Lấy nước sông Hồng xử lý ô nhiễm Tô Lịch: Hàng trăm tỷ đồng sẽ mất trắng sau mấy ngày

Thứ tư, 04/12/2019, 09:36
Chuyên gia cho rằng đề xuất lấy nước sông Hồng xử lý ô nhiễm Tô Lịch sẽ khiến Hà Nội mất trắng hàng trăm tỷ đồng sau mấy ngày.

Xung quanh việc tìm giải pháp hiệu quả xử lý ô nhiễm nước thải sông Tô Lịch (Hà Nội), PV có cuộc trò chuyện với GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM.

Trong các giải pháp xử lý nước thải trên sông Tô Lịch, công nghệ máy lọc nước nano của Nhật Bản được đánh giá là giúp loại bỏ mùi tận gốc, phân hủy bùn, lọc nước, bảo tồn hệ sinh thái, kích thích vi sinh vật, thưa ông?

Thực tế là hiện không nhiều người có dịp kiểm nghiệm, kiểm tra trực tiếp công nghệ xử lý nước thải của Nhật Bản. Cũng rất ít người hiểu được cơ chế vận hành, làm việc của máy xử lý nano mà họ giới thiệu.

Tôi cho rằng, chúng ta cần xem xét và cân nhắc giải pháp này trên phương diện đánh giá tổng thể các tiêu chí và có căn cứ khoa học, do cơ quan Việt Nam thẩm định. Không nên vì một lý do cá nhân hay xuất phát từ nhóm lợi ích mà ủng hộ hay phản đối.

TS. Kubo Jun gội đầu bằng nước sông Tô Lịch sau xử lý bằng Công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản

Theo quan điểm của tôi, làm sạch nước thải bằng công nghệ nano hay công nghệ gì cũng phải đáp ứng các yêu cầu và tiêu chí thực tế. Ngoài các yếu tố chất lượng, thời gian, chúng ta cần cân nhắc đến chi phí tổng thể cho kế hoạch.

Tất nhiên, chúng ta không phủ nhận những ưu điểm của công nghệ xử lý nước thải Nhật Bản. Họ nghiên cứu, chế tạo và áp dụng thành công ở trong nước và hiện nay xuất khẩu ra nước ngoài.

Yếu tố công nghệ cũng phải phù hợp với bối cảnh môi trường xung quanh, thưa ông?

Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng, công nghệ cho dù hiện đại đến đâu cũng phải xuất phát từ yêu cầu thực tế, bối cảnh môi trường xung quanh. Nhìn tổng thể, việc xử lý nước sông Tô Lịch nên theo hướng giải quyết từng bước, ở từng khu vực nhỏ. Nước thải phải được xử lý cục bộ, sau đó mới đổ ra dòng sông.

Do đó, công nghệ xử lý bằng máy nano của Nhật Bản là một giải pháp tham khảo mà chúng ta cần tìm hiểu. Tuy nhiên, đó không phải là giải pháp tuyệt đối, có thể tin tưởng hoàn toàn.

Người Nhật làm công nghệ rất giỏi, chế tạo máy rất chất lượng nhưng chúng ta cần xem xét nó có phù hợp với môi trường và hiện trạng của sông Tô Lịch không.

Cần có cơ chế đo đạc, tính toán và thẩm định chính xác từ cơ quan chuyên môn của Việt Nam, từ đó mới có thể đưa ra nhận định đúng đắn.

Từ kết quả thử nghiệm ban đầu, liệu có khả năng áp dụng máy nano của Nhật Bản để xử lý nước thải sông Tô Lịch trên quy mô lớn?

Tổ chức Xúc tiến thương mại – Môi trường Nhật Bản có nêu nhiều ưu điểm của công nghệ này trong báo cáo của họ về những thông số sau xử lý.

Phía Việt Nam chúng ta chưa có nghiên cứu chuyên sâu và chi tiết về giải pháp xử lý nước thải bằng công nghệ máy nano của Nhật Bản. Do đó, chúng ta chưa lường hết được những hạn chế và rủi ro trong quá trình áp dụng công nghệ và tiến hành xử lý.

Công nghệ, máy móc, vận hành đều do chuyên gia Nhật thực hiện trong khi lẽ ra chúng ta phải thực thi một số nhiệm vụ và kiểm tra hiệu quả trong quá trình thử nghiệm này.

