngay cả sản phẩm này vẫn cần đến thiết kế của Arm.
Thế nhưng Huawei dường như đã và đang chuẩn bị cho quyết định của Arm. Từ trước đó, Huawei đã ký được một số hợp đồng nhằm có thêm nhiều sản phẩm trong danh mục bản quyền trí tuệ của nhà thiết kế chip nói trên, theo nguồn tin trong ngành chia sẻ với Nikkei.
Một chuyên gia ngành nhấn mạnh: “Chúng tôi không tin rằng Huawei sẽ ngay lập tức phải chịu một cú sốc ở hiện tại, bởi họ cũng đã có chuẩn bị từ trước đó và nhiều khả năng cũng đã có được thiết kế cho chip thế hệ tiếp theo. Thế nhưng chắc chắn Huawei sẽ gặp khó khăn với thiết kế chip trong vòng từ 1 đến 2 năm tới nếu họ không nhận được sự hỗ trợ của Huawei”.
Điều đó đồng nghĩa với việc Huawei sẽ phải giành nhiều công sức nghiên cứu và không thể chắc chắn Huawei sẽ làm được điều đó nếu không có quyền tiếp cận với mã nguồn của Arm, ông chỉ ra.
Trưởng bộ phận đầu tư tại J&J Investment đồng thời là một chuyên gia kỳ cựu trong ngành công nghệ, ông Jonah Cheng, đồng ý rằng tác động lên các sản phẩm hiện tại của Huawei sẽ khá hạn chế bởi công ty Trung Quốc này đã mua nhiều bản quyền trí tuệ của Arm.
Nguồn tin khác cũng cho biết rằng việc SoftBank bán cổ phần bộ phận kinh doanh tại Trung Quốc vào tháng 4/2018, liên doanh này hiện có 51% cổ phần do nhà đầu tư Trung Quốc nắm giữ, trong đó có một số nhà đầu tư nhà nước có thể mang đến “cái phao” cho chương trình sản xuất chip tương lai của Huawei.
Theo BizLive