Hạ viện Mỹ hôm 3/12 đạt số phiếu áp đảo 406/1 để thông qua dự luật Sự Can thiệp với người Duy Ngô Nhĩ và Phản ứng Nhân đạo Thống nhất Toàn cầu (Dự luật Duy Ngô Nhĩ) năm 2019, cho phép chính quyền Mỹ xác định và trừng phạt quan chức bị xem là chịu trách nhiệm liên quan trong việc giam hàng loạt thành viên nhóm dân tộc thiểu số ở khu tự trị Tân Cương.
Dự luật sẽ tăng cường thắt chặt kiểm soát xuất khẩu công nghệ Mỹ cho Trung Quốc, bao gồm những thiết bị có thể được sử dụng để "đàn áp quyền riêng tư, tự do di chuyển và các quyền con người cơ bản khác".
Dự luật Duy Ngô Nhĩ là phiên bản sửa đổi đáng kể của dự luật Chính sách Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ được Thượng viện thông qua hồi tháng 9, trong đó yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ bổ nhiệm "đặc phái viên" về Tân Cương và đề xuất chính quyền xem xét áp dụng các biện pháp trừng phạt.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tại buổi họp báo ở Quốc hội hôm 21/11. (Ảnh: Reuters). |
Dự luật được Hạ viện thông qua mang tính ràng buộc hơn, yêu cầu Tổng thống Mỹ trong vòng 4 tháng từ khi ban hành luật, đệ trình lên Quốc hội danh sách quan chức Trung Quốc bị coi là chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa với các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Những quan chức này phải chịu các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky, bị tịch thu tài sản tại Mỹ và bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.
Dự luật cho thấy Bí thư Đảng ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc sẽ là một trong những quan chức bị trừng phạt. Dự luật tiếp đến sẽ được chuyển tới Thượng viện và được thông qua với nội dung hiện tại hoặc nội dung các thượng nghị sĩ yêu cầu sửa đổi. Bản thảo cuối cùng được được trình lên Tổng thống Donald Trump để ông xem xét có ký thành luật hay không.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói rằng việc thông qua dự luật là thông điệp gửi tới Trung Quốc. "Nước Mỹ đang theo dõi và chúng tôi sẽ không im lặng", bà Pelosi nói.
Nghị sĩ đảng Dân chủ Brad Sherman, người đi đầu trong sửa đổi dự luật, cho rằng dự luật Duy Ngô Nhĩ lẽ ra nên được thông qua từ lâu và không nên liên kết việc thông qua dự luật với các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra hay bất kỳ vấn đề nào khác.
Bí thư khu tự trị Tân Cương Trần Toàn Quốc, một trong những quan chức có thể bị Mỹ trừng phạt. (Ảnh: SCMP). |
Từ đầu năm 2017, chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc đưa khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các thành viên dân tộc thiểu số Hồi giáo vào các trại tập trung, nơi họ bị giam và được giáo huấn chính trị. Bắc Kinh khẳng định các cơ sở là "trung tâm đào tạo nghề" và họ đang phản ứng hợp pháp với các mối đe dọa từ chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.
Tuyên bố này không thuyết phục được các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Chính phủ Mỹ gần đây đã công bố loạt biện pháp trừng phạt đối với quan chức, các tổ chức chính phủ và các công ty tư nhân Trung Quốc "chịu trách nhiệm hoặc tạo điều kiện cho vi phạm nhân quyền ở Tân Cương".
Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ Global Times của Trung Quốc, hôm 3/12 đăng Twitter rằng chính phủ đang xem xét hạn chế thị thực các quan chức và nghị sĩ Mỹ có "biểu hiện kinh tởm về vấn đề Tân Cương". Ông Hồ Tích Tiến cũng nói rằng Trung Quốc đang xem xét cấm tất cả người mang hộ chiếu ngoại giao Mỹ vào Tân Cương, song không nêu rõ nguồn tin.
Theo VNE