Những “voi trắng” đe dọa kinh tế Trung Quốc

Thứ tư, 20/11/2019, 10:54
Các địa phương Trung Quốc tìm mọi cách vay tiền cho những dự án khủng kém hiệu quả kinh tế, gây ra mối đe dọa nợ công với nền kinh tế quốc gia.

Trung tâm Hội nghị Nhữ Châu thường trong tình trạng không sử dụng. (Ảnh: New York Times).

Nhữ Châu, thành phố có dân số khoảng một triệu người thuộc tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc, đang phải vay tiền của các nhân viên y tế để có tiền xây bệnh viện mới. Nếu các nhân viên không có tiền, họ bị yêu cầu đi vay ngân hàng để đem tiền về cho bệnh viện.

Các bác sĩ, y tá ở Nhữ Châu than phiền trên mạng xã hội và truyền thông địa phương về áp lực phải đi vay hàng nghìn USD để góp tiền xây dựng bệnh viện. "Điều này chẳng khác nào xát muối vào vết thương", một người viết trên diễn đàn dành cho các công nhân viên chức chính quyền thành phố. Nhiều người khác cũng đặt câu hỏi tại sao các dự án lớn của chính quyền lại cần đến tiền của nhân viên cấp thấp.

Nhữ Châu không phải là hiện tượng cá biệt ở Trung Quốc và những dự án cơ sở hạ tầng như vậy đang trở thành biểu tượng cho khoản nợ công hàng nghìn tỷ USD đe dọa nền kinh tế nước này.

Trong thời kỳ kinh tế Trung Quốc bùng nổ, chính quyền các tỉnh thành đua nhau vay tiền để thực hiện những dự án "khủng" như xây dựng sân vận động, công viên, đường cao tốc không kết nối tới đâu, tất cả nhằm mục đích tạo ra càng nhiều công ăn việc làm càng tốt.

Nhưng nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại với tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong gần ba thập kỷ qua, buộc Bắc Kinh phải thắt chặt dòng chảy ngân sách để đối phó với vấn đề nợ công.

Do vậy, ngày càng nhiều thành phố ở Trung Quốc tìm cách huy động tiền từ các bệnh viện, trường học và các tổ chức khác để thực hiện những dự án cơ sở hạ tầng của mình. Thông thường, họ sử dụng các phương án tài chính phức tạp, như thỏa thuận cho thuê tài chính hay ủy thác, nhằm qua mặt các quy định thắt chặt vay nợ của chính quyền Bắc Kinh.

"Dù là cho thuê tài chính hay ủy thác, chúng cũng chỉ là công cụ để chính quyền địa phương đi vay tiền", Chen Zhiwu, giám đốc Viện Toàn cầu Châu Á tại Đại học Hong Kong, nói. "Ngày hôm nay, các quan chức trung ương có thể ngăn chặn được một hình thức vay tiền, thì ngày mai chính quyền địa phương lại tìm ra một cách thức mới", ông Chen cho biết thêm. "Đó là lý do Trung Quốc thường nói về hạn chế nợ công trong nhiều năm nhưng vẫn chưa giải quyết được".

Các thỏa thuận vay kiểu này đang tăng lên ngày một nhiều ở các thành phố như Nhữ Châu, và chúng sẽ sớm trở thành nợ xấu. Những người cho vay cáo buộc ba bệnh viện ở Nhữ Châu và ba quỹ đầu tư có quan hệ với thành phố "xù nợ".

Các quan chức ở Nhữ Châu lâu nay mạnh tay chi tiền cho các dự án khủng để duy trì tăng trưởng kinh tế địa phương. Hậu quả là Nhữ Châu đang sở hữu một loạt dự án "voi trắng", những công trình tạo ra gánh nặng khủng khiếp cho nợ công nhưng lại không mang lại nhiều giá trị thiết thực và không mang lại hiệu quả kinh tế.

Thành phố đã xây một tổ hợp thể thao và sân vận động rồi biến nó thành trung tâm thương mại điện tử, song phần lớn giờ đây bị bỏ hoang. Một dự án tái định cư bắt đầu từ 4 năm trước nhằm đưa người dân ở các vùng nông thôn hẻo lánh tới những khu nhà mới đang chậm tiến độ vì thiếu vốn, người dân địa phương cho biết.

Nợ công tiềm ẩn từ các địa phương như Nhữ Châu là một thách thức lớn đối với chính quyền Bắc Kinh. Nếu tạo ra phản ứng dây chuyền lan sang các khu vực khác và ảnh hưởng tới đời sống của người dân, chúng có thể phá vỡ hệ thống tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Các khoản nợ này cũng ngăn Bắc Kinh tăng cường cho vay như một biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế.

Hiện chưa có thống kê chính thức các khoản nợ công này là bao nhiêu. Bắc Kinh cho rằng tổng nợ công của nước này là khoảng 2,5 nghìn tỷ USD, nhưng Vincent Zhu, chuyên gia phân tích tại Rhodium Group, lại nhận định con số này phải hơn 8 nghìn tỷ USD.

"Hãy tưởng tượng nền kinh tế là một con tàu giống như Titanic. Các khoản nợ công của chính quyền địa phương giống như những container trên tàu. Và con tàu này đã chứa quá nhiều container rồi", Zhu nói.

Nhữ Châu, đô thị nằm giữa những mỏ than ở tỉnh Hà Nam, đã vay và chi tiêu cho các hoạt động mà chính quyền trung ương phát động, với niềm tin rằng Bắc Kinh sẽ trả phần lớn các khoản vay này.