Về hiệu quả thực tế, trước mắt chúng ta chỉ mới thấy ở một góc nhỏ, mà ở quy mô này thì dễ đạt hiệu quả. Nếu áp dụng trên quy mô hàng chục km của sông Tô Lịch thì không hề đơn giản và kết quả khó như mong đợi. Như vậy thì chưa giải quyết được toàn diện vấn đề ô nhiễm hiện nay ở sông Tô Lịch. Chúng ta cần nhóm giải pháp đồng bộ và giải quyết theo hướng dài hạn vấn đề này.

Tất nhiên, vấn đề công nghệ, máy móc, vận hành đều có thể đáp ứng được, nhưng áp dụng trên diện tích lớn sẽ mất nhiều chi phí và công sức.

Vì vậy, tôi cho rằng có nhiều vấn đề bất cập ở đây. Nếu giải pháp xử lý quá tốn kém thì cần phải xem xét lại cẩn thận. Chúng ta cần đánh giá và tính toán chi phí một cách hiệu quả nhất, trong khả năng cho phép. Nếu vượt quá mức chi trả thì không thể thực hiện được, vì ngân sách có hạn.

Giáo sư từng cho rằng kế hoạch “giải cứu” sông Tô Lịch bằng cách bơm nước từ sông Hồng là sai lầm, vì sẽ chuyển ô nhiễm từ nội đô ra hạ lưu?

Phương pháp bơm nước sông Hồng lên để làm sạch sông Tô Lịch là không hợp lý, vì bơm bao nhiêu cho đủ và chỉ có thể giải quyết trước mắt vấn đề.

Hơn nữa, nguyên lý chung được các nhà môi trường nêu ra là không cho phép pha loãng để xử lý ô nhiễm, rồi đưa nước ô nhiễm ra khu vực khác. Các nước tiên tiến trên thế giới không ở đâu làm như vậy cả.

Ở đây, quyền quyết định thuộc về cơ quan có thẩm quyền của Hà Nội, nhưng chúng ta nên cân nhắc về hiệu quả và hậu quả tác động. Xử lý nước thải là quy trình đưa nước bẩn vào hệ thống lọc, khử độc và qua nhiều giai đoạn khác nữa mới đưa nước sạch đủ tiêu chuẩn ra môi trường.

Trong khi đó, giải pháp trên chỉ là pha loãng nước và đẩy nước thải từ nội thành ra vùng hạ lưu, vô hình trung gây thảm họa ô nhiễm môi trường ở các khu vực lân cận.

Biện pháp pha loãng chỉ nên sử dụng ở phạm vi nhỏ hẹp và cần thiết tức thời. Về lâu dài, không thể áp dụng phương pháp này được.

Chuyên gia cho rằng, giái pháp lấy nước sông Hồng xử lý ô nhiễm Tô Lịch chỉ tốn tiền của và công sức của nhân dân, không thể giải quyết triệt để vấn đề hiện tại.

Nếu cứ lấy nước sông Hồng hòa vào sông Tô Lịch thì liệu dòng sông này sạch được mấy ngày?

Đây là cách xử lý lúc bí bách và chỉ giải quyết trong ngắn hạn. Khi chúng ta bơm liên tục nước sông Hồng vào sông Tô Lịch, dòng nước bẩn, bốc mùi sẽ dễ dàng thoát ra khỏi khu vực nội đô. Nhưng nếu không tiếp tục bơm xả nước thì ngay lập tức mọi thứ trở về nguyên hiện trạng ban đầu.

Do đó, giải pháp xả nước sông Hồng vào sông Tô Lịch chỉ tốn tiền của và công sức của nhân dân, không thể giải quyết triệt để vấn đề hiện tại.

Theo tôi được biết, dự toán ban đầu là cần chi khoảng 150 tỷ đồng cho kế hoạch này. Nhưng số tiền đó chỉ để sử dụng trong giai đoạn đầu, sau đó sẽ còn tiếp tục chi nhiều lần nữa để xử lý ô nhiễm.

Nhiều chuyên gia đánh giá, cả 2 phương án xử lý nước thải nêu trên đều chưa triệt để, cần giải quyết cái gốc là vấn đề ô nhiễm trong dài hạn, thưa ông?

Tôi cho rằng cả hai giải pháp đều tồn đọng những hạn chế cơ bản và không giải quyết được gốc rễ của vấn đề ô nhiễm môi trường trên sông Tô Lịch.

