Hệ lụy từ hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

Thứ tư, 20/11/2019, 09:39
Nhà nghiên cứu thuộc Đại học Cambridge cảnh báo những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đang góp phần làm suy yếu luật pháp quốc tế.

Toàn cảnh đá Xu Bi bị Trung Quốc chiếm đóng và biến thành đảo nhân tạo

Viện Brookings (Mỹ) vừa công bố nghiên cứu mới của chuyên gia Lynn Kuok thuộc Đại học Cambridge (Anh) với tựa đề How China's actions in the South China Sea undermine rule of law (tạm dịch: Những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông làm suy yếu pháp quyền ra sao). Trong đó, bà Kuok vạch trần những hành động Trung Quốc tiến hành để theo đuổi những yêu sách về biển và củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông, đồng thời đưa ra đề xuất nhằm ngăn chặn nguy cơ nước này kiểm soát khu vực.

Trong nghiên cứu, chuyên gia Kuok nhắc lại việc Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết ngày 12.7.2016 của Tòa trọng tài quốc tế, trong đó bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc. Khoảng một năm sau đó, khi sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với phán quyết giảm dần, Trung Quốc bắt đầu tăng cường thêm những hoạt động nhằm củng cố yêu sách phi lý và sự kiểm soát xung quanh các thực thể ở Biển Đông với nhiều hình thức khác nhau.

Hình thức đầu tiên bà Kuok đề cập là “xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước ven biển”, trong đó nhắc lại vụ nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc vi phạm EEZ và thềm lục địa của Việt Nam từ đầu tháng 7 đến gần cuối tháng 10. Ngoài ra, Trung Quốc gia tăng hiện diện tại những thực thể nước này chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông. Trong 6 tháng đầu năm nay, hàng trăm tàu hải quân, hải cảnh và dân quân biển của Trung Quốc hoạt động gần đảo Thị Tứ, trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Philippines kiểm soát.

Chưa hết, Trung Quốc còn phản đối tàu chiến của Mỹ và một số nước khác thực hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. “Hành vi này không phù hợp với các quyền lợi biển và tự do được hưởng theo Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) mà Trung Quốc đã phê chuẩn vào năm 1996”, chuyên gia Kuok khẳng định. Cũng theo bà Kuok, Trung Quốc tiếp tục củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này một cách hung hăng.

Từ tháng 12.2013, Trung Quốc bắt đầu hoạt động bồi đắp, biến những thực thể nước này chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông thành đảo nhân đạo. Bà Kuok lưu ý trong năm 2018, Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp: trong tháng 4 điều tên lửa diệt hạm và phòng không đến 3 đá Chữ Thập, Vành Khăn, Xu Bi thuộc Trường Sa nhưng bị Trung Quốc biến thành đảo nhân tạo. Đến tháng 5, Trung Quốc ngang nhiên cho oanh tạc cơ đáp xuống đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Những công trình Trung Quốc xây dựng phi pháp trên các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa.( Ảnh: Viettimes)

Một số chuyên gia cho rằng những tiền đồn và vũ khí trên các đảo nhân tạo phi pháp dễ trở thành mục tiêu bị tấn công của chiến hạm, tàu ngầm và chiến đấu cơ của Mỹ. Trong khi đó, bà Kuok nhận định Trung Quốc đang tạo lợi thế quân sự trong trường hợp xảy ra xung đột và đặc biệt là lợi thế phi quân sự trong những viễn cảnh chưa xảy ra xung đột, bằng cách cản trở các bên tranh chấp khác quyết liệt chống lại sự xâm phạm của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy vậy, theo bà, các nước trong và ngoài khu vực đã và đang có những hành động để đối phó với mưu đồ kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc và các hoạt động đó cần tiếp tục được phát huy.

Trong cuộc gặp ở Manila hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana và người đồng cấp Mỹ Mark Esper đã cam kết duy trì tự do lưu thông ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS 1982), theo tờ The Philippine Star.
Trước đó ngày 18.11, trong chuyến thăm Ấn Độ, Tham mưu trưởng hải quân Pháp Christophe Prazuck cho hay lực lượng này điều tàu đến Biển Đông 6 - 10 lần/năm vì luật biển quốc tế ở khu vực “đang gặp nguy cơ”, theo Hãng tin PTI. Ông Prazuck còn nhấn mạnh hải quân Pháp sẽ tiếp tục đến Biển Đông để ủng hộ tự do hàng hải.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn