Ngày 31/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp trực tuyến rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó bão số 5 và triển khai ứng phó với mưa lớn sau bão.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay, bão số 5 đổ bộ nhưng may mắn cấp độ không quá mạnh nên đến nay chưa có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản cũng giảm.
"Dù bão không lớn, không mạnh nhưng đi nhanh, dễ gây tâm lý chủ quan, nhưng chúng ta đã không chủ quan. Tuy vậy trong triển khai vẫn có những chỗ còn lúng túng như vấn đề neo đậu tàu thuyền ở Bình Định. Chúng ta phải xem xét rút kinh nghiệm tìm nguyên nhân, có kế hoạch bố trí đủ khả năng neo đậu tàu thuyền", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cho biết theo dự báo, rất có khả năng những ngày tới sẽ hình thành thêm một cơn bão mới. Do đó, ông yêu cầu Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương tập trung chỉ đạo các cơ quan, thành viên theo dõi chặt chẽ bão số 5 và diễn biến trong tình hình mới để xây dựng giải pháp ứng phó.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp trực tuyến rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó bão số 5 và triển khai ứng phó với mưa lớn sau bão. |
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân gặp nạn trong bão. Yêu cầu bảo đảm an toàn hồ chứa, bao gồm hồ thủy điện và hồ thủy lợi, vì đây là khu vực có độ dốc cao nên nếu hồ chứa gặp vấn đề thì rất nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của người dân.
Mưa không lớn như dự báo nhưng dễ bị lũ quét, sạt lở đất nên các địa phương cần sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
"Đề nghị tất cả chủ động các phương án ứng phó với tình hình thiên tai có thể xảy ra. Dự báo ngắn hạn có thể hình thành cơn bão mới, mưa rất lớn. Các đơn vị cần chủ động ko để bất ngờ, bị động", Phó Thủ tướng nói.
Báo cáo tình hình thiệt hại trong bão số 5, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết khi bão đổ bộ, hàng nghìn cây xanh ở địa phương bị đổ, nhiều ngôi nhà bị sập, một số cây cầu bị sập... ước tính thiệt hại sơ bộ khoảng 400 tỷ đồng.
Theo ông Dũng, khi bão xảy ra, do khu neo đậu quá chật nên có tình trạng quá tải. Trong 100 tàu neo đậu thì 30 tàu neo đậu bên ngoài bị bứt neo. Có 7 tàu vận tải/70 thuyền viên tại cảng Quy Nhơn bị trôi. Tính đến 2h30 ngày 31/10 còn 1 tàu bị mắc cạn, 1 tàu thả trôi và hiện vẫn giữ liên lạc, 5 tàu được khắc phục đảm bảo an toàn.
Quảng Ngãi có 2 người bị thương. Mưa lũ gây sạt lở đất phải di dời khẩn cấp 29 hộ dân tại huyện Ba Tơ. Nhiều địa phương thuộc Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên bị sự cố mất điện.
Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, sáng nay, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 5 tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp.
Hồi 7h cùng ngày, vị trí tâm vùng áp thấp ở trên lãnh thổ Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). Vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển theo hướng Tây và tan dần.
Tình hình mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị ở các tỉnh Trung Bộ còn diễn biến phức tạp.
Chiều nay, khu vực phía Bắc Tây Nguyên, Bình Định, Phú Yên có mưa vừa, có nơi mưa to, từ đêm nay mưa giảm.
Trong chiều và đêm nay, ở khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 150-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt); ngày mai mưa giảm.
Trong ngày 1-2/11, ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa rất to (Tổng lượng mưa phổ biến 200-300mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt); ở Thanh Hóa có mưa vừa, có nơi mưa to (lượng mưa 50-100mm/đợt).
Cảnh báo từ 4-5/11 trở đi, mưa lớn có khả năng xuất hiện trở lại ở các tỉnh Nam Trung Bộ.
Theo VTC