Quân đội Mỹ hôm 3/1 không kích tiêu diệt Tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.
Theo bà Slavin, vụ tấn công này sẽ chỉ làm tăng chứ không giảm ảnh hưởng của Iran trong khu vực vì người dân địa phương sẽ gặp khó khăn hơn trong việc phản đối vai trò của Iran. Mỹ có thể sẽ bị đánh bật khỏi Iraq khi sát hại một vị tướng máu mặt của Iran trên đất Iraq, vi phạm thỏa thuận rằng Mỹ hiện diện tại Iraq chỉ để chiến đấu với IS và đào tạo người Iraq trong vấn đề này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Sputnik) |
Thực tế là hôm 5/1, Quốc hội Iraq thông qua 1 Nghị quyết yêu cầu Chính phủ nước này chấm dứt sự hiện diện của các lực lượng quân sự nước ngoài trên lãnh thổ đất nước, đảm bảo không lực lượng nước ngoài nào được phép sử dụng đất, không phận, hải phận của Iraq với bất kỳ lý do nào.
Nghị quyết chỉ rõ, Chính phủ Iraq sẽ thu hồi đề nghị hỗ trợ đối với Liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu trong cuộc chiến chống IS, chấm dứt mọi hoạt động quân sự của Liên quân trên lãnh thổ quốc gia này, do cuộc chiến chống khủng bố đã kết thúc với việc giành chiến thắng.
Theo bà Slavin, khả năng xảy ra chiến tranh toàn diện giữa Mỹ và Iran phụ thuộc vào cách Iran đối phó với vụ ám sát ông Suleimani và cách Tổng thống Trump phản ứng với điều này.
"Có lẽ nhà lãnh đạo duy nhất trên thế giới có thể hóa giải căng thẳng giữa ông Trump và người Iran là Tổng thống Putin. Tuy nhiên, Nga, cũng như Trung Quốc, được hưởng lợi từ những hành động liều lĩnh của Mỹ vốn làm giảm vai trò của Mỹ ở Trung Đông. Nga và Trung Quốc có thể chỉ cần thõng tay ngồi lại và xem sự hỗn loạn sẽ xảy ra sau đó", chuyên gia này phân tích.
Về việc Iran sẽ đáp trả thế nào, bà Slavin tin rằng Tehran sẽ "cẩn thận lựa chọn địa điểm, thời gian và phương án tấn công".
"Họ có nhiều đối tác giúp tìm mục tiêu và thực hiện các cuộc tấn công, đặc biệt là Hezbollah của Lebanon, tổ chức có các phần tử trên khắp thế giới. Iran cũng có thể tấn công cơ sở hạ tầng của Mỹ hoặc cơ sở hạ tầng của các đồng minh Mỹ. Các hành động của Mỹ cuối cùng sẽ loại bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, hiệp ước mà cả hai đã rút lui vào năm 2018. Tôi khó có thể tưởng tượng được Iran vẫn tiếp tục ở lại trong khuôn khổ thỏa thuận này sau một cuộc tấn công như vậy", nữ chuyên gia kết luận.
Theo VTC