|
Ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê nhận được 2 luồng ý kiến cấm - không cấm từ các đại biểu Quốc hội |
5 ngày trước, trong phiên thảo luận tổ về dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) vấn đề được bàn luận sôi nổi là chuyển kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê từ danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện sang danh mục cấm đầu tư, kinh doanh. Tại phiên thảo luận tại hội trường hôm nay (20/11) vấn đề này tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội.
"Không quản được thì cấm"
Theo đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho biết, việc xóa bỏ nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp này do đó nhà nước cần phải có chính sách đối với các ngành, doanh nghiệp phù hợp.
"Tôi đề nghị cần làm rõ hiện nay có bao nhiêu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải chấm dứt hoạt động và phải đánh giá mức độ thiệt hại đối với các doanh nghiệp này, để từ đó nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp này thật thỏa đáng", ông Tiến nói.
Đồng ý với phát biểu của đại biểu Tiến, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) cho biết, không nên đưa kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào ngành, nghề cấm knh doanh vì đây cũng là một hoạt động kinh doanh đáp ứng yêu cầu cuộc sống của khách hàng.
Bà Thơ cho biết, thực tế cho thấy, nhiều người cho vay không đòi được nợ đã dẫn đến truy sát cả gia đình, người thân, bạn bè, hàng xóm. Bởi nếu kiện ra Tòa thì thứ nhất là thời gian mất rất lâu. Thứ hai, chi phí kiện tụng không phải là nhỏ và thứ ba, nếu như những người đi vay bị xử đi tù thì điều quan trọng nhất là món nợ của họ cũng không đòi được. Và liệu việc quy định này có ngăn chặn được hiện tượng đòi nợ thuê xảy ra khi hàng loạt các công ty tài chính mọc lên với chức năng là cho vay nặng lãi và sau đó là đòi nợ diễn ra tương đối phổ biến hiện nay.
"Tôi cho rằng vấn đề là các cơ quan chức năng như công an, chính quyền địa phương phải vào cuộc và có chế tài quản lý chặt chẽ, truy tố hình sự đối với những người đòi nợ thuê có hành vi bạo lực côn đồ chứ không phải là quản lý không được rồi ngăn chặn và cấm", bà Thơ nói.
Theo ý kiến của đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định), dịch vụ này là nhu cầu của các công ty trong nền kinh tế thị trường và phân công lao động. "Qua giải thích cho thấy quan điểm việc gì ta không quản được thì cấm", ông Nhường nói.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, lý do không nên cấm dịch vụ đòi nợ thuê do có cấm cũng không cấm được vì không phân biệt được phạm vi dịch vụ thu hồi nợ. Người ta dễ dàng lách quy định cấm dịch vụ đòi nợ bằng cách làm giấy tờ ủy quyền đại diện tham gia giao dịch và hưởng thù lao đại diện. Biện pháp này hợp pháp theo Bộ luật Dân sự và không có cách nào cấm được.
Thứ hai, nếu đã bất hợp pháp thì có cấm cũng vô nghĩa. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ đã đăng ký thì giờ chuyển sang cấm họ sẽ không được phép làm nữa. Các doanh nghiệp đã đăng ký thì họ dùng biện pháp thu hồi nợ văn minh, đúng pháp luật. Đối với các băng, nhóm thu hồi nợ không đăng ký thì họ vẫn sẽ kinh doanh, các băng, nhóm này thường dùng biện pháp thu hồi nợ bằng đe dọa bạo lực.
"Khi các doanh nghiệp làm ăn hợp pháp bị cấm thì các băng nhóm này sẽ dễ dàng mở rộng thị trường. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cũng chưa thấy có nước nào cấm dịch vụ đòi nợ thuê", ông Đồng nói.
Cấm vì nhiều biến tướng, hại nhiều hơn lợi
Trong khi đó, luật sư Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho biết, ông đồng ý việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ vì dịch vụ này biến tướng và hại nhiều hơn lợi.
