Chợ đen thuốc gây nghiện ở Trung Quốc

Thứ sáu, 03/01/2020, 16:38
Trên các chợ đen thuốc giảm đau, người bán sử dụng tên giả và tiếng lóng bán những viên thuốc có thể dẫn đến chết người.

Trung Quốc là nước có quy định về thuốc giảm đau opioid nghiêm ngặt nhất thế giới nhưng "đại dịch" opioid vẫn lan tới và đe dọa. Bất chấp quy định cứng rắn của chính phủ, các sản phẩm như OxyContin vẫn được buôn bán trái phép trên nền tảng thương mại điện tử của các "ông lớn" như Tencent, Baidu và Alibaba.

Những chợ đen này chủ yếu phục vụ cho các bệnh nhân nghiện thuốc giảm đau bán theo đơn. Chính phủ  Trung Quốc cho biết người dân chưa ý thức rõ ràng về khái niệm lạm dụng opioid, khiến công tác đánh giá rủi ro trở nên khó khăn. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu thụ thuốc giảm đau đang tăng nhanh chóng.

Wu Yi (phải), một bệnh nhân đã vượt qua ung thư, hát rong để kiếm tiền mua thuốc giảm đau. (Ảnh: AP News)

Ca sĩ Wu Yi, 32 tuổi, khỏi bệnh ung thư hạch nhưng nhận ra anh đã mắc chứng nghiện OxyContin. Anh cho biết, bác sĩ từng nói loại thuốc này không gây nghiện và có thể dùng bất cứ khi nào anh thấy cần.

Những người như Wu thường không được thống kê trong các báo cáo tỷ lệ phụ thuộc thuốc của chính phủ, bởi anh không có tiền sử lạm dụng chất gây nghiện.

Khi nhu cầu tăng lên, Wu bắt đầu nhai OxyContin để tăng thêm tác dụng hoặc dùng chung với thuốc ngủ và rượu.

"Tôi cảm thấy mình giống như người nghiện ma túy, nhưng cũng chẳng thể làm gì khác", anh chia sẻ.

Với lo ngại về việc sử dụng opioid, tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc đã thu hồi nhiều loại thuốc nhóm này từ hầu hết các cửa hàng dược phẩm. Song, bất chấp sự giám sát chặt chẽ của chính phủ, OxyContin và nhiều thuốc giảm đau gây nghiện khác vẫn được buôn bán ở các chợ đen trực tuyến.

Mới đây, hãng thông tấn Mỹ AP điều tra ra 13 nhà phân phối trái phép loại thuốc này. Họ sử dụng một nền tảng để thu hút khách và nền tảng khác để bán hàng, thường là WeChat (mạng xã hội tương tự Facebook của Trung Quốc). Opioid tương đối an toàn nếu sử dụng theo sự chỉ định của bác sĩ, tuy nhiên dùng lâu dài sẽ gây nghiện như ma túy. Từ năm 1999 đến 2018, loại thuốc này cướp đi sinh mạng của 400.000 người Mỹ.

Các bài đăng bán thuốc OxyContin trái phép trên diễn đàn trực tuyến. (Ảnh: AP)

Đại diện Tập đoàn Tencent cho biết: "Chúng tôi kiên quyết chống lại các bên vô đạo đức sử dụng trái phép nền tảng và dịch vụ của chúng tôi, bao gồm QQ và Wechat để kinh doanh bất hợp pháp". Tencent cũng khuyến khích người dùng báo cáo những hành vi này.

Trong khi đó, trên trang mạng Xianyu, trực thuộc Alibaba, AP cũng tìm thấy 7 tài khoản do 6 người quản lý, cung cấp thuốc OxyContin hoặc Tylox (một loại thuốc giảm đau bán theo đơn). Sau khi thỏa thuận với các bệnh nhân, người bán đã tạo một cửa hàng giả để giao dịch, gửi danh mục sản phẩm. 10 hộp OxyContin có giá khoảng 1.200 nhân dân tệ (4 triệu đồng)

"Hãy nhắn cho tôi sau khi bạn chuyển tiền. Thanh toán trước thứ sáu và tôi sẽ gửi thuốc cho bạn vào hôm nay", người bán thuốc viết trong một giao dịch bất hợp pháp.

Trường hợp của Wu Yi, tới năm 2019, anh vẫn dành 1.500 nhân dân tệ (5 triệu đồng) mỗi tháng để mua OxyContin. Cha mẹ cho rằng anh đang tự đầu độc bản thân nên đã khóa tủ thuốc. Wu đã chi 2.000 nhân dân tệ cuối cùng của mình, tham gia vào các diễn đàn trực tuyến dành riêng cho "con nghiện" opioid để mua thuốc chợ đen với giá rẻ hơn.

Một hiệu thuốc bán Tylox mà không có đơn của bác sĩ. (Ảnh: AP)

Sau khi tìm được "nguồn cung" phù hợp, anh ghi lại thông tin liên lạc. Để tránh bị phát hiện, người bán thuốc cho Wu sử dụng tên giả, tiếng lóng hoặc chèn những ảnh vô nghĩa như tất, cây xương rồng hoặc đèn chùm vào đoạn hội thoại. Các bài đăng cũng tự biến mất sau một thời gian.

Một lỗ hổng pháp lý quan trọng trong khâu quản lý opioid tại Trung Quốc là việc người thân của các bệnh nhân ung thư đã qua đời cố gắng bán đi số thuốc còn sót lại. Đó là những gì Zhou Shalu đã làm trên các diễn đàn trực tuyến.

Sau khi mẹ mất vì bệnh ung thư phổi và để lại hàng trăm viên OxyContin 40mg, trị giá hơn 1.000 USD,  Zhou đăng bán loại thuốc này trên diễn đàn trực tuyến với giá giảm 35%.

Năm ngoái, Tòa án Nhân dân huyện Ninh Giang, Trung Quốc đã kết tội ba người vì hành vi buôn bán hàng nghìn viên thuốc giảm đau trái phép. Thông qua mạng xã hội, những đối tượng này đã mua thuốc từ các gia đình như Zhou Shalu, tìm kiếm bệnh nhân khác và chào bán với giá cao hơn.

Theo VNE

Các tin cũ hơn