Sau khi Nghị định số 100/2019 tăng mức phạt với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn chính thức có hiệu lực, chị Nguyễn Nhung (Hà Nội) khá băn khoăn khi biết chỉ cần phát hiện có cồn trong khí thở hoặc máu, người dân có thể bị xử phạt thay vì nồng độ cồn tối thiểu 0,25 mg/l như trước đây.
Chị Nhung thường hay sử dụng bia, rượu vang khi làm bánh ngọt hoặc một số món om, hầm...và mời bạn bè đến nhà ăn. "Chẳng lẽ người ta ăn món mình nấu xong ra đường bị xử phạt thì khổ thân quá", chị Nhung nói đùa.
Bên cạnh đó, thông tin một số loại trái cây chứa đường dễ lên men như nho, sầu riêng...có thể để lại cồn trong hơi thở cũng khiến chị Nhung lo lắng.
Trao đổi với PV, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Trần Thị Trang thừa nhận một số thực phẩm chứa đường dễ lên men có hàm lượng cồn hoặc một vài loại thuốc có sử dụng dung môi cồn. Hơi thở của người vừa sử dụng thực phẩm hoặc thuốc này sẽ dương tính với cồn.
Tuy nhiên, hàm lượng cồn rất nhỏ, không đáng kể và phụ thuộc nhiều vào mức thực phẩm cơ thể hấp thụ. Sau khi ăn, người dân chỉ cần uống một cốc nước hoặc đi lại chừng 15-20 phút là lượng cồn này không còn lưu lại trong hơi thở nữa.
"Xác suất người dân vừa ăn xong thực phẩm chứa cồn liền bị cảnh sát giao thông (CSGT) kiểm tra là rất nhỏ. Thực tế, họ chỉ cần vận động một lúc là hết", bà Trang cho hay.
Đại diện cơ quan soạn thảo Luật phòng, chống tác hại rượu bia cũng cho biết lực lượng CSGT đã được tập huấn kỹ càng về những thông tin này nên người dân gặp trường hợp tương tự chỉ cần giải thích rõ ràng. Nếu hơi thở có nồng độ cồn do ăn thực phẩm chứa đường sẽ không bị xử phạt.
Bà cũng nhận định lực lượng CSGT không gặp khó khăn để phân định những trường hợp này do đã có kinh nghiệm trong xử phạt người lái ôtô có nồng độ cồn trong máu theo quy định cũ. Nghị định mới chỉ mở rộng nhóm đối tượng xử phạt ra cả xe máy và xe đạp.
Người dân bị CSGT xử phạt do sử dụng rượu, bia theo quy định mới. |
Hiện Việt Nam có tới 33 triệu xe máy có đăng ký, chưa kể xe đạp điện và các loại xe gắn máy khác. Trong khi đó, có tới 80% người dân có sử dụng rượu bia, 44% sử dụng ở mức có hại, tức 6 lon bia/lần uống. Bà Trang kỳ vọng việc mở rộng nhóm đối tượng và khung xử phạt sẽ góp phần tạo nên văn hóa không sử dụng rượu, bia trước khi tham gia giao thông.
"Làm sao để người dân uống vừa phải. Nữ không nên uống quá 1 đơn vị cồn, nam không nên uống quá 2 đơn vị cồn mỗi ngày", bà Trang khuyến cáo.
Lý giải về thời gian tồn tại của nồng độ cồn trong máu và hơi thở, bác sĩ Mai Đức Huy, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, cho biết trung bình cơ thể sẽ cần 1 giờ để chuyển hóa 1 đơn vị cồn quy chuẩn. Cụ thể, 1 đơn vị cồn quy chuẩn tương đương 360ml bia thông thường (nồng độ cồn 5%), 250-270ml rượu mạch nha (nồng độ cồn 7%),150ml rượu vang (nồng độ cồn 12%) và 45ml rượu mạnh (nồng độ cồn 40%).
Sự hiện diện trong cơ thể của bia, rượu còn phụ thuộc vào mẫu thử được đem ra xét nghiệm, như đối với máu hoặc nước tiểu thì cồn sẽ âm tính sau khi sử dụng khoảng 12 giờ, đối với hơi thở thì con số này là 24 giờ. Riêng với mẫu thử như lông, tóc thì cồn có thể tồn tại trong nang lông lên đến 90 ngày, xét trên 1 đơn vị cồn quy chuẩn.
Người dân tranh cãi với CSGT khi bị kiểm tra nồng độ cồn. |
Bên cạnh đó, uống càng nhiều thì cồn được giữ trong người càng lâu, do đó lượng rượu, bia chính là yếu tố chủ đạo trong việc quyết định thời gian chất cồn tồn tại trong máu dài hay ngắn.
20% lượng cồn uống vào được hấp thu tại dạ dày trong khi 80% còn lại được hấp thu tại ruột non rồi đi trực tiếp vào máu. Lượng cồn này sẽ được phân phối ra toàn cơ thể. Hầu hết lượng cồn trong máu sẽ được chuyển hóa tại gan, cơ quan này có thể đào thải 1 đơn vị cồn quy chuẩn trong 1 giờ.
Nếu một người sử dụng nhiều hơn mức này, cơ thể sẽ vào trạng thái bão hòa khi gan không kịp thải trừ, từ đó cồn sẽ được tích tụ lại trong máu và gia tăng nồng độ khi xét nghiệm.
Theo bác sĩ Huy, thời gian tồn tại của nồng độ cồn trong máu khác nhau ở mỗi người và phụ thuộc nhiều yếu tố. Bao gồm, tuổi tác, giới tính, thức ăn và thể trạng.
Giới nữ có khuynh hướng xử lý cồn trong bia rượu trong cơ thể lâu hơn, phần lớn là do tỉ lệ mỡ cao hơn và tỉ lệ nước trong cơ thể thấp hơn so với nam giới. Vai trò của hormon cũng chiếm một phần quan trọng mà thời điểm trước kỳ kinh nguyệt là lúc cơ thể phụ nữ chuyển hóa bia, rượu kém nhất.
CSGT kiểm tra nồng độ cồn của tài xế. |
Một số yếu tố ảnh hưởng khác được bác sĩ chỉ ra, bao gồm: Tuổi càng cao thì thời gian gan xử lý cồn lâu hơn; thức ăn giúp pha loãng cồn và chậm di chuyển cồn xuống ruột non, đỉnh nồng độ cồn trong máu của người uống lúc dạ dày rỗng có thể gấp 3 lần người đã có bữa ăn trước đó; nồng độ cồn trong máu của người béo cũng cao hơn người gầy với cùng một lượng sử dụng, bởi lượng mỡ tạng chiếm tỉ lệ lớn hơn khối lượng cơ khiến khả năng hấp thu bia, rượu giảm.
Thêm vào đó, thuốc cũng là yếu tố ảnh hưởng nếu loại thuốc đó tương tác với cồn trong máu hoặc cạnh tranh chuyển hóa như thuốc chống âu lo (Xanax), thuốc điều trị đái tháo đường (Chlorpropamide), một số thuốc ho, thuốc cảm thông thường... Ngược lại, một số thuốc lại làm chậm tiến trình rỗng dạ dày, dẫn đến chậm hấp thu cồn từ bia, rượu.
Theo Zing