Khi Trung Quốc tập trung tổ chức Thế vận hội Bắc Kinh 2008, Nhữ Châu đã xây dựng một khu liên hợp thể thao, với sân vận động có sức chứa 15.466 chỗ ngồi, một sân bóng rổ trong nhà và một trung tâm hội nghị sở hữu khán phòng có quy mô ngang tầm Đại Lễ đường Nhân dân Trung Hoa ở Bắc Kinh.

Khi công nghệ trở thành ưu tiên hàng đầu của các lãnh đạo Trung Quốc, Nhữ Châu đã đổi tên khu liên hợp thể thao thành khu trung tâm Thương mại Điện tử và Dữ liệu Lớn cũng như xây dựng Tòa nhà Thương mại Điện tử nhìn ra sân vận động. Hiện nay, sân bóng rổ trong nhà và khán phòng đang được dùng để cho thuê tổ chức sự kiện.

Tòa nhà Thương mại Điện tử nằm trong khuôn viên khu liên hợp thể thao trước đây. (Ảnh: New York Times).

Việc xây dựng các dự án lớn như vậy đòi hỏi một số kỹ năng về tài chính, nhưng chính quyền địa phương Trung Quốc có rất ít quyền hạn trong việc thu thuế hay đi vay. Họ chủ yếu trông cậy vào tiền ngân sách từ chính quyền trung ương và bán đất cho các nhà phát triển bất động sản, nhưng các khoản này thường không đủ.

Để có thể vay thêm tiền, nhiều công ty quản lý quỹ đầu tư đã mọc ra dưới danh nghĩa là công cụ tài chính của chính quyền địa phương. Các công ty này giúp huy động vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn mà không phải công bố các khoản nợ công khai.

Năm 2008, khi chính quyền trung ương giải ngân gói kích thích kinh tế trị giá 586 tỷ USD nhằm đối phó với tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ngân hàng quốc doanh đã rót tiền cho các công cụ tài chính này.

"Bạn có thể ngồi tại bàn làm việc và các ngân hàng sẽ đến tận nơi hỏi bạn có cần vay tiền không", Gao Yinliang, phó giám đốc bộ phận tài chính của công ty Đầu tư Văn hóa Nhữ Châu, một trong những công cụ tài chính của chính quyền Nhữ Châu, cho biết.

Tuy nhiên, Bắc Kinh sau đó thay đổi quan điểm do lo ngại về những khoản nợ công tiềm ẩn. Hai năm trước, giới chức trung ương đã yêu cầu các chính quyền địa phương phải xử lý những khoản nợ này, đồng thời buộc hệ thống ngân hàng quốc doanh ở Bắc Kinh thắt chặt hoạt động cho vay.
Với hàng loạt khoản vay phải trả, Nhữ Châu đã chuyển sang huy động hàng chục triệu USD lãi suất cao từ các ngân hàng tư nhân để thực hiện những dự án xây dựng bệnh viện thành phố. Thành phố sớm lâm vào cảnh không có tiền trả.
Từ cuối năm 2018, các ngân hàng tư nhân trên đã kiện ba bệnh viện ở Nhữ Châu, Quỹ Đầu tư Văn hóa Nhữ Châu và hai quỹ đầu tư công khác, cho rằng các tổ chức trên chưa trả hơn 45 triệu USD. Hồi tháng 8/2019, Quỹ Đầu tư Văn Hóa và
Bệnh viện Y học Cổ truyền ở Nhữ Châu đã bị liệt vào "danh sách đen" chính phủ, điều sẽ hạn chế khả năng vay mượn hay thực hiện các loại thỏa thuận kinh doanh khác.
Sau khi nhiều bệnh viện bị kiện, ban lãnh đạo đã bắt đầu hỏi vay tiền các bác sĩ và y tá. Trong thông báo hồi tháng 5, các quan chức địa phương kêu gọi ban lãnh đạo bệnh viên ủng hộ một quỹ đầu tư địa phương thông qua trái phiếu.
"Chúng tôi khuyến khích các nhà quản lý và nhân viên của các bệnh viện địa phương mua trái phiếu chuyển đổi nói trên để hỗ trợ xây dựng các bệnh viện mới", thông báo nói.
Một số bệnh viện thực hiện thông báo này bằng cách buộc nhân viên mua trái phiếu, còn ban lãnh đạo đề ra chỉ tiêu cho từng bộ phận. Các bác sĩ, y tá bệnh viện Đông y Nhữ Châu phàn nàn với một tờ báo địa phương rằng họ bị yêu cầu phải đóng 14.000-28.000 USD.
Tại Bệnh viện Bà mẹ và Trẻ em Nhữ Châu, các bác sĩ và y tá cũng bị yêu cầu phải "đầu tư" từ 8.500 đến 14.000 USD, theo truyền thông nhà nước và mạng xã hội.
Zhang Yuhang, giám đốc bệnh viện Đông y Nhữ Châu, phủ nhận thông tin cho rằng hoạt động gây quỹ là bắt buộc và cho rằng chính bệnh viện đã hiểu sai chính sách của chính phủ. "Điều này là hoàn toàn tự nguyện", ông phát biểu với tờ báo địa phương.
Vẫn chưa rõ liệu điều gì sẽ xảy ra tiếp theo đối với các dự án "voi trắng" chưa hoàn thành của Nhữ Châu. Hàng chục dự án vẫn còn dang dở, như thể nhiều nơi của thành phố bỗng dưng bị bỏ hoang.
Tại trung tâm thương mại điện tử của thành phố Nhữ Châu, việc thi công 4 tòa nhà đang xây dở dường như đã bị đình trệ. Giữa những tòa nhà dang dở này là dòng biểu ngữ trên vải đỏ "Bốn phương nắm tay, cùng nhau viết nên Giấc mơ Trung Hoa".

Theo VNE

Các tin cũ hơn