|
Ông Trần Huỳnh Anh bên 2 cháu nội, các con tha hương mưu sinh |
Đồng nghiệp của tôi là anh Võ Hiền (cán bộ phụ trách Đài truyền thanh xã Phổ Cường, H. Đức Phổ, Quảng Ngãi) chậm rãi: "Làng quê giờ hiu quạnh nhưng đến cuối tháng Chạp thì sôi động lắm, lúc ấy vui như Tết". Anh đưa tôi đến những gia đình có người thân ly hương mưu sinh để nghe câu chuyện buồn - vui đời người.
Ốm đau thì tự chăm mình
Ở tuổi 86, bà Võ Thị Hà (trú thôn Nga Mân, xã Phổ Cường) vẫn còn minh mẫn kể tường tận chuyện đã qua trong đời. Vợ chồng bà có 4 người con nhưng đã mất 3 người. Hơn 20 năm trước, nỗi đau ập vào đời bà khi người chồng cũng từ giã cõi đời. Chuỗi ngày buồn tiếp nối khi vợ chồng người con gái tha hương mưu sinh.
Con thơ chập chững, người con gái gửi lại cho bà chăm. Cả 4 đứa cháu lớn khôn trong vòng tay yêu thương của ngoại U90. Giờ 3 cháu lớn đang học và làm việc xa nhà, bé út Đỗ Thị Ngọc My sớm hôm thủ thỉ bên bà cho căn nhà vơi bớt quạnh hiu.
Những ngày khốn khó, bà vừa trông cháu và luôn tay chăm ruộng vườn. Bà kể, bà cháu cùng ra cánh đồng, đặt cháu ngồi trên bờ rồi bà xuống ruộng dặm lúa, cấy lúa. Trời đông u ám, hai bà cháu ra cánh đồng Gò Đá giữa gió lạnh tái tê. Bà dùng áo che mưa cháu khỏi lạnh rồi một mình xuống ruộng tát nước chống ngập úng.
Mảnh vườn nhà khá rộng, bà cố gắng trồng rau rồi đem bán ở chợ quê kiếm tiền để trang trải. Bà luôn tay làm việc để "đỡ bớt phần nào cho con và vơi đi nỗi nhớ tụi nó".
|
Bà Hà cùng cháu ngoại vừa tan trường, con gái bà tha hương mưu sinh |
|
Bà Hà chống gậy sang thăm láng giềng |
Lúc cháu mắc bệnh khi trái gió trở trời, bà tất bật lo cơm cháo, thuốc thang. Những khi bà ốm thì tự chăm mình vì cháu còn quá nhỏ. Lúc ấy, tủi phận mình lẫn với nỗi thương con cơ cực phương xa mưu sinh khiến bà nghẹn lòng, nước mắt chảy dài trên gương mặt hằn sâu vết chân chim.
"Các con thương tôi lắm nhưng ở quê không đủ lo cho cháu ăn học nên phải ra đi kiếm tiền. Lúc trước chưa có điện thoại, rể tôi thường viết thư về thăm mẹ cảm động lắm, vừa đọc vừa khóc...", bà tâm sự.
Hơn nửa năm trước, bà bị tai biến và té ngã gãy xương đùi phải điều trị tại bệnh viện ở TP.Đà Nẵng. Vợ chồng con gái về vội chăm sóc. Cháu ngoại giàn giụa nước mắt ôm lấy cổ bà khiến cho cả phòng bệnh xúc động. Giờ bà chỉ đủ sức chống gậy sang thăm láng giềng, sớm hôm ra vào căn nhà quạnh vắng.
Sáng sớm, cháu gái út đến trường, bà sang hàng xóm gửi tiền nhờ mua rau, mắm. Tan trường, cháu về nhà lúi húi trong bếp nấu ăn. "Con thương ngoại lắm vì hồi nhỏ đến giờ ngoại luôn thương yêu con, lo cho con mọi thứ. Giờ ngoại đi lại khó khăn nên hễ học xong là con về nhà để được ở bên ngoại...", cháu My bộc bạch.
Bà góp chuyện: "Xa con cháu buồn lắm chú à! Nhưng được cái là con cháu, nhất là rể, luôn hiếu thảo với tôi. Ngày nào tụi nó cũng điện hỏi thăm nên cũng đỡ nhớ. Tết đến con cháu về quê, nhà cửa vui lắm...".
20 năm nuôi 10 đứa cháu
Mùng 7 tháng Chạp năm trước, ông Trần Quỳnh Anh (ở xã Phổ Cường) bị tai nạn xe máy gãy chân phải nằm điều trị 4 tháng. Các con vội về chăm sóc cha già được một thời gian rồi lại vào Nam mưu sinh bên xe hủ tiếu gõ. Nơi quê nhà, vợ ông ở tuổi 72 đêm ngày lụi cụi chăm sóc chồng.
Trên giường bệnh, ông "viết những vần thơ cho con" nghe nhói lòng: Bốn tháng trường chẳng nỡ ăn no/Năm canh ấy ngủ không an giấc... Nghĩ chừng nào lệ nhỏ mặn môi/Chạnh nhớ đến ruột đau từng đoạn...
Ngày rời giường bệnh, ông tập tễnh chăm bón 1,8 mẫu ruộng, chăn thả 2 con trâu và trông 4 cháu nội. Khi vợ mắc bệnh, ông bận rộn việc cơm nước, giặt giũ và lo cho các cháu.
"Lúc đau ốm mà tụi nó ở xa cũng buồn lắm chứ nhưng phải mưu sinh vì hoàn cảnh khó khăn, đành phải chịu. Tôi chỉ mong sao còn đủ sức khỏe lo cho cháu để các con yên tâm làm ăn...", ông tâm sự.
Hơn 20 năm qua, vợ chồng ông thay con chăm sóc 10 cháu nội từ nhỏ đến khi nhiều đứa vào giảng đường đại học.
Sáng sớm, vợ chồng tất bật lo bữa sáng rồi ông điều khiển xe máy đưa các cháu nhỏ đến trường. Dẫu khá bận rộn nhưng ông cũng buông bỏ công việc để đón cháu vào giờ tan trường.
"Trẻ nhỏ thường hay đau ốm lắm chú à! Những ngày lạnh như thế này thì càng dễ bị đau, chỉ cần nghe cháu ho là tôi đã sợ rồi. Ngặt nỗi, vợ tôi đang ở trong thành phố nuôi cháu nội sinh con. Mẹ cháu bận bán hủ tiếu mưu sinh, kiếm tiền trang trải, mẹ chồng thì bị bệnh nên không vào giúp được nên bả phải đi. Lúc trước chăm bẵm đến lớn, đến giờ lại vào nuôi nó sinh nở. Còn sống ngày nào thì giúp đỡ cho con cháu chứ biết làm sao được!", ông tâm sự.