Mối đe dọa đối với người Mỹ và đồng minh sẽ lên mức đỉnh điểm ở Trung Đông ngay trong những tuần tới, nhưng nguy cơ sẽ còn tiếp diễn trên toàn cầu trong nhiều tháng, nhiều năm, Julian Borger của báo Guardian bình luận.
Mọi cơ sở của Mỹ ở Syria và Iraq, dù là quân sự hay ngoại giao, đều có thể là mục tiêu tấn công bởi các phần tử dân quân thân Iran, nhất là nhóm Kata’ib Hezbollah do Iran hậu thuẫn.
Chính quyền Iraq sẽ bảo vệ các cơ sở Mỹ ít hơn, vì bản thân Baghdad cũng phẫn nộ về cuộc tấn công trên lãnh thổ mình, theo bài viết trên Guardian.
Vụ không kích bằng drone của Mỹ vào sân bay Baghdad sáng sớm 3/1, theo lệnh của Tổng thống Trump, làm thiệt mạng ông Soleimani, Tư lệnh của Lực lượng Quds tinh nhuệ thuộc Vệ binh Cách mạng Iran, và một số chỉ huy các lực lượng dân quân Iraq, đẩy căng thẳng lên cao giữa Washington và Tehran.
Qassem Soleimani, Tư lệnh Lực lượng Quds tinh nhuệ thuộc Vệ binh Cách mạng Iran, thiệt mạng trong vụ không kích của Mỹ. (Ảnh: Reuters). |
Iran cũng có thể trả đũa theo cách quen thuộc, nhắm tới tàu chở dầu trên vịnh Ba Tư.
Giới lãnh đạo Tehran cũng thừa hiểu một cách tấn công Tổng thống Trump là phá hoại cơ may tái đắc cử của ông.
Một đợt giá dầu tăng vọt, giữa bất ổn toàn cầu và đe dọa bủa vây lấy nước Mỹ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu tới chiến dịch tranh cử của ông.
Ở Afghanistan, Iran từ lâu đã có liên kết với các nhóm dân quân Hazara, để từ đó thực hiện tấn công ở Herat.
Ở Lebanon, Hezbollah từ lâu đã là “cánh tay phải” của Iran, có thể tấn công Israel và lợi ích của Mỹ trong khu vực bất cứ lúc nào. Hezbollah thậm chí còn có mạng lưới rộng lớn hơn ở Nam Mỹ và Tây Phi, những nơi có người nhập cư Lebanon theo Hồi giáo dòng Shia.
Tình báo Iran từng thực hiện ám sát ở châu Âu. Có nhiều vụ tấn công khác trên toàn cầu mà Iran và Hezbollah bị nghi ngờ, nhưng chưa có bằng chứng.
Tình báo Mỹ tin rằng Hezbollah đứng sau vụ đánh bom một trung tâm văn hóa Israel - Argentina ở Buenos Airet năm 1994, hay vụ đánh bom xe buýt chở du khách Israel ở Burgas, Bulgari, năm 2012.
Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cũng tin rằng Iran dính dáng tới vụ đánh bom chuyến bay 103 của hãng Pan Am trên bầu trời Scotland năm 1988, để trả đũa cho vụ Mỹ bắn nhầm máy bay Iran Air 655 trước đó 5 tháng.
Tehran có nhiều lựa chọn đáp trả, nhưng cũng gặp một số giới hạn. Họ muốn tránh một cuộc chiến tổng lực với Mỹ và đồng minh.
Giờ đây, Iran có thể nối lại việc chế tạo vũ khí hạt nhân, do Tổng thống Trump đã rút khỏi hiệp định hạt nhân 2015. Nhưng nếu xảy ra giao tranh, việc chế tạo vũ khí hạt nhân như vậy sẽ khó hơn. Và mỗi hành động trả đũa đều khiến Iran mất đi sự ủng hộ đang có trên thế giới, nhất là từ Nga và Trung Quốc.
Iran nhiều khả năng sẽ chọn lọc mục tiêu trả đũa, và có thể vẫn tìm cách “phủ nhận hợp lý” như các cuộc tấn công trước đây. Nhưng chắc chắn sự đáp trả sẽ xảy ra vào thời gian và mục tiêu do Iran chọn. Sự bất an, lo sợ thường trực mà Mỹ và khu vực luôn phải đối mặt sẽ là một phần của sự trả đũa.
“Nói thật là tôi chưa bao giờ thấy Iran không trả đũa - ăn miếng trả miếng. Chưa bao giờ”, Robert Baer, một cựu nhân viên CIA, nói với Guardian. “Trả đũa đã nằm trong gene của họ, cũng như việc dùng các nhóm tay sai, vốn rất khó để (Mỹ) đề phòng. (Iran) có vô số lựa chọn”.
Theo Zing