Bơm nước sông Hồng lên để pha loãng nước thải sông Tô Lịch rồi đẩy về vùng hạ lưu là cách làm bất hợp lý, gây tác động lớn cho môi trường toàn khu vực. Theo tôi, đó chưa thể gọi là giải pháp.

Công nghệ nano của Nhật Bản có ưu điểm, song bài toán về chi phí, nhân công và các yếu tố phát sinh khác lại không dễ giải quyết. Ngoài ra cũng cần thẩm định chi tiết về hiệu quả thực tế.

Theo tôi, ngoài 2 giải pháp trên còn có những phương án khác mà chúng ta cần nghiên cứu cụ thể và đề xuất với cơ quan chức năng. Chúng ta phải tìm ra giải pháp hiệu quả nhất và tiết kiệm chi phí nhất cho đất nước.

"Hệ thống xử lý nước thải trên sông Tô Lịch giống như cây lớn có ngọn, nhánh và thân cây. Chúng ta phải xử lý nước đầu vào ở từng nhánh nhỏ, sau đó nước thải mới đổ về khu vực thân cây là Yên Xá, rồi trở về môi trường tự nhiên.".

GS.TSKH Lê Huy Bá

Biện pháp cấm xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý, toàn bộ nước ấy phải được đưa đến các khu xử lý trước khi xả ra sông liệu có khả thi, thưa ông?

Tôi đồng tình với quan điểm này. Cần phải gom lại và xử lý cục bộ trước, sau đó  làm sạch ở từng lưu vực nhỏ rồi nước đó mới được đưa ra sông. TP.HCM cũng đang xử lý nước thải thành phố theo phương án tương tự. Nước ô nhiễm sẽ được bơm vào đường ống chạy dọc dòng kênh, tập trung về khu vực dòng sông.

Toàn bộ nước thải tập trung ở một địa điểm, sau đó được hệ thống bơm lớn dẫn vào nhà máy xử lý ở quận 2. Sau khi nhà máy hoạt động, vấn đề nước ô nhiễm ở TP.HCM sẽ dần được giải quyết cơ bản.

Hà Nội đang cân nhắc giải pháp xây dựng đường ống để thu gom nước thải đến xử lý ở nhà máy Yên Xá. Đây có phải là hướng đi hợp lý không?

Đó là giải pháp hay và cần nghiên cứu cụ thể để triển khai đạt hiệu quả tối ưu. Theo quan điểm cá nhân, tôi đề nghị đặt hệ thống sơ xử lý nước thải ở các lưu vực nhỏ của sông Tô Lịch, sau đó mới cho chảy vào hệ thống đường dẫn, đưa về nhà máy xử lý Yên Xá.

Hệ thống xử lý nước thải trên sông Tô Lịch giống như cây lớn, có ngọn, nhánh và thân cây. Chúng ta phải xử lý nước đầu vào ở từng nhánh nhỏ, sau đó nước thải mới đổ về khu vực thân cây là Yên Xá, rồi trở về môi trường tự nhiên.

Để thực hiện được giải pháp tổng thể và có giá trị dài hạn, Hà Nội cần giải quyết ngay khâu xử lý đầu vào ở từng khu dân cư. Mỗi hộ dân, mỗi doanh nghiệp cần tham gia phòng, chống ô nhiễm sông Tô Lịch. Tại các khu dân cư nên có hầm, bể chứa nước thải, xử lý cục bộ ban đầu rồi mới dẫn nước thải về nhà máy ở Yên Xá, tránh quá tải và giảm hư hại cho nhà máy.

Đây cũng là biện pháp buộc doanh nghiệp, người dân nâng cao trách nhiệm và có nghĩa vụ giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống ô nhiễm nguồn nước sông Tô Lịch. Nếu mỗi người dân và doanh nghiệp đều có ý thức, chắc chắn vấn đề ô nhiễm nước thải nội thành Hà Nội sẽ được giải quyết trong ngắn hạn.

Các nước cũng đang làm như vậy. Họ xây dựng hệ thống xử lý nước thải từ địa bàn dân cư, thậm chí quy định cụ thể tới từng hộ gia đình, cấm đổ chất thải nguy hiểm xuống nguồn nước, dòng kênh, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Ở Việt Nam trong thời gian tới cũng nên đưa ra các quy định như trên.

Xin cảm ơn ông!

Theo VTC

Các tin cũ hơn