"Tôi có thể tưởng tượng rằng chúng ta sẽ thấy sự quay trở lại của các động thái khiêu khích hơn, trước khi bắt đầu chính sách ngoại giao này", Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun nói với Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 20/11.
Biegun đề cập tới "hạn chót cuối năm" được lãnh đạo Kim Jong-un đưa ra hồi tháng 4, trong đó yêu cầu Mỹ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt gây cản trở kinh tế Triều Tiên trước thời hạn trên. Điều này làm dấy lên lo ngại Bình Nhưỡng có thể tiếp tục thử nghiệm các tên lửa tầm xa và hạt nhân sau hai năm trì hoãn.
Tổng thống Trump đã nhiều lần coi sự trì hoãn này là thành tựu lớn trong quá trình đàm phán của ông với Triều Tiên, nhưng Biegun cảnh báo điều này có thể sớm chấm dứt. Đặc phái viên Biegun khẳng định Mỹ sẽ nỗ lực hết sức để giải quyết vấn đề Triều Tiên, "dù có phải mất bao lâu đi chăng nữa".
"Chúng tôi không có thời hạn cuối năm. Đó là thời hạn giả bộ do Triều Tiên đặt ra và thật không may, họ đã tự áp đặt thời gian với chính họ", Biegun khẳng định.
Đặc phái viên Mỹ tại Triều Tiên Stephen Biegun phát biểu trong cuộc họp với Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul tại Seoul hôm 21/8. (Ảnh: Yonhap). |
Nhận xét của đặc phái Mỹ được đưa ra sau khi Triều Tiên gần đây liên tục tuyên bố không quan tâm đến các cuộc đàm với Washington, trừ khi họ chấm dứt chính sách bị Bình Nhưỡng cho là "thù địch".
Biegun, người đã dẫn đầu các nỗ lực của Mỹ trong việc thuyết phục Triều Tiên phi hạt nhân hóa kể từ tháng 8 năm ngoái, nói thêm không có bằng chứng nào cho thấy Bình Nhưỡng sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân dù ông vẫn tin điều này có thể xảy ra.
Sau khi cuộc đàm phán Mỹ - Triều cấp chuyên viên tại Stockholm sụp đổ, Bình Nhưỡng liên tục cáo buộc Washington có cách tiếp cận không phù hợp và đe dọa nếu điều này không được cải thiện, quan hệ giữa hai nước "có thể kết thúc ngay lập tức". Từ đầu năm nay, Triều Tiên đã nhiều lần phóng thử tên lửa, dường như để "cảnh báo" Mỹ về những loại vũ khí họ đang phát triển.
Theo VNE