"Một điều quan trọng về pháp lý, mình cứ nói là nợ nhưng trước hết có phải là nợ hay không. Anh này nói là anh kia nợ, anh kia nói là tôi không nợ. Cho nên những tranh chấp này ra Tòa án giải quyết còn phức tạp, trong khi một bên cứ nói là anh kia nợ tôi, tôi thuê người đến đòi thì có nhiều khoản ngay cả đưa ra tòa cũng chưa xác định được nợ hay không nợ. Một bên thuê là bên kia cứ lấy tiền rồi đi đòi nợ và phát sinh ra rất nhiều hệ lụy", ông Nghĩa lý giải.
Cũng theo ông Nghĩa, trong trường hợp này hệ thống Tòa án công quyền của chúng ta, các tổ chức hòa giải các cấp phải tăng cường hoạt động của mình để giúp cho hoạt động đòi nợ này đi vào nề nếp. "Tôi đồng ý cấm dịch vụ này", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Quan điểm "cấm làm phù hợp" cũng được đại biểu Phạm Huyền Ngọc (đoàn Ninh Thuận) nêu ra. "Ở đây không phải không quản được thì cấm mà vì ngành, nghề này gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội như vụ Quân "xa lộ" mấy ngày gần đây", bà Ngọc nói.
Bà Ngọc cũng dẫn chứng, mới đây nhất là vào ngày 18/11 tại huyện Chư Pa, tỉnh Gia Lai do chồng vay nợ tín dụng đen bị liên tục đòi nợ, vợ đã dùng búa đánh chết chồng và rất nhiều vụ việc khác nhưng không có thời gian để dẫn chứng. Nếu Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này đưa ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh sẽ góp phần ngăn chặn và hạn chế được hoạt động tín dụng đen. Vì việc đòi nợ thuê đã bị cấm, mọi hành vi đòi nợ thuê đều là hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) cũng cho biết, bà hoàn toàn nhất trí với việc bổ sung ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh đã được quy định tại điểm h khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư.
Lý do được đại biểu Xuân đưa ra là do nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ của chúng ta là quá yếu, còn quá lỏng lẻo, gần như mất kiểm soát đối với hoạt động này, kiểu như cho mà không quản tạo ra một lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước, trong khi đó thì xu hướng ngày càng nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã không tuân thủ các điều kiện kinh doanh cũng như các quy định của pháp luật dẫn đến hoạt động này đã gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.
"Đề nghị Quốc hội ủng hộ việc bổ sung ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư là cần thiết và phù hợp với thực tiễn, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh hơn và đáp ứng yêu cầu đảm bảo về an ninh trật tự", bà Xuân nói.
Trước nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hai luồng ý kiến đều có cơ sở khác nhau. Trong quá trình soạn thảo cơ quan soạn thảo đã hết sức cân nhắc vấn đề này. “Đây là một vấn đề rất phức tạp, vì trên thực tế các cơ quan hệ dân sự này thường là vay nóng, chúng ta hay gọi là tín dụng đen áp dụng hình thức dịch vụ này để thu hồi các khoản có lãi suất rất cao, không đưa ra được các cơ quan tố tụng, cơ quan xử lý của tư pháp, lại không có thế chấp", ông Dũng nói.
Còn các khoản vay nợ chính đáng khác, nhu cầu của người vay và người cho vay khác đều phải có thế chấp. Người ta sẽ sử dụng các cơ quan tư pháp để xử lý vấn đề này. Chúng ta mong muốn xử lý như thế, nhưng trên thực tế nó diễn ra không phải như vậy, dẫn đến tình hình an ninh, trật tự xã hội rất phức tạp.
"Chúng tôi thấy vấn đề này nên đưa vào để cấm. Tuy nhiên, căn cứ ý kiến của các đại biểu hôm nay thì cơ quan chúng tôi cũng sẽ tiếp tục rà soát và làm sao xây dựng được một cơ sở để báo cáo lại với Quốc hội trước khi xem xét quyết định vấn đề này. Đây là cũng là một vấn đề còn ý kiến khác nhau", ông Dũng cho hay.
Theo BizLive