Châu Á "ngồi trên đống lửa" sau khi Mỹ ám sát tướng Iran

Thứ hai, 06/01/2020, 17:06
Các chính phủ châu Á đang thận trọng theo dõi cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran, Philippines chuẩn bị kế hoạch sơ tán trong khi Thái Lan và Ấn Độ lo ngại tác động thương mại.

Chiều 5/1, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp với các quan chức quốc phòng, quân đội và cảnh sát hàng đầu.

"Tổng thống đã giao nhiệm vụ cho [quân đội] chuẩn bị khí tài không quân và hải quân để sơ tán và mang đồng hương của chúng ta trở về khi chiến sự công khai nổ ra ở Trung Đông có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của họ", Bộ Quốc phòng tuyên bố.

Tuyên bố nhấn mạnh rằng ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn cho 6.000 người Philippines ở Iraq và 1.600 người ở Iran.

Người biểu tình đổ xuống đường ở Tehran ngày 3/1 phản đối vụ ám sát Qassem Soleimani của lực lượng Mỹ. (Ảnh: Reuters).

Theo Nikkei Asian Review, các nước châu Á khác chia sẻ sự e ngại của Philippines.

Trong tuyên bố ngày 4/1, Bộ Ngoại giao Indonesia nói rằng họ "quan tâm đến tình hình leo thang" và kêu gọi các công dân của họ ở Iraq "luôn luôn thận trọng". Họ khuyên 864 người Indonesia ở đó liên lạc với đại sứ quán nếu cần hỗ trợ khẩn cấp.

Giá dầu tăng vọt gây tác động lên đồng rupiah của Indonesia. Đồng tiền đã giảm 0,5% so với đồng USD vào ngày 3/1, chạm mức thấp nhất chỉ trong hơn một tuần. Reuters đưa tin sự suy giảm tiếp tục vào ngày 6/1, khiến ngân hàng trung ương Indonesia can thiệp vào thị trường tiền tệ "để ổn định tình hình".

Trong khi đó, các quan chức và giám đốc điều hành Thái Lan trong lĩnh vực năng lượng đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp tại Bangkok vào ngày 6/1. Bộ trưởng Năng lượng Sonthirat Sontijirawong cho biết vương quốc này có khoảng 3 tỷ lít dầu thô dự trữ, đủ dùng trong khoảng 50 ngày và thêm 100.000 tấn khí dầu mỏ hóa lỏng, tương đương 17 ngày sử dụng.

Pimchanok Vonkorpon, tổng giám đốc văn phòng chính sách và chiến lược thương mại của Thái Lan, cho biết xuất khẩu tổng thể của Thái Lan sẽ phải đối mặt sóng gió lớn nếu tình hình xấu đi, vì cuộc khủng hoảng sẽ phá vỡ không chỉ các chuyến hàng đến Trung Đông mà cả châu Phi.

Hôm 6/1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói với các phóng viên rằng ông "quan ngại sâu sắc". Ông Abe cho biết sẽ tiếp tục triển khai Lực lượng Tự vệ tới khu vực Trung Đông để theo dõi và đảm bảo an toàn cho các tàu hàng của Nhật Bản.

Viết trên Twitter hôm 6/1, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho biết ông đã điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về "tình hình diễn tiến ở vùng Vịnh", nhấn mạnh rủi ro và lo ngại của Ấn Độ vì quốc gia Nam Á này phụ thuộc vào dầu vùng Vịnh.

Về phần mình, Trung Quốc thể hiện giọng điệu khá gay gắt đối với các can thiệp của Mỹ ở Trung Đông. Hôm 6/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng chỉ trích Washington vì làm nặng nề thêm bất ổn trong khu vực, theo Reuters. Bắc Kinh kêu gọi tất cả các bên tìm kiếm hòa bình và ổn định.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng kêu gọi bình tĩnh.

Hôm 3/1, Mỹ đã ám sát tướng hàng đầu của Iran, Qassem Soleimani, trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tại sân bay quốc tế của Baghdad. Iran tuyên bố sẽ trả đũa bằng cách nhắm vào các tài sản của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo rằng hành động như vậy sẽ thúc đẩy các cuộc tấn công "rất nhanh và rất dữ dội" đối với 52 mục tiêu của Iran.

Theo Zing

Các tin cũ hơn